Liên tục mở rộng thị trường tại Việt Nam, đâu là những thách thức mà xe Trung Quốc cần vượt qua?

| 11:07:00 02/07/2024

Khách hàng Việt, đặc biệt là người trẻ ngày càng cởi mở hơn với ô tô Trung Quốc, tạo tiền đề để các hãng xe đến từ đất nước tỷ dân tự tin mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm mới. Song, để có thể xây dựng vị thế như xe Nhật, Hàn, các thương hiệu ô tô Trung vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Cuộc “đổ bộ” của xe Trung Quốc tại Việt Nam

Từng gia nhập thị trường Việt Nam từ hơn 10 năm trước, nhưng phải đến 2 năm trở lại đây, "làn sóng" ô tô Trung Quốc mới trở nên mạnh mẽ và ghi dấu ấn rõ nét hơn với người tiêu dùng trong nước. Chỉ trong năm 2023, đã có tới 4 hãng xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, gồm Wuling, Haval, Lynk & Co và Haima. Sang năm 2024, "ông lớn" BYD cũng ra mắt khách hàng Việt bộ 3 sản phẩm mới. Ước tính, hiện có khoảng gần 10 thương hiệu ô tô Trung Quốc đang phân phối chính hãng trên dải đất hình chữ S, tương đương với các thương hiệu Nhật Bản.

Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc cũng tăng vọt trong quý 1/2024. Cụ thể, theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, đã có 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc nhập về nước trong 3 tháng đầu năm, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

ô tô Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều.

"Làn sóng" ô tô Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ

Tư duy chọn xe của người dùng ngày càng cởi mở hơn, đặc biệt là giới trẻ, cộng thêm sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, phân khúc và giá cả, từ bình dân đến cao cấp đã giúp xe Trung Quốc dần tiến gần hơn với khách hàng Việt. Song, để có thể xây dựng được vị thế như xe Nhật, Hàn, các thương hiệu ô tô Trung vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Những thách thức cần vượt qua để xây dựng vị thế

Tâm lý e ngại xe Trung Quốc không bền 

Quan niệm sản phẩm nguồn gốc Trung Quốc thường kém bền là yếu tố đầu tiên khiến nhiều người e ngại khi đưa ra quyết định mua ô tô. Những gì đã diễn ra trong quá khứ đối với ngành xe lại càng khiến suy nghĩ này trở thành định kiến "ăn sâu" vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt. 

Khoảng 10 năm trước, các mẫu xe Trung Quốc đưa vào Việt Nam thường có mẫu mã "nhái" hoặc na ná các thương hiệu khác. Với tài sản giá trị lớn như ô tô, đồng thời cũng là một trong những phương thức thể hiện hình ảnh cá nhân, chắc chắn không ai muốn sử dụng hàng "nhái".

BAIC Q7 từng bán tại Việt Nam.

Mọi chi tiết thiết kế trên BAIC Q7 từng bán tại Việt Nam gần như “sao chép” toàn bộ từ mẫu xe sang Range Rover

Thực tế này đã khiến không ít hãng xe Trung Quốc như Lifan, Chery, Haima, Geely... phải lặng lẽ rời khỏi thị trường chỉ sau vài năm góp mặt. Thậm chí, một thương hiệu có nguồn gốc Anh quốc lâu đời và được phân phối thông qua Tanchong Motor của Malaysia như MG cũng đang khá chật vật trong công cuộc tìm kiếm doanh số ở lần trở lại gần đây. Nguyên nhân chỉ vì đã bán cho SAIC Motor của Trung Quốc.

Đến nay, dù chất lượng ô tô Trung Quốc đã được cải thiện thấy rõ thông qua chính sách gia tăng thời hạn bảo hành, mẫu mã mang bản sắc riêng, bắt kịp xu hướng thời đại, khả năng vận hành mạnh mẽ, nhiều công nghệ an toàn..., song để có thể thuyết phục được khách hàng Việt không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều”.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định: "Tuy chất lượng xe Trung Quốc đã được chứng minh trên thị trường thế giới nhưng để thị trường Việt Nam chấp nhận còn phải chờ thêm khoảng 5 - 10 năm nữa".

Yếu tố về bảo dưỡng sửa chữa

Bên cạnh yếu tố nguồn gốc, việc thiếu mạng lưới đại lý phủ sóng rộng khắp cũng là một trong những rào cản đối với xe Trung Quốc tại Việt Nam. Trước đây, xe Trung Quốc thường được nhập khẩu nhỏ lẻ thông qua các doanh nghiệp tư nhân nên rất hạn chế cả về độ phủ lẫn trình độ nhân lực. 

Dịch vụ sau bán hàng vẫn chưa theo kịp sản phẩm. Nguồn cung phụ tùng hoàn toàn phụ thuộc vào một đơn vị nhập khẩu duy nhất, khiến ngay cả những xưởng ô tô quy mô lớn tại Hà Nội cũng thường xuyên rơi tình trạng thiếu phụ tùng. 

Chuỗi đại lý còn mỏng khiến người dùng e ngại về dịch vụ sau bán hàng.

Chuỗi đại lý còn mỏng khiến người dùng e ngại về dịch vụ sau bán hàng

Ở lần trở lại này, bên cạnh việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm với yếu tố chính hãng, các thương hiệu Trung Quốc cũng tăng cường dịch vụ hậu mãi, thậm chí lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như bằng chứng cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và cam kết gắn bó lâu dài với người tiêu dùng.

Đơn cử như trường hợp liên doanh SAIC-GM-WULING hợp tác với TMT Motor để lắp ráp mẫu Wuling Mini EV ngay tại nhà máy ô tô của TMT nằm trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hay Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thương hiệu ô tô của Chery) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô vào tháng 11 năm 2023.

"Trong năm 2024, Omoda & Jaecoo sẽ khai trương 20 đại lý 3S theo tiêu chuẩn toàn cầu, số lượng này sẽ tăng lên 30 đại lý 3S trong năm 2025 mang đến sự an tâm về dịch vụ sau bán hàng cho người dùng Việt Nam", đại diện Omoda & Jaecoo chia sẻ.

Lynk & Co mở showroom tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM, tổ chức các sự kiện lái thử, các hoạt động giao lưu nhằm tạo sự gắn kết giữa hãng xe và cộng đồng mê xe...; Haval dự kiến sẽ mở rộng thêm 25 đại lý ở Việt Nam, nâng tổng số lên 45 đại lý trong năm 2024, đồng thời bổ sung thêm sản phẩm mới; Haima cũng tuyên bố sẽ mở các đại lý tại Hà Nội và Tp. HCM trong thời gian sớm nhất...

Việc các mẫu xe Trung Quốc được phân phối chính hãng phần nào giúp khách Việt yên tâm khi lựa chọn, do khâu bảo dưỡng, chăm sóc đã được đảm bảo hơn. Những băn khoăn liên quan đến chất lượng xe Trung Quốc về lâu dài và dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng từ đó dần được tháo gỡ.

Yếu tố về thanh khoản và độ trượt giá cao

Giá thành sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc tại Việt Nam nhìn chung rẻ hơn hẳn các mẫu xe nhập từ Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Song, tính thanh khoản và độ khấu hao về giá của các mẫu xe này lại là vấn đề khiến người dùng Việt phải e ngại.

Vào khoảng năm 2017-2018, Zotye Z8 từng tạo được sự chú ý bởi ngoại thất ấn tượng, không gian rộng rãi, cùng hàng loạt tính năng tiện nghi hiện đại và khoảng giá hợp lý.

Nhưng không lâu sau đó, thương hiệu này biến mất khỏi thị trường ô tô Việt Nam và tuyên bố phá sản tại quê nhà vào năm 2021. Sự kiện này cũng khiến những mẫu xe đình đám một thời như Zotye Z8 hay Zotye Z8L rơi vào "khai tử".

Năm 2018, khi Zotye Z8 ra mắt Việt Nam, giá xe dao động từ 780-800 triệu đồng. Song, ở thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn lại một nửa khi được rao bán trong khoảng 300-350 triệu đồng. Điều đáng nói, dù có mức giá hấp dẫn là vậy nhưng những chiếc Zotye Z8 đã qua sử dụng vẫn rất khó thanh khoản. Nguyên nhân bắt nguồn từ những lo ngại về cơ sở sửa chữa, phụ tùng thay thế khó tìm do xe đã ngừng bán.

Ngay cả những mẫu xe mới mở bán cũng nhanh chóng được chính hãng đại hạ giá. Đơn cử như Haval H6, sau nửa năm ra mắt, giá niêm yết xe đã được hạ từ 1,096 tỷ đồng về mức 986 triệu đồng. Song, đây chưa phải là mức giá cuối cùng khi liên tục được hãng và đại lý tung ra loạt ưu đãi giảm giá, hỗ trợ lệ phí trước bạ lên tới hàng trăm triệu đồng.

Giá xe Wuling Mini EV - ô tô rẻ nhất Việt Nam được niêm yết 239 - 282 triệu đồng nhưng trên thực tế, có thời điểm đại lý giảm xuống chỉ còn 179-189 triệu đồng.

Zotye Z8 trượt giá thê thảm tại thị trường Việt Nam.

“Ngựa ô phương Bắc” Zotye Z8 trượt giá thê thảm tại thị trường Việt Nam

"Sóng" giảm giá sâu gần như diễn ra ở hầu hết các mẫu xe mang thương hiệu Trung Quốc. Các đại lý MG liên tục hạ giá bán xe MG5 MT về mức 365-375 triệu đồng thay vì 399 triệu đồng như niêm yết. MG RX5 giảm tới 120 triệu đồng, đưa giá xe trở về khoảng 619-709 triệu đồng, trong khi giá niêm yết dao động từ 739 - 829 triệu đồng…

Những biến động về giá xe mới chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến xe cũ. Lúc này, những chiếc ô tô đã được mua với giá trước thời điểm giảm sẽ chịu mức khấu hao lớn khi bán lại. Số liệu nghiên cứu từ Oto.com.vn cho thấy, MG 5 đời 2022 giảm trung bình khoảng 20% sau 1 năm sử dụng, trong khi mức độ trượt giá của KIA K3 cùng đời, cùng phân khúc là 18%.

Trong nửa đầu năm 2024, trung bình MG ZS đời 2022 mất giá 30% so với thời điểm mua mới, nhưng Hyundai Creta hay KIA Seltos vẫn giữ được mức giá tương đương với kỳ trước đó.

Người dùng không rõ đà giảm giá khi nào mới dừng lại và đâu sẽ là đáy. Do đó, tâm lý sợ mất giá nhanh, tính thanh khoản kém khiến khách Việt không khỏi đắn đo trước lựa chọn mua xe Trung Quốc. 

Nhìn chung, để có thể giải quyết tốt bài toán chinh phục khách hàng Việt, vẫn còn đó nhiều thách thức mà các hãng xe Trung Quốc cần vượt qua, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin đối với người dùng, bình ổn giá cả cho đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ sau bán hàng…

Xem thêm: Các hãng xe Trung Quốc tăng tốc độ mở rộng thị phần tại Việt Nam​​​​​​​

Ảnh: Tổng hợp Internet

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam