Nóng giá vật liệu xây dựng
Hiện nay, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đồng loạt triển khai và đẩy nhanh tiến độ; nhiều công trình dân sinh, nhà ở của người dân, các dự án nhà ở, bất động sản tại nhiều địa phương cũng được xây dựng để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường… thời gian gần đây ghi nhận tăng cao bất thường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xây dựng, tiến độ thi công công trình.
Giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường… tăng caoảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xây dựng, tiến độ thi công công trình
Theo báo cáo diễn biến thị trường vật liệu xây dựng của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 6/2025, giá cát xây dựng tại nhiều tỉnh thành tăng từ 30% đến hơn 58% chỉ trong vòng một tháng. Tại một số nơi, giá cát vượt 1 triệu đồng/m3, tăng gấp đôi so với đầu năm. Đá xây dựng cũng tăng thêm 50.000-100.000 đồng/m3, còn giá thép tăng từ 100.000-270.000 đồng/tấn.
Gạch tuynel, một vật liệu phổ biến trong xây dựng nhà ở cũng tăng mạnh, hiện ở mức 1.600-1.900 đồng/viên, cao gần gấp đôi so với đầu năm.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do nhu cầu xây dựng tăng cao, đồng thời do ảnh hưởng tăng giá các loại vật liệu xây dựng (cát xây dựng). Các địa phương không đủ lượng cát tự nhiên, sử dụng cát nghiền để thi công xây dựng, đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Nam.
Các chuyên gia đánh giá, mức tăng đồng loạt của nhiều mặt hàng vật liệu trong thời gian ngắn là bất thường và có dấu hiệu bị làm giá, găm hàng, thao túng cung cầu.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương bình ổn thị trường
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục các hạn chế, bình ổn giá cả vật liệu xây dựng và đảm bảo tiến độ thi công các công trình trọng điểm, cũng như đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở, ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg, yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương bình ổn thị trường vật liệu xây dựng
Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hành vi bao che, bảo kê, tham nhũng, làm ngơ để tình trạng vi phạm tái diễn, không xử lý triệt để.
Thanh tra Chính phủ khẩn trương xác định và tiến hành ngay việc thanh tra các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường tại các địa bàn trọng điểm, và xử lý nghiêm theo pháp luật trường hợp vi phạm.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng đánh giá, tổng hợp nhu cầu vật liệu xây dựng, chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xác định các mỏ, các nguồn cung, công suất, khả năng cung cấp để bảo đảm cân đối cung - cầu, kịp thời xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường hướng dẫn các địa phương kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo phản ánh đúng chi phí cấu thành giá vật liệu và phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng, kịp thời giải quyết cấp bách nguồn cung cát, sỏi, đá, vật liệu san nền, đắp đường…
Các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn; quy hoạch, xác định các mỏ, đẩy nhanh việc cấp phép và kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá theo quy định.
Sau chỉ đạo, thị trường vật liệu có tín hiệu tích cực?
Thị trường vật liệu xây dựng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực sau chỉ đạo của Thủ tướng.
Liên quan đến nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai mới đây đã có buổi làm việc với các đơn vị về phân bổ khoáng sản phục vụ các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM.
Tại cuộc họp này, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, các mỏ vật liệu san lấp trên địa bàn do các chủ đầu tư đề xuất cơ bản đã được tỉnh cấp phép để đảm bảo cung ứng vật liệu phục vụ thi công dự án. Riêng đất đắp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu để nhà thầu tăng tốc đẩy nhanh thi công đắp đất nền đường.
Đồng Nai hiện hiện có 14 mỏ đá được đề xuất tăng 50% công suất khai thác, dự kiến cung cấp thêm 5,2 triệu m3 đá xây dựng từ nay đến cuối năm, đáp ứng đủ đáp ứng kịp thời cho các dự án trọng điểm của tỉnh và khu vực phía Nam.
Một số doanh nghiệp phản ánh, nguồn cung cát và đá đã bắt đầu cải thiện nhẹ, dù giá vẫn neo cao.
Thị trường vật liệu xây dựng thời gian tới được dự báo sẽ có những diễn biến tích cực nhờ vào các yếu tố như chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá cả sẽ vẫn theo chiều hướng tăng do một số yếu tố như chi phí đầu vào và nhu cầu thị trường.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung ổn định, tăng cường dự trữ vật liệu cho các dự án để giảm thiểu rủi ro do biến động về giá.
Để giảm tác động tiêu cực về giá vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thiết kế - xây dựng theo hướng tiết kiệm vật liệu, giảm hao phí và phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trong đó, khuyến khích thiết kế công trình tối ưu, tránh lãng phí về chiều cao, vật liệu phủ và cấu kiện bê tông quá dày.
Mặt khác, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế như trong xỉ nhiệt điện, cốt liệu tái sinh từ bê tông phá dỡ, nhựa tái chế… Những biện pháp này sẽ giảm thiểu việc sử dụng, góp phần hạn chế tình trạng “cung không đủ cầu” của các loại vật liệu truyền thống trong xây dựng.
Thúy Hà