Những cây cầu tỷ đô: Đòn bẩy hạ tầng mới cho miền Bắc

Thứ hai, 12/05/2025 - 13:05

Miền Bắc đang bước vào giai đoạn phát triển hạ tầng chưa từng có, với hàng loạt dự án cầu vượt sông quy mô hàng nghìn tỷ đồng đồng loạt khởi công. Không chỉ đơn thuần là công trình giao thông, những cây cầu này còn là biểu tượng cho tầm nhìn phát triển không gian đô thị, kết nối vùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội trong dài hạn.

Những cây cầu tỷ đô: Đòn bẩy hạ tầng mới cho miền Bắc - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Tứ Liên.

Loạt dự án cầu chiến lược tại Thủ đô

Tại Hà Nội, loạt cây cầu chiến lược đang được lên kế hoạch triển khai với tổng vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trải dài từ khu trung tâm đến vành đai thành phố, nhằm giải tỏa áp lực giao thông hiện hữu và mở rộng không gian phát triển về phía Bắc và Đông.

Đầu tiên là cầu Tứ Liên, dự kiến khởi công vào ngày 19/5/2025 với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Cây cầu này sẽ kết nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, trở thành trục chính dẫn vào khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng.

Tiếp đó, cầu Trần Hưng Đạo – biểu tượng mới của Thủ đô với vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng sẽ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên. Đây là cây cầu có vị trí gần nhất với trung tâm Hà Nội, giúp giải tỏa áp lực cho cầu Chương Dương, đồng thời mở ra trục phát triển đô thị phía Đông. dự kiến khởi công ngày 19/8/2025.

Trong khi đó, cầu Ngọc Hồi, trị giá khoảng 11.800 tỷ đồng, sẽ nối liền Vành đai 3,5 Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, mở ra trục kết nối chiến lược mới cho khu vực phía Nam và Đông thủ đô.

Ngoài ra, nằm trong chiến lược phát triển giao thông của Hà Nội đến năm 2030 còn có cầu Thượng Cát sẽ kết nối Bắc Từ Liêm và Đông Anh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2025 này sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ tại khu vực và tạo đà phát triển kinh tế cho các khu vực phía Bắc Thủ đô. Đặc biệt, cây cầu sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các cầu hiện tại và tạo cơ hội mới cho phát triển thương mại, dịch vụ trong khu vực.

Cầu Mễ Sở nằm trên tuyến Vành đai 4, nối huyện Thường Tín (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên). Dự án sẽ tạo ra một lối thoát cho lượng xe cộ dày đặc đang chật chội trên tuyến đường cũ, giúp tăng tốc độ di chuyển giữa các khu vực trong và ngoài thành phố, đồng thời thúc đẩy phát triển các khu vực phía Nam Hà Nội. Cầu Mễ Sở được kỳ vọng sẽ là động lực giúp phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ tại khu vực này.

Đồng thời tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Còn cầu Hồng Hà nằm trên địa bàn thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh), có tổng mức đầu tư ước khoảng 10.000 tỉ đồng. Nhiệm vụ chính là giảm tải mật độ phương tiện qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Những cây cầu tỷ đô: Đòn bẩy hạ tầng mới cho miền Bắc - Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Vạn kết nối TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. 

Các tỉnh khác đầu tư mạnh mẽ

Không chỉ riêng Hà Nội, các tỉnh vùng ven cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cầu đường. Tại Hải Dương, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ loạt dự án cầu nhằm hoàn thiện kết nối liên tỉnh và thúc đẩy đô thị hóa. Cầu vượt sông Kinh Môn, trị giá 600 tỷ đồng, sẽ nối thị xã Kinh Môn với huyện Kim Thành, tạo trục giao thông huyết mạch liên kết Hải Dương với Quảng Ninh và Hải Phòng. Cầu Tân An, cũng 600 tỷ đồng, sẽ nối xã Nam Tân (Nam Sách) với phường Chí Minh (TP Chí Linh), đóng vai trò hoàn thiện trục kết nối nội tỉnh từ TP Hải Dương tới Chí Linh.

Trong khi đó, cầu vượt sông Thái Bình – thuộc tuyến vành đai I TP Hải Dương – có tổng đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng, và cầu Vạn – trị giá gần 1.300 tỷ đồng – kết nối quốc lộ 37 với cầu Triều, đều đang được gấp rút triển khai.

Ở hai “thủ phủ công nghiệp” Bắc Ninh và Bắc Giang, dự án cầu Hà Bắc 2 bắc qua sông Cầu đang được thúc đẩy như một điểm nhấn hạ tầng chiến lược. Cây cầu không chỉ giải bài toán ách tắc giao thông mà còn là mắt xích quan trọng để thúc đẩy logistics và kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực. Trong bối cảnh Bắc Giang và Bắc Ninh đang đứng trước đề án sáp nhập hành chính để hướng tới mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, cầu Hà Bắc 2 sẽ đóng vai trò như một “cú hích” mở đường cho sự hợp nhất phát triển.

Tác động tích cực từ những cây cầu mới

Không khó để nhận ra, hầu hết các cây cầu này đều xuất hiện ở những vị trí chiến lược, nơi đang hình thành các khu đô thị mới, khu công nghiệp hoặc vùng động lực kinh tế. Bởi vậy, tác động lan tỏa của các cây cầu không chỉ dừng ở giao thông, mà còn làm thay đổi cục diện phát triển khu vực một cách toàn diện.

Trước hết, các cây cầu sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông, kéo giãn mật độ dân cư khỏi khu vực nội đô – nơi đang quá tải cả về hạ tầng lẫn không gian sống. Tại Hà Nội, sự hiện diện của cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi là những "van xả" quan trọng, giúp đô thị hóa mạnh mẽ hơn về phía Đông, Bắc và Nam, thúc đẩy các khu vực như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì bứt phá thành cực tăng trưởng mới.

Tiếp đó, về mặt liên kết vùng, những cây cầu như Hà Bắc 2, Ngọc Hồi – Văn Giang hay cầu sông Kinh Môn sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tăng hiệu quả vận tải, giảm chi phí logistics – vốn là bài toán then chốt của phát triển công nghiệp. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khi hạ tầng liên tỉnh phải đạt chuẩn kết nối cao.

Không chỉ vậy, sự hình thành các cây cầu còn kéo theo “làn sóng” đầu tư bất động sản và phát triển đô thị. Giá đất tại các khu vực có cầu nối mới đều ghi nhận xu hướng tăng – không chỉ do nhu cầu ở thực mà còn bởi nhà đầu tư đón đầu tiềm năng phát triển lâu dài. Các chuyên gia cho rằng, cầu vượt sông không chỉ là công trình kỹ thuật mà là “chìa khóa mở khóa” cho không gian đô thị mới, tạo vùng đệm để quy hoạch dân cư, dịch vụ, thương mại hiệu quả hơn.

Về mặt xã hội, việc mở rộng kết nối không gian sẽ giúp người dân tiếp cận dễ hơn với dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm tại các vùng đô thị hóa nhanh. Cơ hội nghề nghiệp được mở rộng ngay tại địa phương, giảm áp lực di cư về các đô thị trung tâm. 

Có thể nói, tại miền Bắc đang mở ra thời kỳ tái cấu trúc không gian đô thị – kinh tế toàn diện. Giới quan sát thị trường cho rằng, khi những cây cầu tỷ đô được nối liền, không chỉ những dòng xe sẽ băng qua sông, mà cả cơ hội, dòng tiền, con người và các trục phát triển mới cũng sẽ bắt đầu dịch chuyển.

Tâm An