Sáp nhập – cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Sáng 21-5, Giám đốc Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, được sự đồng ý của UBND TP, Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo lần thứ nhất nhằm đánh giá toàn diện quy mô cung ứng dịch vụ y tế sau khi hợp nhất.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo ba Sở Y tế, cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý và cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Các đại biểu đã thảo luận sâu về hiện trạng và dự báo cung ứng dịch vụ y tế sau hợp nhất, từ đó đề xuất các phương án sắp xếp lại hệ thống y tế phù hợp với quy mô mới của Tp.Hồ Chí Minh
Giám đốc Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh khẳng định: "Đây là thách thức rất lớn đối với ngành y tế TP nhưng cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ, mở rộng phạm vi phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế toàn diện trên địa bàn hợp nhất".
Tăng quy mô, giảm tỷ lệ: Cảnh báo tình trạng không tương xứng nguồn lực
Theo tính toán, sau khi hợp nhất, diện tích Tp.Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 2.095km² lên 6.772km². Dân số cũng sẽ tăng từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng cả về số lượng lẫn phạm vi địa lý.

Về cơ sở vật chất, số bệnh viện sẽ tăng từ 134 lên 174 bệnh viện, bao gồm 27 bệnh viện từ Bình Dương và 13 bệnh viện từ Bà Rịa – Vũng Tàu. Số giường bệnh cũng tăng từ 41.525 lên 49.147 giường. Tuy nhiên, chỉ số giường bệnh trên vạn dân lại giảm mạnh từ 41,7 xuống còn 31,3, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu quốc gia (42 giường/vạn dân).
Tương tự, số bác sĩ sẽ tăng lên 24.629 người, nhưng tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân lại giảm mạnh từ 20,8 xuống còn 13,08, gây lo ngại nghiêm trọng về chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Tỷ lệ điều dưỡng cũng giảm từ 37 xuống còn 29 điều dưỡng/vạn dân.
Ngoài ra, tổng số dịch vụ công ngành y tế Tp.Hồ Chí Minh thực hiện mỗi năm dự báo sẽ tăng từ 20.000 lên hơn 30.000 hồ sơ, đòi hỏi hệ thống hành chính y tế phải đổi mới và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ để không bị tê liệt.
Dự báo tăng gần 10 triệu lượt khám bệnh mỗi năm
Một trong những cảnh báo được các đại biểu đồng thuận cao tại hội thảo là nguy cơ quá tải tuyến cuối, đặc biệt tại các bệnh viện lớn tại Tp.Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Từ Dũ, Hùng Vương…

Cụ thể, số lượt khám bệnh mỗi năm dự báo sẽ tăng từ 42 triệu lượt lên hơn 51 triệu lượt. Số lượt điều trị nội trú tăng từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt. Điều này đặt ra sức ép rất lớn, không chỉ cho hạ tầng bệnh viện mà còn với đội ngũ y, bác sĩ đang vốn dĩ đã quá tải sau đại dịch COVID-19.
Trong bức tranh tổng thể, Tp.Hồ Chí Minh sẽ đảm nhận khoảng 30% số lượt khám ngoại trú và 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước – một tỷ trọng cao chưa từng có, khiến thành phố gần như trở thành trung tâm y tế của cả miền Nam, nếu không nói là của cả nước.
Mở rộng hệ thống: Từ nguy cơ thành cơ hội
Trước thách thức quá tải hiện hữu, Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc mở rộng mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 cho các bệnh viện đầu ngành tại địa bàn mới là giải pháp khả thi và cần triển khai nhanh.
Các bệnh viện như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi đồng 1… hoàn toàn có thể phát triển thêm cơ sở vệ tinh tại Bình Dương hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu để chia lửa, đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân không phải di chuyển xa.
Việc này không chỉ giúp giảm tải hệ thống y tế thành phố mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch y tế, tận dụng lợi thế không gian, hạ tầng và môi trường ở các tỉnh ven biển hoặc vùng đô thị mới để xây dựng mô hình "bệnh viện trong rừng – nghỉ dưỡng trong bệnh viện".
Tái quy hoạch hệ thống y tế trong bối cảnh mới
Một định hướng chiến lược được đề cập trong hội thảo là đề xuất xây dựng thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ 4 và 5 tại địa bàn mới sáp nhập. Các cụm này có thể theo mô hình đa chuyên khoa hoặc chuyên biệt (tim mạch, ung bướu, sản nhi…), giúp giảm lệ thuộc vào cụm y tế trung tâm Tp.Hồ Chí Minh.
Đồng thời, các chỉ tiêu phát triển ngành y tế như số giường bệnh, bác sĩ, điều dưỡng trên vạn dân… sẽ cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực.
Sở Y tế TP cũng đang tham mưu để bổ sung quy hoạch tổng thể hệ thống y tế Tp.Hồ Chí Minh sau hợp nhất, theo hướng đồng bộ – hiệu quả – bền vững, tránh tình trạng chắp vá, manh mún hoặc thiếu sự phối hợp liên vùng.
Cấp cứu ngoại viện: Lỗ hổng lớn cần nhanh chóng lấp đầy
Một điểm yếu đang lộ rõ là hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu còn chưa phát triển. Do đó, Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh tại hai địa phương này, kết nối trực tiếp với Trung tâm Cấp cứu 115 Tp.Hồ Chí Minh.
Trung tâm 115 cũng sẽ tiến hành khảo sát thực địa và triển khai phương án điều phối cấp cứu khu vực liên tỉnh, từ đó tạo thành một mạng lưới phản ứng nhanh đa trung tâm, đủ sức ứng phó với các tình huống cấp cứu hàng loạt hoặc thiên tai, dịch bệnh trong tương lai.
Đầu tư công và PPP: Cần quản lý chặt và hiệu quả hơn
Về nguồn lực đầu tư, tổng vốn đầu tư công cho ngành y tế Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ tăng từ 48.549 tỉ đồng lên 52.424 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030, con số này tiếp tục tăng lên 65.134 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn kêu gọi hơn 10.000 tỉ đồng từ hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều công trình bệnh viện hiện đại vẫn chưa đưa vào hoạt động hoặc hoạt động dưới công suất, do chậm tiến độ, thiếu nhân lực hoặc vướng mắc thủ tục đầu tư.
Do đó, các đại biểu kiến nghị lãnh đạo thành phố cần có giải pháp căn cơ để nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư công, đặc biệt là sau khi ba Sở Y tế được hợp nhất thành một, tránh chồng chéo, phân tán hoặc lãng phí nguồn lực.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh và y tế cộng đồng
Sau khi mở rộng địa giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tp.Hồ Chí Minh cũng sẽ đảm nhiệm địa bàn rộng gấp hơn 3 lần trước đây. Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát dịch bệnh, quản lý y tế dự phòng và y tế cộng đồng, tránh bị động trong các tình huống khẩn cấp.
CDC thành phố đã đề xuất triển khai đề án nâng cao năng lực toàn diện, kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả cho vùng đô thị mở rộng.
Hội thảo lần 2: Bước đi chiến lược cho y tế đại đô thị
Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo phương án tổ chức lại hệ thống y tế Tp.Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, do Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh chủ trì xây dựng. Dự thảo này sẽ tiếp tục được trình bày, lấy ý kiến và thống nhất tại hội thảo lần thứ 2 dự kiến tổ chức ngày 6-6, với chuyên đề: "Các giải pháp cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố sau hợp nhất".
Đây sẽ là bước đi chiến lược, mang tính quyết định cho việc định hình hệ thống y tế đại đô thị trong tương lai – nơi Tp.Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, mà còn là mô hình mẫu về quản lý y tế vùng đô thị siêu lớn trong bối cảnh mới.
Tấn Tài