Tầm quan trọng của việc bảo vệ làng nghề văn hóa

Giải trí, Văn hóa | 14:05:00 13/10/2023

TNV - Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trên cả nước hiện nay đang có hơn 5.400 làng nghề. Trong đó, số lượng làng nghề ở miền Bắc khoảng 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng. Tính riêng ở Thủ đô Hà Nội có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề. Một trong số các làng nghề đó là làng gốm Bát Tràng ở Huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Làng gồm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống có niên đại lâu đời nhất tại Hà Nội với hơn 500 năm tuổi. Đây cũng là làng nghề cổ đã rất vang danh, không chỉ đối với với người dân Thủ đô, mà còn nổi tiếng với người dân cả nước nói chung.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, tôi đã có dịp sang thăm làng gốm Bát Tràng để tận mắt chứng kiến qui trình sản xuất và lắng nghe những chia sẻ của người nghệ nhân nơi đây. Ngay sau khi có mặt tại trung tâm chợ gốm Bát Tràng ít lâu, chúng tôi đã được một người phụ nữ giới thiệu đến thăm quan một cơ sở sản xuất gốm tư nhân tại khu vực này. Mất khoảng 5 phút đi bộ, tôi đã có mặt tại cơ sở trên, đó là một xưởng gốm nhỏ và nằm ở ngõ Cửa Chùa, thôn Bát Tràng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết chủ xưởng gốm là anh Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1980 và đã có hơn 20 năm làm gốm chuyên nghiệp. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thắng cho biết : “ Trước đây khi làng nghề này vẫn còn sơ khai, chưa đông đúc như bây giờ thì gốm Bát Tràng có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên thời gian gần đây người dân các nơi khác đổ về, họ mua gốm không rõ nguồn gốc và ngang nhiên bán cho du khách trong nước và quốc tế dưới thương hiệu của làng Bát Tràng ”. Theo anh Thắng thì chính điều này đã làm những cơ sở sản xuất gốm chính thống như gia đình anh trở nên điêu đứng, khó khăn vì bị mang tiếng xấu bán đồ giả. Bản thân anh cũng đang có ý định từ bỏ nghề truyền thống này vì sản phẩm mình làm ra giờ cũng bị lẫn lộn với hàng giả và rất khó cạnh tranh trên thị trường.

 

Chợ gốm làng Bát Tràng

Để kiểm chứng điều này, chúng tôi đã đi khảo sát và thực tế, kết quả của cuộc khảo sát đã cho thấy lời bộc bạch của anh Thắng là hoàn toàn chính xác. Có rất nhiều các cửa hàng không hề có cơ sở làm gốm tại Bát Tràng nhưng lại nhập gốm không xuất xứ về để buôn bán. Thậm chí có những chủ cửa hàng còn thản nhiên trả lời phải nhập các mẫu gốm từ nơi khác về cho đa dạng, phong phú thì mới bán được nhiều hàng. Điều này rất đáng trăn trở, bởi không lẽ chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà làng nghề phải chấp nhận để những sản phẩm gốm trôi nổi không rõ xuất xứ cạnh tranh thiếu công bằng với các sản phẩm truyền thống giàu tinh hoa, chất xám.

Thực tế, làng nghề truyền thống có thể xem là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc. Những giá trị này thông qua những sản phẩm của làng nghề, kết tinh những nguyên liệu truyền thống cộng với những tri thức mà cha ông, thế hệ đi trước truyền lại đã tôn lên những giá trị văn hóa dân tộc ở địa phương nơi có sản phẩm đó. Bằng việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, nhất là khi làng nghề phục vụ du khách đến thăm quan và mua quà lưu niệm, tất cả các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc đã được xây dựng và lưu giữ nhiều đời nay sẽ vẫn được tiếp nối qua các thế hệ và được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế.

Tựu chung lại, với những giá trị và ý nghĩa về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội to lớn mà các làng nghề truyền thống mang lại như đã phân tích ở trên, rõ ràng việc bảo vệ và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các làng nghề truyền thống phát triển một cách bền vững là việc làm hết sức cần thiết và là một hướng đi cần phải quan tâm, chú trọng và làng nghề gốm Bát Tràng cũng không thể nằm ngoài hướng đi đó.

Nguyễn Ngọc Anh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam