Thanh bình làng quê Tân Ước

Thứ hai, 10/10/2016 - 14:54

Thành tựu nổi bật của địa phương sau gần 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là đã dồn được điền đổi được thửa, xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,6% xuống còn 2,8%; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản đồng bộ, hoàn chỉnh; dịch chuyển toàn bộ hệ thống điện lưới cao áp chạy ở rìa làng, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt khu dân cư. Ông Nguyễn Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết.

Không giống như một số làng nghề ven đô TP. Hà Nội, ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của làng nghề luôn là nỗi niềm bức xúc thường trực hàng ngày của chính bà con nhân dân sở tại, là nỗi lo canh cánh của các cấp chính quyền địa phương; xã Tân Ước (Thanh Oai) tuy có nghề truyền thống làm giò chả và nón lá, cộng với nhu cầu phát triển chăn nuôi của nhân dân địa phương, nhưng ở đây bà con trong xã không phải "bất an" do hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn rình rập, mà trái lại làng quê vẫn giữ được nét thanh bình và môi trường trong lành, an toàn như vốn có.

Khu chăn nuôi tập trung xa dân cư

Là xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tháng 11/2015, theo ông Nguyễn Đức Toàn (Bí thư đảng ủy xã): Thành tựu nổi bật của địa phương là đã dồn được điền đổi được thửa, xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư, đưa tỷ lệ hộ nghèo giamr từ 11,6% xuống còn 2,8%; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản đồng bộ, hoàn chỉnh; dịch chuyển toàn bộ hệ thống điện lưới cao áp chạy ở rìa làng, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt khu dân cư.

Mặc dù vấp phải lực cản do bà con nhân dân chưa "thông" chủ trương dồn điền đổi thửa, sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhưng Đảng bộ và chính quyền xã Tân Ước đã triển khai linh hoạt, sáng tạo nhiều biện pháp theo phương châm: kiên trì gần gũi với nhân dân, công khai minh bạch và tôn trọng lợi ích chính đáng của đa số người dân. Do vậy, đông đảo bà con nhân dân đã tin tưởng ủng hộ, hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông đầu tư máy móc công nghiệp vào sản xuất. 

Thanh bình làng quê Tân Ước- Ảnh 1.
Thanh bình làng quê Tân Ước- Ảnh 2.

Nét đẹp cổ kính của cổng làng và giếng làng xã Tân Ước.

Đi trên những con đường làng lát gạch kiên cố, những con đường thảm bê tông rộng rãi khang trang nối tiếp nhau chạy vươn ra từng cánh đồng, từng chân ruộng, mà rất nhiều trong số ấy được "sinh ra" nhờ công sức của bà con trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Khi trời đã xế chiều, chúng tôi dừng chân thăm gia đình hộ nghèo đơn thân Vũ Thị Suốt. Bà Suốt là một trong số 31 hộ nghèo của xã được bà con nhân dân và chính quyền địa phương giúp sức xóa căn nhà cấp 4 đã xuống cấp sập xệ, xây ngôi nhà mới gồm 2 gian và 1 buồng kiên cố đàng hoàng hơn trước. 

Đầu những năm 2000, một số hộ dân trong xã chăn nuôi lợn qui mô lớn ngay tại gia đình, nảy sinh nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con. Nhận thức được tác hại tiềm tàng của xu hướng này, ngay từ năm 2007 chính quyền xã đã khẩn trương chuyển đổi 2,2 ha đất lúa khó canh tác ở chân đê, xa khu dân cư thành khu chăn nuôi tập trung. Đến nay chân ruộng kém hiệu quả kinh tế ngày nào đã biến thành khu chăn nuôi tập trung kiểu mẫu, được thành phố biểu dương khen ngợi. Đây là khu chăn nuôi tập trung do HTX Hoàng Long với 7 xã viên quản lý, mỗi năm xuất bán từ 90 đến 115 tấn lợn hơi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 35 lao động trong xã. Được biết, vào tháng 11/2016 tới đây, HTX Hoàng Long sẽ đưa vào vận hành khu giết mổ tập trung theo qui trình công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, khép kín chuỗi sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Kiểm soát chặt chẽ vệ sinh làng quê

Tân Ước là xã thuần nông, hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại diễn ra ít và không có xả thải công nghiệp ra môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường sinh hoạt thường nhật của bà con nhân dân đi vào nề nếp gọn gàng, sạch đẹp, xã Tân Ước đã hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường về thu gom rác thải trên địa bàn, mỗi tuần 2 lần. Hàng ngày, rác thải sinh hoạt của từng hộ được tổ môi trường ở các thôn thu gom về điểm tập trung rác đặt ở cánh đồng làng. 

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể đều thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường; trong đó, Đoàn Thanh niên có "Ngày chủ nhật xanh tình nguyện", "Đoạn đường tự quản",.. Nhờ vậy, công tác gìn giữ môi trường làng quê xanh, sạch, đẹp được duy trì thường xuyên. 

Thanh bình làng quê Tân Ước- Ảnh 3.

Bà con địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tôi ghé vào thăm một vài cơ sở sản xuất ở làng giò chả, nhưng tuyệt nhiên không thấy cảnh ruồi bâu kiến đỗ, mùi tanh hôi, hay dụng cụ sản xuất để bừa bãi ngổn ngang, mất vệ sinh như như ở nhiều cơ sở sản xuất đồ ăn thức uống khác mà nhiều người thường bắt gặp. Ngược lại, máy xay thịt, khuôn giò, nồi luộc hấp giò chả và cả khu vực dùng để chế biến,.. sau mỗi buổi làm xong đều được lau rửa kỹ càng bằng nước phèn chua, để nơi khô ráo và luôn sạch sáng bóng. Ở xã Tân Ước, cùng với việc khuyến khích bà con phát triển làng nghề truyền thống, chính quyền địa phương cũng tăng cường nhiều biện pháp hiệu quả kiểm soát chặt chẽ vệ sinh làng nghề như phun thuốc diệt ruồi muỗi, quản lý nghiêm ngặt quy trình sản xuất giò chả của các hộ.

Bánh chưng dâng về Giỗ Tổ

Kể từ lần đầu tiên xã Tân Ước tham gia cuộc thi gói bánh chưng nhân dịp Giỗ Tổ tại Đền Hùng và đoạt giải nhất vào năm 2008, đến nay, năm nào xã Tân Ước cũng được Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng mời tham gia. Điều ngạc nhiên và rất đỗi tự hào đối với mỗi người dân xã Tân Ước là năm nào sản vật của xã khi thì bánh chưng, khi thì bánh dày, cứ luân phiên nhau đoạt giải nhất và được chọn dâng vào Đền Thượng cúng lễ Giỗ Tổ Vua Hùng.

Kinh nghiệm làm bánh chưng, bánh dày từ đời Lang Liêu truyền lại vẫn được người dân làng quê Tân Ước gìn giữ và có bí quyết để bánh luôn thơm ngon và đẹp mắt. Do vậy, năm 2013 những chiếc bánh chưng, bánh dày của xã đã vinh dự được đại diện cho đất nước mang đi tham dự Hội chợ thực phẩm tại Singapore và lọt vào tốp 10 thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á. 

Thanh bình làng quê Tân Ước- Ảnh 4.
Thanh bình làng quê Tân Ước- Ảnh 5.

Cơ sở sản xuất giò chả Đức Tín (Tân Ước) luôn giữ vệ sinh antoàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Theo ông Vũ Bá Chung – thành viên chủ chốt tham gia cuộc thi gói bánh dâng lên Giỗ Tổ hàng năm của xã Tân Ước – để bánh vừa rền vừa thơm ngon, khâu nguyên liệu phải được tuyển chọn kỹ càng, đó là gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn sạch, đậu xanh chắc đều và đặc biệt lá dong Tràng Cát luôn cho bánh có màu xanh đẹp mắt ở cả vỏ ngoài cũng như khi bóc bánh; ngoài ra là kỹ thuật gói sao cho bánh luôn vừa tay, nhanh và đẹp.

Về Tân Ước, ta bắt gặp nét thanh bình và hồn quê mộc mạc còn in đậm trên những cổng làng cổ kính rêu phong, trên mái ngôi Chùa Sổ vút cong uy nghiêm, trên từng con đường, trên mỗi ngôi nhà, và gương mặt, dáng vẻ của mỗi người dân,… mặc cho nhịp sống hiện đại và tốc độ đô thị hóa vẫn đang từng ngày, từng giờ len lỏi về mọi ngõ ngách của làng quê. Đây chính là kết quả của việc giải quyết tốt bài toán gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đã làm nên diện mạo thanh bình của làng quê Tân Ước hôm nay.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh