Bài học kinh nghiệm về xây dựng ý chí “Quyết chiến, quyết thắng” đối với lực lượng vũ trang trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Lý luận trẻ | 08:00:00 22/04/2024

NCKH - Trải qua 56 ngày đêm, với 3 đợt tấn công, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Đảng ta tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cátxtơri, chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân đội là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần to lớn nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, đảm bảo cho quân đội chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bài học kinh nghiệm xây dựng ý chí “Quyết chiến, quyết thắng” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị để Đảng ta tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào quá trình xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp, trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã xác định đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, với phương châm “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”. Đường lối đó đã được quán triệt sâu sắc trong quân đội, các chiến sĩ đều tin tưởng vào đường lối đấu tranh mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tuy nhiên, ở chiến dịch Điện Biên Phủ cần phải có một quyết tâm rất lớn và niềm tin vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vì đây là lần đầu tiên quân ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp. Vì vậy, từ đầu chiến dịch Đảng đã chú trọng giác ngộ tinh thần dân tộc và giác ngộ giai cấp; thấu suốt đường lối, chủ trương quân sự, phương châm tác chiến và tư tưởng chiến thuật của Đảng; ý nghĩa, mục đích của chiến dịch, xác lập tư tưởng quyết chiến, quyết thắng trong lực lượng vũ trang để làm nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù. Khi chuẩn bị bước vào Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Quân đội và gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!”1. Thư của Bác được phổ biến khắp mặt trận, tạo ra không khí phấn khởi, thi đua lập công trên khắp các trận địa.

Trước khi chiến dịch mở màn (10/3/1954), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lời kêu gọi “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Giờ ra trận đã đến. Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên; thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”; ban hành “5 điều kỷ luật chiến trường” để “mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ trách nhiệm của mình trước toàn quân trong cuộc chiến đấu to lớn sắp đến”2. Những lời kêu gọi, hiệu triệu này được phổ biến khắp mặt trận, tạo không khí phấn khởi, thi đua lập công trên khắp các trận địa. Tuyên truyền cho các chiến sĩ nắm vững tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn của địch và quyết tâm chiến lược của Đảng ta. Nhờ đó, chúng ta có sự chủ động trong công tác chuẩn bị và xây dựng lực lượng; xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chiến trường Điện Biên Phủ với các mặt trận khác. Huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, trên dưới một lòng với quyết tâm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”  tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, để khắc phục những chênh lệch tương quan vũ khí giữa ta và địch, Đảng ta quan tâm đến việc rèn luyện kỹ thuật cho các binh chủng tham gia chiến dịch và tăng cường trang bị kỹ thuật; tích cực động viên các cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần chiến đấu anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, đồng thời tích cực học tập để nhanh chóng nắm vững và sử dụng tốt các binh khí kỹ thuật.

Khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, theo kế hoạch phương châm tác chiến của ta là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta phải thay đổi sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, lùi thời gian nổ súng; phải kéo pháo ra trận địa và phải làm lại từ đầu công tác tác chiến. Điều đó làm cho không ít cán bộ, chiến sĩ hoang mang, tư tưởng chưa thông suốt. Nhận thức được tình hình như vậy, Đảng ủy mặt trận đã tập trung giác ngộ tinh thần đấu tranh cho bộ đội, nhận thức đầy đủ về tình hình chiến dịch, tính khách quan, tất yếu của việc thay đổi phương châm tác chiến; tập trung làm cho bộ đội nhận rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cách đánh, trên cơ sở đó, phát huy tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao và trách nhiệm chính trị đối với chiến dịch. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ huy luôn được giữ vững, đồng thời tổ chức chỉ đạo chặt chẽ việc chấp hành các chính sách thương binh, tử sĩ, tù binh, chiến lợi phẩm... trong chiến đấu, nhờ đó chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã ngay trong đợt 1 của Chiến dịch.

Mặt khác, do phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ thiếu thốn về nhiều mặt; cùng với thời tiết không thuận lợi khiến trong cán bộ, chiến sĩ đã xuất hiện tâm lý hoang mang dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực tiêu diệt địch, bi quan, hoài nghi thắng lợi, đánh giá địch cao... Trước diễn biến như vậy, Đảng ta đã tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đến tất cả cán bộ, chiến sĩ nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong tất cả các đơn vị. Với tinh thần phê bình và tự phê bình, tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực từng bước được đẩy lùi, củng cố tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” hoàn thành bằng được yêu cầu nhiệm vụ của Chiến dịch. Đồng thời, Đảng ủy mặt trận lựa chọn những vụ việc điển hình về vi phạm kỷ luật chiến trường, vi phạm chính sách để thi hành kỷ luật, nhằm giáo dục chung; kịp thời kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng, chấn chỉnh công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chăm sóc thương bệnh binh, giải quyết vấn đề chiến thuật, tổ chức bồi dưỡng và rút kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh và binh chủng,…  Bên cạnh đó, phong trào nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ và chi bộ Đảng trong khi chiến đấu luôn có tác động to lớn đối với việc động viên, cổ vũ tinh thần các chiến sĩ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường như lấy thân mình chèn pháo, lấp lỗ châu mai, làm giá súng.v.v. đã được nêu gương, phổ biến kịp thời, trở thành biểu tượng thôi thúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ thi đua tiêu dịch địch trong toàn chiến dịch. Đồng thời, công tác tuyên truyền, cổ động tiếp tục phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng, của Ban chỉ huy trận địa và của đoàn thể để động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Kịp thời giải quyết những thắc mắc cho các chiến sĩ, giải thích và giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường, từ đó cổ động tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, tăng thêm niềm tin của họ vào thắng lợi của chiến dịch. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo đã tạo sự thống nhất và chuyển biến tốt về tình hình tư tưởng, khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, phát huy tinh thần tích cực cách mạng và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, nhằm bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.

Cùng với công tác chống hữu khuynh tiêu cực, Đảng cũng chú trọng vào ổn định đời sống tâm lý quân dân qua chủ trương cải cách ruộng đất. Chủ trương cải cách cách ruộng đất được tuyên truyền rộng rãi đến từng mặt trận, đến từng trận đánh. Những người nông dân mặc áo lính nghĩ về nơi đang diễn ra cuộc cải cách ruộng đất để đem lại quyền lợi thiết thực nhất cho gia đình họ là ruộng đất với niềm tin và hy vọng. Khi Luật cải cách ruộng đất được ban hành đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của quân và dân ta trong trận quyết chiến chiến lược.

70 năm đã qua, chúng ta càng thấy tự hào về thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng đó để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá, nhất là việc xây dựng ý chí “Quyết chiến, quyết thắng” trong những thử thách lịch sử cam go, ác liệt.

Hiện nay tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội, làm phai nhạt hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; kích động, xuyên tạc, tạo dư luận xấu, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội. Mục tiêu là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quân đội ta mất phương hướng về chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, thiếu quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, xa rời quần chúng, nhân dân. Mặt khác, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ thông tin dưới tác động của cuộc cách công nghiệp lần thứ tư, nhiều vấn đề mới, yêu cầu ngày càng cao, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh, đòi hỏi đặt ra nhiều vấn đề  về chính trị - tinh thần, về ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là động lực to lớn để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhằm đảm bảo cho quân đội ta luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược; thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011.
(2) Võ Nguyên Giáp: “Vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1977.

ThS. Lê Thị Huyền

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam