
NNƯT Y Sinh luôn khát khao thế hệ trẻ say mê và trân quý văn hóa dân tộc, để bà có thể trao truyền những tinh hoa ngàn đời, gieo mầm cho lớp kế cận tiếp tục gìn giữ và tỏa sáng bản sắc quê hương - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Thanh niên Thủ đô: Gìn giữ bản sắc - Kiến tạo tương lai
Thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Thủ đô nói riêng luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua từng câu hát dân ca, từng điệu múa truyền thống, từng nét hoa văn trên tà áo dài… nhưng đồng thời cũng làm mới, làm giàu di sản ấy bằng những cách đầy sáng tạo. Giữa nhịp sống hiện đại, giữa vô vàn thách thức, trách nhiệm của người trẻ càng lớn lao: vừa bảo tồn những giá trị cốt lõi, vừa đưa văn hóa Việt vươn xa, hội nhập quốc tế nhưng không hòa tan.
Tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII, chị Đinh Thị Thùy Dung, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì), đã mang đến bài tham luận đầy tâm huyết với chủ đề: "Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".
Theo chị Dung, thanh niên chính là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Họ không chỉ là người tiếp nhận mà còn là những sứ giả đưa văn hóa truyền thống lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống hiện đại.
"Thanh niên có thể tham gia nghiên cứu, khám phá và bảo tồn di sản văn hóa thông qua việc tìm hiểu lịch sử, ngôn ngữ, âm nhạc, mỹ thuật và các yếu tố bản sắc dân tộc. Khi nắm vững những giá trị ấy, người trẻ sẽ trở thành cầu nối hiệu quả, giúp văn hóa truyền thống tránh nguy cơ bị mai một, hòa tan hay xuyên tạc", chị Dung nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, thanh niên còn có thể chủ động tham gia vào các hoạt động thực tế như tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, nhảy sạp, phục dựng trò chơi dân gian hay đưa trang phục truyền thống vào đời sống thường nhật. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo động lực để người trẻ gắn bó hơn với cội nguồn.
Chia sẻ từ Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh (người Xơ Đăng, Kon Tum), một nghệ nhân tâm huyết với công tác bảo tồn văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam càng cho thấy vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong hành trình gìn giữ di sản.
Bà Y Sinh cho biết, ngày càng nhiều thanh niên tìm đến các không gian văn hóa truyền thống để trải nghiệm và học hỏi. Không chỉ là khán giả, họ còn muốn tham gia, sáng tạo và phát huy bản sắc trong đời sống đương đại.
"Chính các bạn trẻ là lực lượng lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống nhanh nhất, mạnh mẽ nhất đến cộng đồng trong nước và quốc tế", NNƯT Y Sinh chia sẻ.
Đồng chí Vũ Đình Hoàng, đại diện Đoàn Thanh niên Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh: "Bảo tồn văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để thanh niên thể hiện sức sáng tạo. Để làm được điều này, cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo môi trường để thanh niên vừa phát huy được bản sắc, vừa tiếp cận với những xu hướng phát triển văn hóa hiện đại".
Trong cuộc đua phát triển công nghiệp văn hóa, thế hệ trẻ không chỉ là người bảo tồn mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của nền văn hóa dân tộc. Với sức sáng tạo, khả năng cập nhật nhanh công nghệ, họ có thể đưa văn hóa truyền thống bước vào không gian số, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, phù hợp với xu hướng mới. Từ các nền tảng mạng xã hội, livestream, video ngắn cho đến các ứng dụng tương tác, thanh niên đang dần làm chủ cuộc chơi, mang văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng trẻ trong và ngoài nước.

Thanh niên Việt Nam từ mọi miền đất nước đang góp sức lan tỏa và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Người trẻ chung tay giữ gìn văn hóa Việt
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động bảo tồn, thanh niên Việt Nam còn tích cực tham gia vào công nghiệp văn hóa - lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng vẫn cần một bệ đỡ vững chắc để phát triển. Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp với Cung Thanh niên Hà Nội hình thành 5 mạng lưới câu lạc bộ sở thích sinh viên, trong đó có Mạng lưới CLB nghệ thuật và văn hóa (Art Network) - nơi quy tụ những bạn trẻ yêu sáng tạo, có mong muốn phát triển sản phẩm văn hóa mang dấu ấn Việt Nam. Những mô hình này không chỉ giúp thanh niên kết nối đam mê mà còn hướng tới việc tạo ra những sản phẩm văn hóa có tính ứng dụng cao trong nền kinh tế sáng tạo.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", thế hệ trẻ là động lực quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ không chỉ quảng bá di sản Việt Nam trên trường quốc tế mà còn chủ động tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, từ đó tạo ra những sản phẩm mới mang đậm dấu ấn Việt Nam trong thời đại hội nhập. Văn hóa dân tộc, nhờ vào sức trẻ, không chỉ trường tồn mà còn có cơ hội vươn xa hơn, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Hành trình gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng với lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo, thanh niên Việt Nam đang từng bước viết tiếp trang sử văn hóa nước nhà, làm giàu thêm truyền thống ngàn năm văn hiến. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào, là sứ mệnh mà thế hệ trẻ sẵn sàng gánh vác trên vai.
Theo Chinhphu