
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về Chế định kiểm sát tố tụng công ích Trung Quốc
Thực hiện Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII về tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước, đặc biệt là kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Trung Quốc về Chế định kiểm sát tố tụng công ích, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã báo cáo và được Ban chấp hành Trung ương giao triển khai nghiên cứu 02 Đề án: "Nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện"và Đề án "Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước".
Tố tụng công ích là một khái niệm mới, đang trong giai đoạn nghiên cứu, thí điểm tại một số địa phương ở Việt Nam. Tố tụng công ích được xác định sẽ là một trong các nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) trong thời gian tới, đây không chỉ là một xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới mà còn là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới xuất hiện nhiều thách thức, nhất là các hành vi xâm phạm lợi ích công cộng như phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và buôn bán hàng giả… làm cản trở quá trình phát triển lành mạnh của xã hội. Mặc dù gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng vấn đề này trong thời gian qua ít được các cơ quan tư pháp quan tâm và chủ động giải quyết. Nghiên cứu, học hỏi mô hình tố tụng công ích của VKSND Trung Quốc cho thấy nếu công tác tố tụng công ích ở nước ta được tổ chức và thực hiện đúng hướng, đúng mục đích, có lộ trình rõ ràng sẽ giúp cho đất nước phát triển một cách bền vững, công bằng và lành mạnh.
Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó nêu rõ:"Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp". Trên cơ sở thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo của Đảng, ngành KSND định hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo xu hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, trong đó trọng tâm: "Hoàn thiện thể chế để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp"[1]. Việc xác định tố tụng công ích là nhiệm vụ trọng tâm không phải là tự phát hay ngẫu nhiên mà có nền tảng vững chắc từ Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Lĩnh vực tố tụng dân sự và tố tụng hành chính cần phải có cơ chế quy định rõ quyền khởi kiện, vị trí vai trò quyền yêu cầu và kiến nghị của VKS khi phát hiện vi phạm đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền… nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, lấp đầy khoảng trống pháp lý và thực tiễn.
Trong hơn 60 năm hình thành và phát triển, đã có thời gian dài, ngành KSND được giao nhiệm vụ và quyền hạn khởi tố vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích nhà nước, tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân[2]. Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2002, thông qua kết quả khởi tố vụ án dân sự của VKSND các cấp đã giúp thu hồi nhiều vật tư, tài sản cho Nhà nước và tập thể, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, những người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần[3]. Kể từ năm 2002, chức năng kiểm sát chung của ngành đã bị thu hẹp lại. Trước những thách thức của nước ta trong thời kỳ hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện quy định về tố tụng công ích của ngành KSND đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp lấp đầy những "khoảng trống" mà tố tụng dân sự truyền thống chưa thể giải quyết triệt để.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp các thiệt hại đến lợi ích công cộng không có một chủ thể cụ thể nào đứng ra khởi kiện. Từ sau khi Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 có hiệu lực đến nay, hai cấp thuộc VKSND TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ việc lên quan đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cụ thể: trẻ em chiếm 10,8% trong lĩnh vực hình sự, 4,1% dân sự và 2,4% hành chính; người cao tuổi chiếm lần lượt 1,4%, 2,3% và 5,7%; phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi chiếm 0,5% hình sự, 0,6% dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc mất năng lực hành vi dân sự chiếm tỷ lệ (0,01% dân sự, 0,08% hành chính). Một số mô hình thí điểm khởi kiện vụ án dân sự bước đầu được triển khai điển hình như VKSND tỉnh Đăk Lăk, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các cơ sở, ngành liên quan nhằm xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Qua đánh giá cho thấy tiềm năng phát triển cơ chế tố tụng công ích ở cấp độ thực tiễn, việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tố tụng công ích cho phép VKS đại diện cho lợi ích chung là tạo ra cơ chế để VKS can thiệp bảo vệ "lá phổi chung" của xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế. Đây chính là mục tiêu cốt lõi và có ý nghĩa lớn nhất của hoạt động tố tụng công ích.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan công quyền.
Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, VKSND phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức hoặc các tổ chức, cá nhân gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, tài sản nhà nước hoặc quyền lợi của nhóm yếu thế. Nếu có đủ căn cứ, VKSND sẽ ra quyết định khởi kiện vụ án dân sự hoặc hành chính để yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức vi phạm. VKS có quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có liên quan để khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm. Thông qua việc khởi kiện và tham gia tố tụng công ích, VKS tạo áp lực để các cơ quan quản lý hành chính phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đảm bảo các quyết định hành chính được ban hành và thực thi hợp pháp, hiệu quả.
Việc thí điểm đề án tố tụng công ích tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng nhưng sẽ đặt ra không ít thách thức đối với ngành KSND. Tố tụng công ích đòi hỏi một khung pháp lý chi tiết và toàn diện hơn, cần xác định rõ phạm vi và tiêu chí khởi kiện; xác định chủ thể khởi kiện; quy định về trình tự, thủ tục tố tụng; cơ chế thi hành án, đồng thời phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định về tố tụng công ích với các luật chuyên ngành khác. VKSND phải nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Ngân sách và nguồn lực cũng là một vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát cần được trang bị đầy đủ ngân sách và nguồn lực để không bị gián đoạn quá trình tố tụng. Ngoài ra, áp lực từ các yếu tố bên ngoài cũng là thách thức không nhỏ, đó là các vụ việc công ích thường nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, cho nên việc xử lý không thỏa đáng có thể còn gây bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Việc chứng minh thiệt hại và mối quan hệ nhân quả của hành vi vi phạm đối với thiệt hại gây ra khá khó khăn…
Để vượt qua những thách thức này đòi hỏi sự quyết tâm cao độ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đầu tư nguồn lực và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức ngành KSND. Đây là một con đường dài nhưng hứa hẹn mang lại những thay đổi tích cực, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và bền vững hơn./.
[1]Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 09/11/2022 về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
[2]Điều 105 Hiến pháp năm 1959, Điều 2, Điều 3, Chương 2, Chương 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Điều 138 Hiến pháp năm 1980, Điều 6 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Điều 137 Hiến pháp năm 1992, Điều 8 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992.
[3]Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam (1960 – 2020), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.
Tác giả: Lê Thị Phương Thảo, Nguyễn Trà My, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Tôn Lương Bảo.