"Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua"

Thời sự | 08:42:43 01/11/2018

TNV - Tháng 8/1949, trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” (đăng trên Báo Sự thật, số 116,  ngày 1-8-1949) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.

Bối cảnh ra đời và ý nghĩa của luận điểm

Phân tích bối cảnh ra đời của tác phẩm có thể nhận thấy tại sao Bác viết như vậy? Vì sau hơn 1 năm ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (tháng 6/1948),Người nhận thấy, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thật rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc do đó mà có những khuyết điểm như: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.169).

Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ của thi đua - đó là nền tảng của thi đua. Chính trên nền tảng này mà mọi cuộc thi đua sẽ được nảy sinh và diễn ra liên tục. Nền tảng của thi đua Người chỉ ra ở đây là - công việc hàng ngày. Vận dụng quan điểm này của Người, phong trào thi đua cần được phát động và thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả - đó chính là tinh thần chủ đạo của phong trào thi đua yêu nước mà chúng ta phải thấm nhuần và thực hiện tốt.

Một số nội dung cần quán triệt nhằm nâng cao chất lượng các phong trào thi đua hiện nay

Trước hết, vận dụng luận điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta tìm thấy được cơ sở tồn tại của thi đua để có thể có mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của xã hội, bởi nển tảng của thi đua chính là "Công việc hàng ngày", tức quá trình lao động sản xuất của con người. Có "công việc hàng ngày" là có thi đua. Trước đây "công việc hàng ngày" là kháng chiến kiến quốc, sản xuất theo cơ chế bao cấp, mặc dù có những hạn chế do cơ chế đem lại, nhưng thi đua vẫn nảy nở, trở thành một động lực của sự phát triển, thì ngày nay "công việc hàng ngày" là sản xuất hàng hoá với cơ cấu nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, trên cơ sở lực lượng sản xuất được giải phóng, thì thi đua lại càng cần thiết. Sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của sản xuất vật chất, là thành tựu vǎn minh của loài người, không riêng gì của chủ nghĩa tư bản. Chừng nào con người còn phải tiến hành lao động sản xuất để nuôi sống mình, tạo ra phương tiện để thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội, thì chừng đó thi đua vẫn tồn tại và phát huy tác dụng. Công việc hàng ngày là nền tảng, là gốc rễ của thi đua. Từ công việc hàng ngày mà nảy sinh thi đua. Thi đua gắn với công việc hàng ngày làm cho công việc hàng ngày tốt hơn. Sự tồn tại của thi đua, nền tảng của thi đua không xa xôi, khó tìm, khó thấy, mà ở ngay công việc hàng ngày.

Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra không có giới hạn về không gian và thời gian. Trước đây ta thi đua để "kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công", thì ngày nay ta phải thi đua để thực hiện công cuộc đổi mới với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh, để Việt Nam trở thành một nước vǎn minh, hiện đại. Thi đua là quy luật chung của xã hội loài người.

Thứ hai, phát động thi đua bao trùm trên mọi lĩnh vực, không phân biệt lĩnh vực sản xuất vật chất hay lĩnh vực phi sản xuất vật chất, kể cả trong lĩnh vực quân sự, thi đua ở tất cả mọi công việc, từ việc lớn đến việc nhỏ. Bởi khi phân tíchluận điểm này có thể thấy phạm vi của thi đua theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức rộng rãi, không giới hạn ở một lĩnh vực nào cả. Vì "công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua", nên bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực: công việc, nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông, thương mại, các công việc trong ngành giáo dục, vǎn hoá, y tế, vǎn học, nghệ thuật, quản lý hành chính v.v. thi đua cả trong đời sống riêng của mỗi người, từ việc ǎn, mặc, ở, học tập, tu dưỡng đến quan hệ với cha mẹ, gia đình, đồng chí, bè bạn, với nhân dân nước mình và nhân dân các nước.Trong kháng chiến, khi đất nước bị xâm lược thì việc thi đua giết giặc, chế tạo, rèn đúc vũ khí, tǎng gia sản xuất để chi viện sức người, sức của cho kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc là việc lớn lao mà tất cả mọi người dân đều phải tham gia hàng ngày. Khi đất nước độc lập thống nhất thì phải xây dựng đất nước, phát triển kinh tế. Ai cũng thi đua tuỳ theo công việc của mình.

Thứ ba, vận dụng luận điểm này trong cuộc sống hàng ngày cũng cần phải thi đua phấn đấu chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh trong mỗi con người, và cả xã hội đều phải làm như vậy để cho mỗi con người, cả xã hội phát triển, hoàn thiện, hoàn mỹ. Bản chất của con người luôn luôn vươn tới cái tốt, cái đẹp. Con người không bao giờ cam chịu, bằng lòng với những gì đã có, đã đạt được. Đối với con người thì cuộc sống và nhu cầu ngày hôm nay phải tốt hơn, của cải làm ra phải nhiều hơn, phong phú hơn, tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Do đó con người luôn tìm cách để thực hiện được mong muốn đó.

Hoạt động phấn đấu vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn cái đã có bắt nguồn từ chính bản chất của con người, chính là hoạt động thi đua. Đó là một việc tự nhiên diễn ra hàng ngày trong đời sống của mỗi con người, của cả cộng đồng xã hội. Một khía cạnh nữa cần thấy là, trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày, con người không chỉ đơn thuần có yêu cầu tạo ra cái mới tốt đẹp hơn trước, mà còn có yêu cầu chống lại cái sai, cái xấu, cái lạc hậu làm cho con người thoái hoá, xã hội thụt lùi. Trong đời sống hàng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai, tiến bộ, thoái bộ đan xen nhau.

Thứ tư, nội dungthi đua phải cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và hướng đến những giá trị thực chứ không thể tự bằng lòng với những thành tích giả tạo.

Người nhắc nhở: “Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.170). Như vậy, phát động thi đua phải cụ thể nội dung để mọi người dễ hiểu và làm theo, tránh tình trạng: “Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.170).

Trong thời gian qua,không chỉ trong ngành giáo dục mà trên nhiều lĩnh vực khác, một thời gian dài, người ta vẫn tìm cách "chạy", tìm cách "mua" cho bằng được những bằng chứng nhận, những danh hiệu; dùng những tờ chứng nhận "mua được" đó để dễ lập lờ đánh lộn giữa danh hiệu (nhiều khi không xứng đáng) với thương hiệu (giả). Và nguy hại hơn, họ dùng những danh hiệu cao quý đó để che đậy những việc làm bất chính, gây thiệt hại cho đất nước. Những điều đó đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Hôm nay, chúng ta cũng cần chống cả căn bệnh "lãng phí" những danh hiệu thi đua.

Thứ năm, phát động và tổ chức thực hiện thi đua không phải là nhất thời mà phải thường xuyên, liên tục

Có được cuộc sống ngày nay, con người đã phải trải qua một quá trình đấu tranh, phấn đấu liên tục qua nhiều thế hệ: đấu tranh với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, tổ chức xã hội. Lúc đầu chỉ là mưu cầu cuộc sống vật chất đơn sơ, sau đó phấn đấu nâng dần mức sống vật chất và tinh thần lên. Cuộc sống vǎn minh trên trái đất ngày nay là kết quả của sự phấn đấu thi đua bền bỉ hàng vạn nǎm của nhân loại, của các dân tọc trên hành tinh. Đó cũng là sự đấu tranh chống những bất công xã hội, chống áp bức bóc lột, chống xâm lược, chống nạn phân biệt chủng tộc... Trước đây lịch sử con người và xã hội loài người đã là như vậy, không thể nào khác được, thì ngày nay cũng như vậy. Có nghĩa là con người cũng vẫn không ngừng vươn lên. Hai chữ "hàng ngày" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra có ý nghĩa hết sức sâu sắc và mang tính tích cực cao. Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường cũng cần phải thi đua. Bác nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.

Phấn đấu vươn lên, thi đua tạo ra cái mới tốt đẹp hơn cái đã có, đồng thời thi đua chống lại cái sai, cái xấu không phải chỉ là công việc làm trong chốc lát, mấy chục, mấy trǎm ngày rồi dừng lại, mà phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu thi đua "hàng ngày", thường xuyên, liên tục. Thi đua là quy luật tất yếu vốn có trong cuộc sống của con người. Khi có ý kiến cho rằng, thi đua chỉ nảy nở trong một lúc, một thời gian nhất định rồi mất đi, thì Bác Hồ đã giải thích, uốn nắn: "Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp". Công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Thi đua hàng ngày thường xuyên, liên tục có tác dụng thúc đẩy mỗi người dân, tuỳ theo công việc của mình kiên trì phấn đấu làm việc tốt hơn, đạt được kết quả cao hơn, không bị tụt hậu so với đồng đội, các đơn vị, các ngành, các địa phương khác trong nước và nói rộng ra so với các nước khác trên thế giới. Từ đó xã hội, cuộc sống sẽ phát triển không ngừng.

ThS Nguyễn Thị Phương Chi

Viện Xây dựng Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam