
Ảnh minh họa: tamduong.laichau.gov.vn
"Phiên tòa giả định" được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử tái hiện như một phiên tòa thật. Những vụ án được chọn để mô phỏng cho Phiên tòa giả định thường là những vụ án điểm, có tính thời sự và gắn liền với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội. Sau khi thực hiện phiên tòa, sẽ có thời gian dành cho các bạn học sinh, sinh viên, người tham dự phiên toà có thể trao đổi một số nội dung pháp luật mà phiên tòa giả định đã đề cập hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật.
Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị tổ chức phiên tòa giả định xét xử công khai vụ án "Cố ý gây thương tích". Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật được học sinh tái hiện lại qua tiểu phẩm ngắn. Vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ yêu đương trên mạng xã hội, đối tượng gây án chủ yếu tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, Hội đồng xét xử tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội "Cố ý gây thương tích". Bên cạnh đó chỉ ra hậu quả của những vụ cố ý gây thương tích không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề về vật chất, sức khỏe, tinh thần cho bị hại và người thân mà còn tổn hại đối với bản thân và gia đình của đối tượng phạm tội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội để những người dự phiên tòa đều hiểu và rút ra bài học.
Sau phiên tòa giả định, ban tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh thông qua các câu hỏi tương tác trực tiếp. Ngoài việc giải đáp thắc mắc về các nội dung liên quan đến pháp luật, ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian trao đổi với các em học sinh có hứng thú, muốn tìm hiểu về ngành luật để có thể trở thành luật sư, thẩm phán… sau khi được theo dõi phiên tòa. Đồng thời, nhằm động viên, khích lệ đoàn viên thanh niên cùng tìm hiểu, học hỏi, nâng cao hiểu biết về pháp luật nói chung và những vấn đề liên quan đến tội phạm "Cố ý gây thương tích" nói riêng.
Phiên toà giả định là cách làm mới trong công tác tuyên truyền pháp luật, những phiên tòa giả định đều mang tính trực quan như trên không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.
Đồng thời, thông qua Phiên tòa giả định nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho đoàn viên thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên trong tình hình hiện nay. Qua đó, hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện.
P/v