Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh sắp xếp lại hệ thống y tế công lập: Hợp nhất, đổi tên, tinh gọn tổ chức, tránh chồng chéo

Thứ bảy, 19/07/2025 - 12:06

Tp. Hồ Chí Minh(TP.HCM) đang bước vào giai đoạn 2 trong kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành y tế, với định hướng cụ thể là tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo chức năng và nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bệnh viện quận 1 đổi thành Bệnh viện Tân Định

Bệnh viện quận 1 đổi thành Bệnh viện Tân Định

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại  TP.HCM.

Khẩn trương triển khai giai đoạn 2

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, vừa ký văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở y tế công lập trực thuộc trên địa bàn khẩn trương thực hiện giai đoạn 2 trong kế hoạch sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo chỉ đạo, các trung tâm y tế tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức có trách nhiệm chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống trung tâm y tế và trạm y tế trực thuộc. Việc sắp xếp phải căn cứ trên quy mô dân số, địa bàn quản lý, tình hình thực tế cũng như định hướng phát triển lâu dài của ngành y tế thành phố.

ự thảo phương án tổ chức mới cho thấy TP.HCM dự kiến sẽ duy trì 38 trung tâm y tế khu vực, 168 trạm y tế, và 296 điểm y tế, được phân bố lại một cách hợp lý để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, năng lực phục vụ cũng như tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến dịch vụ y tế cơ sở.

Tinh gọn bộ máy phòng chống dịch, pháp y, giám định y khoa

Một điểm nổi bật trong đợt sắp xếp này là việc hợp nhất các đơn vị có chức năng tương đồng, giảm thiểu phân mảnh và chồng chéo trong quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng và pháp y.

Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh sắp xếp lại hệ thống y tế công lập: Hợp nhất, đổi tên, tinh gọn tổ chức, tránh chồng chéo- Ảnh 2.

Bệnh viện quận 4 đổi thành bệnh viện Khánh Hội

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ chủ trì phối hợp với CDC của hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (trước sáp nhập) để xây dựng đề án hợp nhất. Mục tiêu của đề án là tạo ra một hệ thống kiểm soát dịch bệnh thống nhất, hoạt động hiệu quả, phản ứng nhanh và có đủ năng lực chuyên môn trong bối cảnh các nguy cơ dịch bệnh mới nổi ngày càng gia tăng.

Tương tự, các trung tâm giám định y khoa và pháp y tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án hợp nhất theo hướng tinh gọn đầu mối, đơn giản hóa quy trình hành chính, đồng thời tăng cường tính chuyên môn và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đặc thù này.

Tái cấu trúc hệ thống an sinh xã hội

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực khám chữa bệnh và y tế dự phòng, TP.HCM cũng triển khai việc tái cấu trúc các đơn vị an sinh xã hội nhằm thống nhất đầu mối quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cộng đồng.

Cụ thể, Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM và Trung tâm An sinh xã hội TP.Thủ Đức sẽ phối hợp xây dựng đề án hợp nhất thành một đơn vị mới. Việc hợp nhất này sẽ đi kèm với định danh lại tên gọi, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự, tài chính và quản lý tài sản, đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng bộ và hiệu quả trong công tác an sinh.

Điều chỉnh hệ thống bệnh viện: Sáp nhập và đổi tên

Một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn sắp xếp này là việc tổ chức lại hệ thống bệnh viện công lập, bao gồm cả việc sáp nhập các đơn vị và đổi tên các bệnh viện cho phù hợp với thực tế hành chính sau sắp xếp.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đang được yêu cầu phối hợp hoàn chỉnh đề án sáp nhập. Sở Y tế nhấn mạnh việc hợp nhất này phải đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân không bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi, đồng thời tạo ra một mô hình bệnh viện đa khoa lớn, hiện đại và đủ sức cạnh tranh với khu vực.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Từ Dũ – một trong những bệnh viện chuyên khoa sản hàng đầu cả nước – cũng được giao xây dựng đề án thành lập cơ sở 2 tại huyện Cần Giờ. Đây là chiến lược mang tính dài hạn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu tại khu vực ngoại thành, đồng thời giảm áp lực cho cơ sở chính tại trung tâm thành phố.

Thống nhất tên gọi:  17 bệnh viện sẽ được đổi tên

Nhằm đảm bảo thống nhất hệ thống đặt tên đơn vị y tế theo mô hình hành chính mới, TP.HCM cũng thực hiện đổi tên hàng loạt bệnh viện đang gắn với tên gọi hành chính cũ (quận, huyện), đồng thời tránh nhầm lẫn trong hệ thống quản lý.

Theo dự thảo đề án, 7 bệnh viện cấp quận sẽ được đổi tên hoàn toàn, bao gồm:

  • Bệnh viện quận 1 → Bệnh viện Tân Định

  • Bệnh viện quận 4 → Bệnh viện Khánh Hội

  • Bệnh viện quận 6 → Bệnh viện Bình Phú

  • Bệnh viện quận 7 → Bệnh viện Nguyễn Thị Thập

  • Bệnh viện quận 8 → Bệnh viện Chánh Hưng

  • Bệnh viện quận 11 → Bệnh viện Lãnh Binh Thăng

  • Bệnh viện quận 12 → Bệnh viện Trung Mỹ Tây

Ngoài ra, 10 bệnh viện quận, huyện khác sẽ được đổi tên bằng cách bỏ chữ "quận" hoặc "huyện". Ví dụ:

  • Bệnh viện TP.Thủ Đức → Bệnh viện Thủ Đức

  • Bệnh viện quận Tân Bình → Bệnh viện Tân Bình

  • Bệnh viện huyện Củ Chi  → Bệnh viện Củ Chi

  • Bệnh viện quận Bình Tân → Bệnh viện Bình Tân

  • Bệnh viện quận Bình Thạnh → Bệnh viện Bình Thạnh, v.v.

Việc đổi tên không chỉ mang tính biểu tượng về quá trình chuyển đổi hành chính, mà còn giúp nâng cao nhận diện thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tìm kiếm thông tin và sử dụng dịch vụ y tế.

Tổng hợp, trình UBND TP.HCM quyết định

Toàn bộ đề án sắp xếp, đổi tên, hợp nhất các cơ sở y tế phải được các đơn vị hoàn chỉnh, gửi về Sở Y tế TP.HCM để tổng hợp, trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Việc triển khai nhanh chóng và đồng bộ giai đoạn 2 của đề án tái cấu trúc hệ thống y tế công lập là bước đi quyết liệt, thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc đổi mới mô hình quản trị ngành y, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Kỳ vọng tạo cú hích cho hệ thống y tế TP.HCM

Dưới áp lực của sự phát triển đô thị nhanh chóng, dân số đông và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, TP.HCM đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải tổ chức lại toàn diện hệ thống y tế công lập. Đề án sắp xếp lần này không chỉ mang tính hành chính, mà còn là cuộc cải tổ toàn diện, kỳ vọng tạo ra cú hích lớn để xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ, linh hoạt và gần dân hơn.

Nếu được thực hiện đồng bộ, minh bạch và có sự đồng thuận từ các cấp, các ngành và người dân, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về đổi mới hệ thống y tế công trong bối cảnh cả nước đang hướng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tấn Tài