Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này

Chủ nhật, 13/07/2025 - 12:45

Rốt cuộc những đứa trẻ xuất sắc như vậy được nuôi dạy thế nào?

Những ngày gần đây tại Trung Quốc, điểm thi đại học lần lượt được công bố. Hàng triệu sĩ tử, sau mười năm đèn sách khổ luyện, cuối cùng cũng đã được nếm trái ngọt. Tại Khai Phong, Hà Nam, có một cô gái tên là Đại Dịch Toản đã đạt điểm tuyệt đối trong môn Toán. Ngay tại thời điểm tra cứu điểm, người cha khi nhìn thấy kết quả đã lập tức hét lên, ôm chầm lấy con gái. Trong cái ôm đó, chứa biết bao cay đắng, xúc động, vui mừng và phấn khích…

Tại Liêu Ninh, một nam sinh tên là Lâm Tịch Dũ, ngay sau khi điểm vừa được công bố, điện thoại của cậu đã bị gọi đến cháy máy. Cuộc gọi từ tổ tuyển sinh của Đại học Bắc Kinh, ngôi trường hàng đầu tại quốc gia tỷ dân, suýt nữa thì bị cậu từ chối nhận.

715 điểm – là món quà tuyệt vời nhất của mùa hè này, cũng là lời hồi đáp xứng đáng nhất dành cho bản thân.

Cư dân mạng khi chúc mừng những "con cưng của trời" ấy cũng không khỏi cảm thán: Rốt cuộc những đứa trẻ xuất sắc như vậy được nuôi dạy thế nào? Khi tôi đi sâu tìm hiểu nền tảng giáo dục gia đình của các học sinh đạt số điểm gần như tuyệt đối, tôi phát hiện ra: Những gia đình có thể nuôi dưỡng nên những học sinh có thành tích học tập xuất sắc, thường thuộc một trong 5 kiểu sau.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 1.

01. Gia đình kiểu học tập

Năm nay, một cặp song sinh khác trứng đến từ Thẩm Dương đã trở nên nổi tiếng. Người anh Lý Hòa Huyền và em gái Lý Hòa Duệ, lần lượt với số điểm 680 và 710 (trên tổng điểm 750), đã trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng. Trong một cuộc phỏng vấn, cả hai anh em đều cho biết, thành tích tốt như vậy không thể tách rời khỏi sự ảnh hưởng từ gia đình.

Gia đình họ có bầu không khí học tập vô cùng đậm nét. Người mẹ là bác sĩ, từ nhỏ đã kể cho họ nghe những câu chuyện trong bệnh viện, phổ cập kiến thức y học. Còn người cha thì nhiều năm nay luôn duy trì thói quen dậy sớm đọc sách mỗi ngày. Trong nhà cũng được bố trí không gian học tập riêng biệt, với đủ loại sách thuộc nhiều lĩnh vực.

Vào những ngày thường, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đọc sách, trao đổi và thảo luận đủ loại kiến thức, chủ đề không bị giới hạn. Trong môi trường như vậy, hai anh em có sở thích rất đa dạng và có niềm đam mê học tập rất lớn.

Mỗi ngày sau khi về nhà, họ đều chia sẻ những điều đã học được trong ngày, xem vở ghi chép của nhau, bổ sung và sửa chữa phần thiếu sót của bản thân. Dưới sự thúc đẩy lẫn nhau, thành tích của họ luôn đứng top đầu trong khối lớp.

Chuyên gia giáo dục Lý Minh nói: Cha mẹ của học sinh giỏi thường rất có tầm nhìn xa. Họ không bảo thủ, mà luôn cập nhật với thời đại, tích cực học hỏi kỹ năng và tư duy mới. Họ tôn trọng sở thích của con, và biết cách hướng dẫn con khám phá năng khiếu của bản thân.

Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng chỉ ra rằng: hành vi học tập của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường gia đình. Trong một gia đình có tinh thần học tập, cha mẹ làm gương, không ngừng học hỏi. Khi đó, trẻ sẽ dần dần bị ảnh hưởng, biến việc học thành thói quen và mục tiêu của bản thân. Bầu không khí như vậy trong gia đình sẽ giúp khơi dậy tối đa hứng thú học tập của trẻ, phát huy tiềm năng, giúp trẻ bay cao hơn và đi xa hơn.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 2.

02. Gia đình bao dung với sai lầm

Nhà văn Hồ Xuân từng nói: "Giáo dục bao dung với sai lầm mang đến cho trẻ cảm giác an toàn để dũng cảm khám phá". Những đứa trẻ lớn lên trong kiểu gia đình này, vì biết rằng cha mẹ luôn ở phía sau, bao dung và nâng đỡ mình, nên thường có thể tiến về phía trước không chút do dự và không ngừng hoàn thiện bản thân.

Trong kỳ thi đại học năm nay, Trần Kỳ Dật, tới từ Thành Đô, Tứ Xuyên, đã đạt thành tích xuất sắc với 686 điểm. Thành tích nổi bật đó không thể tách rời sự bao dung từ cha mẹ. Trần Kỳ Dật từ nhỏ đã rất hiếu động, ở trường cũng là kiểu học sinh "nghịch ngợm nổi bật", thường xuyên gây rắc rối. Có lần vì trốn học đi chơi bóng rổ, giáo viên đã thông báo cho phụ huynh.

Tuy nhiên, cha cậu không hề nổi giận, mà kiên nhẫn nói chuyện, hướng dẫn cậu cách sắp xếp thời gian hợp lý, để vừa có thể vui chơi vừa không bỏ bê việc học. Trong học tập, cha mẹ cũng dành cho cậu sự bao dung rất lớn. Có lần trong kỳ thi Toán, vì sơ suất mà cậu làm bài không tốt, cảm thấy bản thân đã khiến cha mẹ thất vọng. Nhưng cha mẹ cậu không trách mắng, mà cùng cậu phân tích bài thi, tổng kết nguyên nhân. Cha cậu nói: "Lần sai sót này giúp chúng ta nhận ra con vẫn còn thiếu sót ở đâu. Chúng ta cùng nhau cố gắng khắc phục nhé."

Dưới sự khích lệ của cha mẹ, Trần Kỳ Dật không còn sợ mắc sai lầm. Cậu xem mỗi lần sai là một cơ hội để tiến bộ, và dần dần thành tích học tập cũng ngày càng được cải thiện.

Nghiên cứu tâm lý học cho thấy: Trẻ lớn lên trong gia đình chấp nhận sai lầm thường có khả năng chống chịu thất bại cao hơn và tinh thần khám phá mạnh mẽ hơn. Chúng không vì sợ sai mà rụt rè, mà dám thử những điều mới mẻ, không ngừng rút kinh nghiệm từ những lần thử sai để nâng cao năng lực. Chính nội tâm vững vàng và tinh thần khám phá tích cực này giúp các em không ngừng vươn lên trong học tập.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 3.

03. Gia đình có ranh giới rõ ràng

Chuyên gia giáo dục Tiền Chí Lượng từng nêu quan điểm: Cha mẹ trưởng thành nhất định phải biết chừng mực, còn một nền giáo dục gia đình tốt không thể thiếu cảm giác về ranh giới. Can thiệp quá mức chỉ làm thui chột động lực nội tại của trẻ. Chỉ khi thiết lập được một ranh giới rõ ràng, trẻ mới có thể phát huy tính độc lập, khơi dậy sự sáng tạo và ngày càng trở nên xuất sắc hơn.

Tại Thập Yển, Hồ Bắc, khi thí sinh Vương Thần Húc tra điểm thi, màn hình hiển thị "đã bị ẩn". Đây là một chế độ đặc biệt dành cho những thí sinh nằm trong top 20 toàn tỉnh. Sau đó, khi phóng viên phỏng vấn về bí quyết giáo dục trong gia đình, cha mẹ của Vương Thần Húc thẳng thắn cho biết: "Không có gì đặc biệt, chỉ là luôn để con tự quyết định."

Cha cậu nói: "Từ cấp 2 trở đi, chúng tôi rất ít khi can thiệp vào việc học của con, tất cả đều dựa vào sự tự giác của con". Điều quan trọng hơn là cha mẹ chưa từng tạo áp lực cho Vương Thần Húc.

Ngoài việc cố gắng ít can thiệp nhất có thể, trong chuyện đăng ký lớp học thêm hay mua tài liệu, cha mẹ cũng luôn hỏi ý kiến con trước. Chính nhờ được trao cho không gian đủ rộng, luôn được tôn trọng và tin tưởng, cậu mới dần hình thành năng lực tự quản lý rất tốt. Cậu biết mình nên làm gì, không nên làm gì, có thể tự điều chỉnh hành vi, sắp xếp hợp lý giữa học tập và cuộc sống.

Thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ bỏ công sức không ngừng giám sát con học hành, nhưng kết quả lại không như mong đợi. 

Trong giáo dục gia đình, điều cốt lõi không nằm ở sự đầu tư theo kiểu "nhồi nhét", mà là ở việc có vạch rõ ranh giới hay không. Cảm giác về ranh giới không phải là sự lạnh nhạt hay chia cách, mà là sự tôn trọng không gian và ý chí cá nhân của con.

Nhà giáo dục Montessori từng nói: "Mục tiêu của giáo dục là giúp mỗi đứa trẻ có năng lực suy nghĩ và hành động một cách độc lập". Cảm giác về ranh giới không phải là rào cản tình cảm, mà là nghệ thuật của giáo dục. Không bị can thiệp hay áp chế, trẻ sẽ dần trưởng thành trong tính độc lập và trở thành người làm chủ cuộc đời mình.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 4.

04. Gia đình kiểu giao tiếp

Ngày 25 tháng 6, điểm thi đại học ở tỉnh Hồ Bắc được công bố. Thí sinh Lục Dũ Thừa của Trường THPT trực thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung đã lọt vào top 20 toàn tỉnh, điểm số của em được ẩn. Khi thấy Lục Dũ Thừa đạt thành tích xuất sắc như vậy, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ sự nổi trội của em. Thế nhưng, mẹ của em lại cho biết quá trình trưởng thành của con không hề suôn sẻ.

Có một thời gian, Lục Dũ Thừa rất mê các thiết bị điện tử, thậm chí bỏ bê việc học, dẫn đến kết quả học tập sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, thay vì la mắng vì con "ham chơi bỏ học", mẹ em đã chọn cách trò chuyện tâm sự. Hai mẹ con cùng bày tỏ quan điểm, trao đổi một cách bình đẳng, nói chuyện về học tập và những lựa chọn trong tương lai. Qua cuộc trò chuyện cởi mở ấy, Lục Dũ Thừa đã thực sự nhận ra lỗi lầm của mình và củng cố quyết tâm học hành nghiêm túc. Từ đó, em từ bỏ điện thoại và các thiết bị điện tử, nhanh chóng điều chỉnh lại bản thân và tập trung trở lại với việc học.

Gia đình kiểu đối thoại không có nghĩa là lúc nào trong nhà cũng lải nhải không dứt. Mà là cha mẹ biết hạ thấp cái tôi, có thể thực sự trò chuyện, thảo luận, thậm chí tranh luận với con trên cơ sở bình đẳng. Trong kiểu gia đình như vậy, trẻ dám nói thật, không sợ nói sai bị mắng, không sợ suy nghĩ non nớt bị cười chê. Còn cha mẹ thì lắng nghe một cách nghiêm túc, xem trọng lời con nói, lắng nghe – thấu hiểu – rồi mới phản hồi.

Khi có đủ sự trò chuyện và giao tiếp, sẽ tạo nên một bầu không khí gia đình tự do và thoải mái. Với nền tảng như vậy, trẻ sẽ dễ dàng toàn tâm toàn ý nỗ lực học tập, khiến cho sự xuất sắc không còn là điều ngẫu nhiên, mà trở thành điều tất yếu.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 5.

05. Gia đình có cảm xúc ổn định

Năm nay, thí sinh Lý Minh Thần của Trường THPT số 5 Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, cũng được ẩn điểm vì lọt vào top 10 toàn tỉnh trong kỳ thi đại học. Lý Minh Thần tiết lộ rằng em đã liên hệ với ban tuyển sinh của Đại học Thanh Hoa và dự định đăng ký chuyên ngành liên quan đến kinh tế tại đây.

Khi nói về việc học, Lý Minh Thần đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. "Bố mẹ vừa tôn trọng lựa chọn của em, lại vừa đưa ra những lời khuyên thấu đáo. Trong việc học thì mẹ chăm sóc nhiều hơn, còn bố thì chiều em hơn."

Em chia sẻ rằng bầu không khí trong gia đình rất tốt, các thành viên luôn giữ cảm xúc ổn định, không làm tổn thương lẫn nhau.

Trong cuộc phỏng vấn, mẹ của Lý Minh Thần cũng kể lại một câu chuyện như sau: Hồi lớp 11, có một thời gian con gái không đến trường mà chỉ nằm nhà ngủ suốt. Tuy nhiên, mẹ em không nổi giận, vì bà nhận ra con thật sự quá mệt mỏi, nên đã không ép buộc đi học mà để con nghỉ ngơi theo ý mình.

Kể đến đây, mẹ em nói: "Con làm gì tôi cũng ủng hộ, tôi tin vào lựa chọn của con." Chính nhờ sự thấu hiểu và ủng hộ của mẹ, Lý Minh Thần không phải chịu áp lực, nên thành tích học tập luôn ổn định và kỳ thi đại học cũng đạt kết quả rất tốt. Cuối buổi phỏng vấn, khi phóng viên đề nghị chia sẻ kinh nghiệm với các bậc cha mẹ, mẹ em nói: "Giữ cảm xúc ổn định chính là sự hỗ trợ tốt nhất dành cho con."

Gia đình là "trường năng lượng" đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Trong một gia đình có cảm xúc bất ổn, nơi các thành viên thường xuyên cãi vã, sức mạnh nội tâm của trẻ sẽ dần bị tiêu hao bởi sự căng thẳng triền miên.

Chỉ trong môi trường bình lặng và ổn định, trẻ mới có thể xây dựng được một "hàng rào tâm lý" vững chắc, giúp bảo vệ năng lượng sống của mình. Rất nhiều khi, chính những gia đình có cảm xúc ổn định lại là nơi nuôi dưỡng nên những đứa trẻ có tâm hồn thư thái. Các em thường lý trí, sáng suốt, có thể giữ được trạng thái bình tĩnh trước những thăng trầm của cuộc sống – và trở thành người chiến thắng trong cuộc đời.

Các giáo sư và nhà tâm lý học hợp sức tìm hiểu hàng nghìn học sinh giỏi trường top, phát hiện các em thường xuất thân từ 5 kiểu gia đình này- Ảnh 6.

Nhìn lại các gia đình có con đạt thành tích cao trong kỳ thi đại học năm 2025 tại Trung Quốc, có thể thấy rằng các mô hình giáo dục tuy khác nhau, nhưng đều hướng về một bản chất chung:

Giáo dục không phải là sự kiểm soát và nhào nặn, mà là sự nuôi dưỡng và đánh thức. Kỳ thi đại học là một cuộc marathon đối với học sinh, và cũng là một trận chiến trường kỳ đòi hỏi trí tuệ và sự kiên nhẫn của cha mẹ. Khi chúng ta gác lại nỗi lo âu của "cuộc đua vũ trang giáo dục", trở về với bản chất thực sự của việc dạy dỗ,

Dùng sinh mệnh nuôi dưỡng sinh mệnh, chúng ta sẽ nhận ra: mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành phiên bản mà mình yêu mến. Mong rằng mọi bậc cha mẹ đều có thể trở thành "người canh giữ" trên con đường trưởng thành của con trẻ. Trao đi lượng ánh nắng và mưa vừa đủ, kiên nhẫn chờ đợi mỗi hạt mầm tìm thấy con đường vươn mình phá đất.

Diệu Đan