1 phút hiểu tài chính cá nhân: Sức khỏe tài chính là gì, cách kiểm tra “ví tiền” của bạn có đang ổn không?

Thứ sáu, 25/07/2025 - 17:27

Hiểu đúng về sức khỏe tài chính là bước đầu để kiểm soát tiền bạc hiệu quả hơn.

Sức khỏe tài chính là gì?

Sức khỏe tài chính là khái niệm dùng để mô tả tình trạng tài chính cá nhân của một người. Nó bao gồm nhiều yếu tố, như: Bạn có bao nhiêu tiền tiết kiệm; mức độ bạn đang để dành cho việc nghỉ hưu và tỷ lệ thu nhập bạn đang chi cho các khoản cố định hoặc chi tiêu bắt buộc hàng tháng.

Các chuyên gia tài chính đã xây dựng một số nguyên tắc chung để đánh giá các chỉ số sức khỏe tài chính. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh mỗi người là khác nhau nên bạn nên dành thời gian để xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân. Việc này sẽ giúp bạn theo sát các mục tiêu tài chính của bản thân và tránh rơi vào tình huống rủi ro khi có sự cố bất ngờ xảy ra.

Cách đánh giá sức khỏe tài chính của bạn

Để hiểu rõ hơn về tình trạng tài chính hiện tại, bạn có thể tự đánh giá bằng cách trả lời một số câu hỏi sau:

- Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ chưa? Bạn có quỹ khẩn cấp không?)

- Giá trị tài sản ròng của bạn là dương hay âm?

- Bạn có đủ những thứ cần thiết trong cuộc sống không? Còn những điều bạn mong muốn thì sao?

- Tỷ lệ nợ lãi suất cao trong tổng số nợ của bạn là bao nhiêu? Có vượt quá 50% không?

- Bạn có đang tiết kiệm cho việc nghỉ hưu không? Bạn có cảm thấy mình đang đi đúng hướng với mục tiêu dài hạn?

- Bạn đã có đủ bảo hiểm cần thiết chưa? (Bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ...)

1 phút hiểu tài chính cá nhân: Sức khỏe tài chính là gì, cách kiểm tra “ví tiền” của bạn có đang ổn không?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Cách xác định sức khỏe tài chính

Sức khỏe tài chính của một cá nhân có thể được đo lường theo nhiều cách khác nhau. Tiền tiết kiệm và tổng giá trị tài sản ròng là những nguồn lực tài chính mà một người có thể sử dụng ở hiện tại hoặc trong tương lai. Tuy nhiên, các yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ, như nợ thẻ tín dụng, vay thế chấp mua nhà, vay mua ô tô và vay sinh viên.

Sức khỏe tài chính không phải là trạng thái cố định. Nó thay đổi theo mức độ thanh khoản và tài sản của một cá nhân, cũng như sự biến động của giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Ví dụ, mức lương của một người có thể giữ nguyên trong khi chi phí xăng, thực phẩm, tiền nhà và học phí đại học tăng lên. Dù ban đầu họ có sức khỏe tài chính tốt, nhưng nếu không theo kịp với tốc độ tăng giá, họ có thể dần bị tụt lại và rơi vào tình trạng suy giảm tài chính.

Những dấu hiệu điển hình của sức khỏe tài chính tốt bao gồm:

- Thu nhập đều đặn, ổn định

- Chi tiêu hiếm khi biến động lớn

- Các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao

- Số dư tiền mặt tăng trưởng đều và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai.

1 phút hiểu tài chính cá nhân: Sức khỏe tài chính là gì, cách kiểm tra “ví tiền” của bạn có đang ổn không?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Cải thiện sức khỏe tài chính của bạn

Để cải thiện sức khỏe tài chính, trước hết bạn cần nhìn nhận một cách thực tế và nghiêm túc về tình hình hiện tại của mình. Hãy bắt đầu bằng cách tính toán giá trị tài sản ròng, tức là tổng giá trị tất cả những gì bạn sở hữu (tài khoản hưu trí, xe cộ, tài sản khác…) trừ đi mọi khoản nợ bạn đang có.

Lập ngân sách

Bước tiếp theo, bạn cần tạo một ngân sách chi tiêu. Tuy nhiên, việc lập ngân sách không chỉ là lên kế hoạch cho những khoản bạn sẽ chi trong tương lai, mà còn phải xem xét kỹ lưỡng cách bạn đang chi tiêu hiện tại. Có những khoản nào bạn có thể cắt giảm không? Ví dụ: những dịch vụ trả phí định kỳ không thật sự cần thiết như truyền hình cáp?

Việc phân biệt giữa “nhu cầu thiết yếu” (như tiền nhà, thực phẩm, điện nước, đi lại,..) và “mong muốn” (như tập gym, ăn ngoài,...) sẽ giúp bạn xác định các khoản có thể loại bỏ nếu cần.

Bạn có thể sử dụng bảng tính Excel hoặc ứng dụng điện thoại để lập ngân sách. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng phương pháp phong bì truyền thống: tạo một phong bì cho mỗi nhóm chi tiêu, bỏ số tiền mặt tương ứng vào đó và chỉ chi trong phạm vi đã định sẵn.

Một trong những yếu tố then chốt để duy trì ngân sách và sức khỏe tài chính là: kiên trì với kế hoạch, kể cả khi bạn bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn. Việc chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập tăng, gọi là "lối sống leo thang" chính là kẻ thù âm thầm của sức khỏe tài chính.

Một chiến lược ngân sách đơn giản mà hiệu quả là quy tắc 50/30/20. Trong đó:

- 50% thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu: nhà ở, thực phẩm, đi lại, điện nước.

- 30% dành cho mong muốn: ăn uống ngoài, giải trí, du lịch.

- 20% dành cho tiết kiệm, bao gồm cả trả nợ nếu bạn đang có nợ lãi suất cao.

Quỹ khẩn cấp

Xây dựng một quỹ khẩn cấp có thể cải thiện rõ rệt sức khỏe tài chính của bạn. Đây là khoản tiền được dành riêng cho các tình huống bất ngờ như xe hỏng, mất việc…

Mục tiêu hợp lý là tiết kiệm từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt, và khoản này phải có thể sử dụng ngay khi cần.

Nợ

Nợ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tài chính, vì vậy bạn nên trả nợ càng sớm càng tốt. Bạn có thể chọn một trong hai chiến lược sau:

- Phương pháp “tuyết lở” (avalanche): Trả càng nhiều càng tốt cho khoản nợ có lãi suất cao nhất, đồng thời trả tối thiểu cho các khoản còn lại.

- Phương pháp “viên tuyết lăn” (snowball): Trả khoản nợ nhỏ nhất trước, sau đó chuyển sang khoản lớn hơn.

Cả hai phương pháp đều có ưu và nhược điểm, hãy chọn phương án phù hợp nhất với mức nợ và thói quen chi tiêu của bạn.

Nghỉ hưu

Việc có đủ tiền để nghỉ hưu cần lập kế hoạch từ sớm. Càng bắt đầu sớm, tiền của bạn càng có thời gian sinh lời. Nếu nơi làm việc có chương trình hưu trí kèm theo đóng góp từ công ty, hãy cố gắng đóng ít nhất đủ để nhận toàn bộ phần hỗ trợ đó. Ngoài ra, nên cân nhắc mở thêm tài khoản hưu trí cá nhân để tiết kiệm thêm.

1 phút hiểu tài chính cá nhân: Sức khỏe tài chính là gì, cách kiểm tra “ví tiền” của bạn có đang ổn không?- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Nguyên tắc & mẹo duy trì sức khỏe tài chính

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không phải lúc nào cũng dễ dàng, cuộc sống bận rộn khiến ta dễ xao nhãng. Tuy nhiên, dưới đây là một số nguyên tắc nhanh, đơn giản mà bạn có thể áp dụng:

- Tự động hóa việc thanh toán hóa đơn và tiết kiệm, thiết lập chuyển tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm và tự động thanh toán các hóa đơn.

- So sánh giá khi mua bảo hiểm, truyền hình cáp và các dịch vụ định kỳ kể cả khi bạn đã có hợp đồng hiện tại.

- Áp dụng quy tắc 50/30/20: 50% cho nhu cầu, 30% cho mong muốn, 20% cho tiết kiệm.

- Hạn chế chi cho nhà ở (tiền thuê hoặc tiền vay mua nhà – chưa tính điện nước) ở mức không quá 25% thu nhập.

- Đầu tư càng sớm càng tốt, đều đặn mỗi tháng, lý tưởng là dành ra ít nhất 15% thu nhập cho tài khoản hưu trí.

Theo Investopedia

Mini