
Anh Trần Đăng Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT DOLGROUP.
PV: Anh có cảm nhận như thế nào về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ký ban hành?
Anh Trần Đăng Nam: Từ góc độ của doanh nghiệp hay từ cộng đồng doanh nhân trẻ thì sự ra đời của Nghị quyết 68 thực sự là bước đột phá từ tư duy cho đến hành động. Với kinh tế tư nhân đây có thể coi là một mốc son lịch sử. Nếu như Hiến pháp năm 1992 công nhận quyền tự do kinh doanh của công dân, giúp lực lượng Doanh nghiệp tư nhân phát triển nở rộ, hình thành nên những Cộng đồng lớn đầu tiên là Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rồi Việt Nam. Thì phải mất đến năm 2017, bằng những nỗ lực, cố gắng trên mặt trận kinh tế, đóng góp an sinh xã hội, Nghị quyết 10 của BCH Trung ương Đảng đã khẳng định coi "Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế". Ở thời điểm đó, sự công nhận của xã hội đối với doanh nhân là sự khích lệ vô cùng to lớn, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi chưa từng có, đồng thời cũng mở ra một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, ngay trong những ngày nghỉ Lễ vừa qua, khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 68, nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia", khẳng định sự bình đẳng với kinh tế nhà nước, khối FDI, thì có thể nói đây là niềm vui sướng vỡ òa của những doanh nhân như chúng tôi.
Về mặt ý nghĩa, cũng chưa bao giờ có một nghị quyết của Bộ Chính trị lại thể hiện quyết tâm cao độ trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo, định hướng, mà còn đưa ra những giải pháp, yêu cầu, chỉ tiêu hết sức cụ thể. Tôi nhận thấy Nghị quyết không chỉ mang lại sự động viên về tinh thần mà còn tạo sự tin tưởng to lớn vào quyết tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giúp các Doanh nghiệp tư nhân càng thêm yên tâm sản xuất, kinh doanh.
PV: Cá nhân anh và doanh nghiệp đã có những chuẩn bị hay hoạt động gì để góp phần mình vào mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?
Anh Trần Đăng Nam: Sự ra đời của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã đánh dấu một bước ngoặt rất lớn không chỉ ở khía cạnh vĩ mô mà cả ở cấp độ doanh nghiệp, bởi tính chi tiết của nghị quyết đã đặt ra nhiều cơ hội, tác động tới việc hoạch định và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay khi Nghị quyết vừa ra đời, DN đã xây dựng kế hoạch hành động xuyên suốt, bao gồm các giai đoạn từ nghiên cứu, đào tạo, thấu hiểu những điểm mấu chốt của nghị quyết 68; đánh giá lại chiến lược hoạt động và kế hoạch thực hiện để điều chỉnh tính phù hợp để triển khai. Một điểm quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đào tạo các cấp độ lao động về vấn đề đạo đức kinh doanh, tuân thủ luật pháp, xây dựng hành động kinh doanh trên khuôn khổ đảm bảo các vấn đề trách nhiệm xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Với Tập đoàn DOLGROUP sở hữu hệ sinh thái logistics đa dạng với nhiều công ty thành viên và kinh nghiệm nhiều phát triển hội nhập toàn cầu trong ngành logistics trong đó có thương hiệu Dolphin Sea Air Services Corp - top 6 công ty logistics uy tín nhất Viet Nam vì thế sẽ thúc đấy xu hướng hội nhập toàn cầu sâu rộng, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu cho các tập đoàn nhà máy FDI lớn đầu tư vào Viet Nam, liên kết chặt chẽ thành tố này với khát vọng trở thành tập đoàn tư nhân logistics tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hơn nữa sẽ liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện chủ trương của nghị quyết "Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI" và logistics xanh, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng logistics xanh góp phần tạo lợi ích cho cộng đồng và giảm chi phí logistics chung.
PV: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, anh có những đề xuất gì với lãnh đạo các cấp để doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn trong thời gian tới?
Anh Trần Đăng Nam: Cùng với những nội dung trên thì để Nghị quyết thực sự trở thành động lực giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn nữa, các cấp lãnh đạo cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, Về vấn đề hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế: Nghị quyết nêu rõ: Trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần được giám sát chặt chẽ từ cả cơ quan chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp, tránh tình trạng cắt giảm lấy số lượng, cắt giảm thủ tục này lại phát sinh thủ tục khác. Đặc biệt đối với các điều kiện kinh doanh, cần rà soát và ưu tiên xử lý những điều kiện thuộc các ngành nghề có tác động lớn đến cộng động doanh nghiệp như công nghiệp, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp, y tế và giáo dục; Một vấn đề luôn gây khó cho doanh nghiệp là việc thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành, các địa phương với nhau. Đây là vấn đề cần giải quyết từ gốc rễ trong cách xây dựng luật và các nguyên tắc, hướng dẫn thi hành. Việc không đồng nhất trong cách hiểu dẫn đến việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải tương tác trực tiếp với cán bộ thực thi, dễ dẫn đến tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thứ hai, Về vấn đề nâng cao nguồn lực cho kinh tế tư nhân: Nghị quyết 68 yêu cầu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành, huy động các doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệp, truyền cảm hứng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đội ngũ doanh nhân. Trong thời gian từ 2021 cho đến nay, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã xây dựng một cách có hệ thống gồm đội ngũ doanh nhân uy tín là chuyên gia, cố vấn, hệ thống các chương trình đào tạo, chia sẻ với tên gọi CEO Exchange, CEO Talk, CEO Mentoring, Diễn đàn các Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam VYBS, thực hiện đúng các yêu cầu nêu trong nghị quyết, truyền cảm hứng và đào tạo cho gần 2.000 lượt doanh nhân trẻ. Với kinh nghiệm và năng lực đã có, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội rất mong sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm, giao nhiệm vụ cụ thể để có thể nhân rộng mô hình, tổ chức thêm nhiều chương trình có ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với cộng đồng doanh nhân.
Thứ ba, Về việc tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI: Ngay từ trong nhiệm kỳ đại hội Khóa VIII, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã nhận thức rõ và triển khai việc phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm, ngành, chuỗi giá trị. Cụ thể là Liên minh Tổng thầu xây dựng HanoiBA – Liên kết các doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện công trình; Liên minh cung ứng và phụ trợ Doanh nghiệp FDI; Nhóm các doanh nghiệp ngành ô tô và phụ trợ, nhóm các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ liên quan. Việc liên kết, kinh doanh theo chuỗi sẽ cho phép khắc phục điểm yếu của các doanh nghiệp riêng lẻ, nâng cao hồ sơ năng lực, tăng cường sức cạnh tranh. Để hỗ trợ và đẩy mạnh các mô hình này, đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu trách không chỉ dừng khuyến khích các tổ chức tài chính, tính dụng tài trợ vốn cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động theo chuỗi giá trị, cung ứng, mà nên đề ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, ưu tiên hỗ trợ những chuỗi ngành hoạt động hiệu quả. Về bản chất, chuỗi liên kết của Hội DNT Hà Nội có tính lan tỏa rất mạnh, tập hợp rất nhiều các phân khúc doanh nghiệp trong ngành, do đó sự hỗ trợ về tài chính sẽ tạo động lực phát triển nhanh, mạnh, và hiệu quả; Đề xuất các cơ quan chính quyền đồng hành cùng Hội, hỗ trợ các chuỗi cung ứng của Hội tiếp cận các dự án FDI lớn, đưa tiêu chuẩn và cùng đàm phán để Doanh nghiệp FDI có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa
Thứ tư, Về hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh: Trong năm 2025 cần công bố hướng dẫn, quy định để cung cấp các nền tảng số, phần mềm dùng chung, phần mềm về pháp lý, thuế, nhân sự... như nghị quyết đã nêu; Đề nghị hỗ trợ Hội cũng như các hiệp hội quỹ đất/không gian phù hợp để xây dựng và lan tỏa các không gian làm việc chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ đàng phát triển mà không cần lo lắng về các vấn đề hành chính, ngoài chuyên môn.
Xin cảm ơn và kính chúc anh nhiều sức khỏe!
Văn Quảng (thực hiện)