Nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo là dự án tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ, bởi những quái kiệt: nhạc sĩ, NSX Dương Cầm, biên kịch Đinh Tiến Dũng và đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh.

Với trăn trở và khát vọng về một sân khấu broadway tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghe thưởng nghệ thuật musical Dương Cầm đã hiện thực hoá điều đó sau rất nhiều năm ấp ủ. Anh cho biết, điều này trở nên dễ dàng hơn khi có sự tham gia của biên kịch Đinh Tiến Dũng, đạo diễn sân khấu Phùng Tiến Minh.
Theo Dương Cầm, "Giấc mơ Chí Phèo" là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc broadway quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway "musical made in Vietnam."
Dương Cầm cho biết, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu.
Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một "mỏ vàng" màu mỡ. Trên thế giới các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như : Những người khốn khổ ( Les Misérables) của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza ( Grafin Mariza), …
Và một vở musical của Việt Nam theo ekip sản xuất chắc chắn sẽ phải là những thứ đẹp đẽ, là bản sắc của văn học, văn hoá, của con người Việt Nam. Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo", NSX Dương Cầm cho hay: "Giữa rất nhiều "món ăn" nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Từ trước đến nay, chúng ta làm nhạc kịch, tuy nhiên ở góc độ của một người làm âm nhạc tôi cho rằng những vở nhạc kịch ấy vẫn chưa đạt được yếu tố "chuẩn broadway". Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế. Chúng tôi nỗ lực biến "Giấc mơ Chí Phèo" trở thành thương hiệu musical made in Vietnam. Nhiều hơn cả sự "chuẩn broadway" đó là văn hoá, là sản phẩm nghệ thuật, là bản sắc của con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng người Việt ăn đồ ăn Việt là ngon nhất."
Trong 90 phút, vở nhạc kịch với âm nhạc kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Chí Phèo với xuất thân và diện mạo bám sát với nguyên tác văn học. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Dương Cầm muốn tái hiện một tinh thần văn học qua góc nhìn nhân văn, thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo "bình thường và thiện lương". Tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành của con người dù có bị vùi dập bởi số phận, dù trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi: "Ai cũng muốn mình là người bình thường, ai cũng muốn mình được yêu thương!"
Dương Cầm tỏ ra vô cùng ăn ý với cộng sự của mình trong lần đầu kết hợp. Với kịch bản của Giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng), Dương Cầm như được cọng thăng hoa hơn trong sự sáng tạo âm nhạc của mình, anh biến chất liệu âm nhạc trở nên đắt giá. Dương Cầm cho biết thêm, 19 ca khúc trong Vở nhạc kịch được anh viết mới hoàn toàn.
Nói về vở nhạc kịch, Đinh Tiến Dũng bày tỏ: "Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người: nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn "Chúng ta muốn làm người bình thường" thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người."
Chia sẻ về sự ra đời của kịch bản "Tôi đọc nguyên tác Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nhiều lần, ở nhiều giai đoạn trưởng thành khác nhau của nhận thức. Tôi tưởng tượng ra rằng với thời đại của mình, nhà văn Nam Cao sẽ chỉ nhìn thấy một vòng lặp Thiện - Ác bất tận, khi Bá Kiến chết đi, Lý Cường con trai lão sẽ lên thay. Thị Nở ôm cái bụng bầu nhìn ra lò gạch, tức là ở cái lò gạch đó, lại sẽ có một Chí Phèo mới ra đời, rồi sẽ lại đi ở đợ cho nhà Lý Cường, rồi lại phải bóp chân cho một bà vợ nào đó của Lý Cường, cứ thế, cứ thế… vòng lặp đau khổ quay mãi. Nhà văn Nam Cao sẽ không thể biết được là ngày nay làng Vũ Đại đã thanh bình và có nghề kho cá ngon nổi tiếng, bán đi khắp nơi trên thế giới với giá mà xưa chắc chỉ nhà Bá Kiến đủ tiền ăn thường xuyên. Vậy tức là sẽ có lúc vòng lặp đau khổ kia bị "chặt đứt", xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đã bắt tay vào viết kịch bản "Giấc mơ Chí Phèo" này."
Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng cho hay, khi nhận được lời mời của Dương Cầm và NSND Tấn Minh anh vô cùng thích thú, bởi đây cũng là sự ấp ủ mà nhiều năm qua anh muốn được thực hiện. "Tôi mong muốn đem tác phẩm Chí Phèo chuyển soạn thành một vở nhạc kịch mang thương hiệu Việt Nam, cách thể hiện gần với nhu cầu giải trí của khán giả. Chúng tôi có mong muốn làm sao để nó thật mới mẻ và thật hấp dẫn để mọi người đi xem có được trải nghiệm nghệ thuật thật thú vị và thật tuyệt vời. Chắc chắn đây là vở nhạc kịch mà quý vị sẽ cảm thấy rất đáng xem." -biên kịch Đinh Tiến Dũng cho hay.
Nếu phần âm nhạc được phù phép bởi NSX Dương Cầm, phần chuyển soạn dày dặn và có nghề của Đinh Tiến Dũng thì sự góp mặt của đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh đem đến sự dày dặn, lớp lang về sân khấu broadway.
NSƯT Phùng Tiến Minh khẳng định một lần nữa về thế mạnh sân khấu của mình, anh nỗ lực đem đến một cách đầy đủ nhất về nhạc kịch quốc tế trên sân khấu Việt Nam. Anh chia sẻ: "Khán giả được chiêm nghiệm và thụ hưởng một không gian văn hoá, một tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật đầy đủ và đúng với tinh thần của một chất nhạc kịch, chất musical. Musical ở thế giới đã có từ lâu rồi, nhưng tại Việt Nam vài năm trở lại đây mới bắt đầu phát triển. Tôi dám tự tin khẳng định đây là chuẩn musical của thế giới chứ không chỉ là của Việt Nam. Nếu chỉ dừng lại ở việc khẳng định đây là vở musical chuẩn thế giới thì có lẽ điều đó vẫn là khiêm tốn, vì tôi cho rằng còn phải hay hơn như thế nữa cơ, phải là một từ gì đó nó không phải là từ chuẩn nữa, nó phải là bản sắc văn hoá của việt nam vẫn có dân tộc không chỉ có aria, không chỉ có thính phòng, không chỉ là pop, rock, swing… mà nó đưa được bản sắc dân tộc".
Và một người vốn kiệm lời khen người khác như Phùng Tiến Minh đã không ngần ngại dành lời có cánh cho vai trò của Dương Cầm và NSND Tấn Minh trong vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo:"Điều đầu tiên tôi đánh giá cao tài năng của Dương Cầm, sự ứng biến và sức cảm thụ, tư duy của Dương Cầm rất sát với musical, màu sắc classic của Dương Cầm rất đậm đặc và hấp dẫn sát với hơi thở của cuộc sống bây giờ。 Thậm chí kể cả đưa về Việt Nam những năm đầu thập kỷ XX của Chí Phèo thị nở thì cầm có những góc nhìn và biến từ những góc nhìn chuyển thành màu sắc âm nhạc rất thông minh, rất giỏi. Còn với vai trò lãnh đạo của anh Tấn Minh cho thấy đây là một quyết định rất táo bạo, một nỗ lực rất lớn của Nhà hát khi chinh phục một món ăn "nghệ thuật cao cấp" chiêu đãi khán giả yêu nhạc kịch trong và ngoài nước.
Sự tổng hòa của văn học, âm nhạc, biên đạo, và nghệ thuật sân khấu sẽ mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khán giả ở bất kỳ độ tuổi nào.
Với thế hệ trung niên, "Giấc mơ Chí Phèo" sẽ như một tấm vé khứ hành đưa họ về với những ngọt ngào của văn học thanh xuân. Với thế hệ trẻ, vở kịch sẽ giống như một lăng kính, một góc nhìn thú vị cho một tác phẩm mà các bạn đã quá quen thuộc khi ngồi trên giảng đường trung học phổ thông.
NSND Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho thấy sự nỗ lực sáng tạo đem đến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật đẳng cấp có đầu tư. Hơn hết, là sự lắng nghe, nắm bắt được nhu cầu xem-nghe- thưởng thức của khán giả đại chúng và xu hướng nhạc kịch tại Việt Nam.
Hầu hết, các nghệ sĩ biểu diễn trong vở diễn đều trẻ trung, tươi mới, những aria chất lượng cùng khả năng trình diễn gây nhiều bất ngờ, có tính đột phá. Đơn cử là sự góp mặt của giọng ca nội lực, tình cảm như Đông Hùng (thủ vai Chí Phèo) hay sự phát hiện mới mẻ giọng ca Hoàng Thái Phương con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong vai Thị Nở. Nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo được chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả không gian nghệ thuật trên sân khấu broadway chất lượng, hấp dẫn và khó quên.
NSND Tấn Minh kỳ vọng rằng "Giấc mơ Chí Phèo" sẽ là một sự khẳng định của thương hiệu broadway musical made in Vietnam không chỉ với khán giả trong nước mà còn "rộng cánh vươn xa" về giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Cục trưởng cục nghệ thuật biểu diễn NSND Xuân Bắc có nhận định như thế này về nhạc kịch nước nhà: Việt Nam sẽ có nhiều tài năng trẻ làm nên chuyện với nhạc kịch!
Và chẳng phải đợi chờ quá lâu để chứng minh cho nhận định trên của NSND Xuân Bắc thật xác đáng khi Giấc mơ Chí Phèo đang và sẽ làm nên chuyện, chạm đến giấc mơ nhạc kịch Việt Nam.
Và cũng xin trích dẫn lời của đạo diễn Jesse Donaldson Jarrett ( đạo diễn vở nhạc kịch nổi tiếng Shrek): "Một vở nhạc kịch Broadway khác biệt so với một vở kịch thông thường chính là âm nhạc và vũ đạo và cách chúng tạo ra sự thăng hoa trong cảm xúc. Nhạc kịch Broadway yêu cầu diễn viên ngoài diễn xuất thật chân thật, cảm xúc; còn cần có vũ đạo tốt, giọng hát ổn định; cũng như biết cách kết hợp nhuần nhuyễn cả ba yếu tố để tỏa sáng trên sân khấu. Ca hát, nhảy múa, diễn xuất."
Với nhạc kịch Broadway Giấc mơ Chí Phèo 3 yếu tố: Ca hát, nhảy múa, diễn xuất làm được nhiều hơn thế, đem đến nhiều sự bất ngờ và ngỡ ngàng để chúng ta tự hào " Nhạc kịch Việt Nam hoá ra hay đến thế! Người Việt ăn đồ ăn Việt vẫn là ngon nhất!"
Theo bà Nguyễn Thu Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nghệ thuật và giải trí Dương Cầm, đơn vị Tổ chức sản xuất cho hay: " Vở nhạc kịch broadway Giấc mơ Chí Phèo thực sự chạm đến mọi đối tượng khán giả. Đây không chỉ là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật chất lượng mà trong đó còn chứa đựng cả tâm huyết của những người nghệ sĩ họ muốn đóng góp cho nền nhạc kịch của Việt Nam. Sau một Liên hoan thành công, nhận được những hiệu ứng vô cùng tốt từ khán giả, cũng như đáp ứng Trước hết là những khán giả trong nước, họ được thưởng thức một vở nhạc kịch chuẩn broadway quốc tế tại sân khấu nước nhà, thứ nữa nhạc kịch được cảm tác từ văn học tiêu biểu của Việt Nam khiến chúng ta nối dài những giá trị của văn chương, của cái đẹp đến công chúng trong và ngoài nước"
Theo thông tin từ NSX, vở nhạc kịch chính thức được công diễn 20h ngày 23/12/2024 tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).




TẠI LIÊN HOAN CA MÚA NHẠC TOÀN QUỐC
Vượt qua 13 đơn vị nghệ thuật biểu diễn với hàng trăm tiết mục và hàng ngàn nghệ sĩ tham gia. Vở nhạc kịch broadway Giấc mơ Chí Phèo đại thắng mùa Liên hoan với các hạng mục Giải thưởng vô cùng cao quý:
- Giải xuất sắc cho vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo
- Nhạc sĩ xuất sắc : Đỗ Ngọc Cầm (Dương Cầm)
- Huy chương Vàng tiết mục Mơ trong vở Nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo.Biểu diễn Hoàng Anh Thái Phương (Thị Nở).
- Huy chương Vàng tiết mục Giấc mơ Chí Phèo. Biểu diễn Nguyễn Đông Hùng (Chí Phèo).
- Huy chương Vàng tiết mục múa Cái Bóng. Ca: Nguyễn Đông Hùng. Biên đạo & Solist: Linh 3T.
- Huy chương Bạc tiết mục Bá Kiến Quỷ Vương. Biểu diễn: Nguyễn Đông Hùng (Chí Phèo), Nguyễn Hoàng Bách (Bá Kiến) và tập thể diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long.
- Huy chương Bạc tiết mục Trời ngả đất nghiêng. Ca: Đinh Quang Đạt - Nguyễn Đông Hùng. Múa: Cao Tùng - Đỗ Xuân Vượng - Trần Quang Huy.
- Huy Chương Bạc tiết mục Nỗi lòng người Trinh nữ 53. Biểu diễn NSƯT Khánh Hòa.
Diệu Thuý