Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai, 31/03/2025 - 16:45

Hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đều trưởng thành từ phong trào cơ sở và hoạt động công đoàn, nhiệt tình có tâm huyết với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, được quần chúng cán bộ, công chức, viên chức, lao động tín nhiệm; luôn gắn bó, quan tâm đến lợi ích của công nhân, lao động, có nhiều nỗ lực khắc phục mọi khó khăn phấn đấu trong học tập, công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những yếu tố đó đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tổ chức, nội dung phương thức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn.

1. Thực trạng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ trong giai đoạn hiện nay

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu, có đường biên giới dài 97,2km. Toàn huyện có 16 xã và 01 thị trấn; 171 thôn, bản, tổ dân phố; với dân số hơn 82.000 người; đồng bào tộc thiểu số chiếm 91,3%. Hiện nay, tổng số Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc: 94 CĐCS trong đó khối hành chính sự nghiệp: 89 CĐCS (chiếm 94.6%), Khối doanh nghiệp: 05 CĐCS (chiếm 5.4%) với tổng số 2.445 đoàn viên trong đó: Nữ: 1.385 đoàn viên chiếm 54.5%. Công đoàn các cấp trong toàn huyện đã tích cực tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

* Về số lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

Bảng số 1: Số lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

(Đơn vị tính: Người)

Các chỉ tiêu

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng BCH CĐCS

370

100

343

100

340

100

Trong đó: Nữ

229

61,9

186

54,2

180

52,9

Chủ tịch CĐCS

104

28,1

95

27,7

94

27,6

Phó Chủ tịch CĐCS

27

7,3

64

18,7

64

18,8

Ủy viên BCH CĐCS

239

64,6

184

53,6

182

53,5

(Nguồn LĐLĐ huyện Phong Thổ)

Báo cáo của Liên đoàn lao động huyện từ năm 2022 đến năm 2024, số lượng cán bộ Công đoàn cơ sở của Liên đoàn lao động huyện giảm do Liên đoàn lao động tỉnh Lai Châu ban hành và thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-BTV ngày 15/02/2022 của Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh khóa XII về "Nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở ít đoàn viên" đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị. Vì vậy, từ năm 2022 tại Liên đoàn lao động huyện Phong Thổ đã sáp nhập 09 CĐCS khối doanh nghiệp dưới 10 đoàn viên ghép thành 02 CĐCS khối doanh nghiệp, 02 CĐCS khối hành chính dưới 05 đoàn viên thành 01 CĐCS khối hành chính, giải thể 01 CĐCS khối doanh nghiệp chuyển ra khỏi địa bàn. Do đó, số lượng Ban Chấp hành các Công đoàn cơ sở trực thuộc từ năm 2022 đến năm 2024 giảm xuống 30 đồng chí.

* Về trình độ đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở

Cấp ủy Đảng, các lãnh đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện Phong Thổ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát về công tác cán bộ trong tình hình mới, quan tâm phối hợp đồng cấp, người sử dụng lao động đã tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để cho cán bộ công đoàn tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, là động lực, điều kiện để đội ngũ cán bộ công đoàn không ngừng nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bảng 2: Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

(Đơn vị tính: người)

Stt

Trình độ

chuyên môn

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ(%)

Tổng

370

100

343

100

340

100

1

Trên đại học

5

1,4

9

2,6

9

2,6

2

Đại học

207

55,9

263

76,7

268

78,8

3

Cao đẳng

85

23,0

38

11,1

35

10,3

4

Trung cấp

65

17,6

30

8,7

27

7,9

5

Sơ cấp

8

2,2

3

0,9

1

0,3

(Nguồn LĐLĐ huyện Phong Thổ)

Nhìn vào bảng số liệu ta thấy, năm 2024 đội ngũ cán bộ CĐCS có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại học và trên đại học: 9 đồng chí trình độ Thạc sĩ (chiếm 2.6%), Đại học: 268 đồng chí (chiếm 8.8%). Qua số liệu thu thập được, có thể thấy số lượng cán bộ CĐCS có trình độ sau đại học vẫn chưa nhiều mặc dù thời điểm hiện tại số lượng cán bộ công đoàn đang theo học cao học có tăng lên, song nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu đổi mới.

Bảng 2: Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

(Đơn vị tính: Người)

Stt

Trình độ lý luận chính trị

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Tổng

370

100

343

100

340

100

1

Cao cấp

10

2,7

15

4,4

21

6,2

2

Trung cấp

125

33,8

134

39,1

140

41,2

3

Sơ cấp

18

4,9

21

6,1

40

11,8

4

Chưa qua đào tạo

217

58,6

173

50,4

139

40,9

(Nguồn LĐLĐ huyện Phong Thổ)

Qua bảng số liệu ta thấy trong những năm gần đây, số lượng cán bộ CĐCS được cử đi đào tạo lý luận chính trị có chiều hướng tăng dần. Trong số này tập trung chủ yếu vào trình độ trung cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị với tổng số cán bộ được đào tạo từ năm 2022 đến năm 2024 là 26 cán bộ. Trình độ lý luận này tương ứng với những cán bộ có tuổi đời từ 30 - 40 tuổi đang nằm trong diện quy hoạch cán bộ. Điều đó cho thấy xu hướng quy hoạch đang hướng dẫn về việc sử dụng nhiều hơn các cán bộ trẻ cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ công đoàn hiểu được lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn có được phương pháp, kỹ năng hoạt động, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ.

* Về phẩm chất đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở

Hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đều trưởng thành từ phong trào cơ sở và hoạt động công đoàn, nhiệt tình có tâm huyết với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, được quần chúng cán bộ, công chức, viên chức, lao động tín nhiệm; luôn gắn bó, quan tâm đến lợi ích của công nhân, lao động, có nhiều nỗ lực khắc phục mọi khó khăn phấn đấu trong học tập, công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những yếu tố đó đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tổ chức, nội dung phương thức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn.

Đa phần cán bộ CĐCS trên địa bàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của ngành trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế của đất nước với nền kinh tế của thế giới.

Bảng 3: Đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn cơ sở

(Đơn vị tính: Người)

Kết quả đánh giá công việc

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

7

10

12

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

363

333

328

Hoàn thành nhiệm vụ

0

0

0

Tổng

370

343

340

(Nguồn LĐLĐ huyện Phong Thổ)

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ trong giai đoạn hiện nay

Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng và luân chuyển cán bộ công đoàn

Xây dựng tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ về bản lĩnh chính trị đạo đức lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng và nghiệp vụ công tác công đoàn và các tiêu chuẩn mang tính đặc thù khác theo vị trí công tác. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, phát huy dân chủ để lựa chọn, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn thông qua thực tiễn hoạt động công đoàn. Trong lựa chọn các đối tượng để đưa vào quy hoạch cán bộ công đoàn đòi hỏi ban chấp hành, ban thường vụ lựa chọn một cách dân chủ, khách quan để đưa vào quy hoạch đội ngũ cán bộ công đoàn, từ đó để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, công tác quy hoạch thì cần quy hoạch 3-4 người cho một chức danh chú ý quy hoạch từ những cán bộ trẻ, những cán bộ có nhiệt huyết với nhiệm vụ và các hoạt động của công đoàn, có kiến thức về pháp luật, được đào tạo bài bản và có triển vọng phát triển, con em trong các gia đình có truyền thống cách mạng, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Định kỳ hàng năm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ để chủ động xây dựng nguồn cán bộ bổ sung, thay thế; đánh giá cán bộ định kỳ và trước khi bổ nhiệm đảm bảo kết quả đánh giá cán bộ chính xác, khách quan. Gắn công tác đánh giá cán bộ công đoàn với khen thưởng, kỷ luật cán bộ công đoàn; Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch gắn với phân công, bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ, trong đó ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Sử dụng cán bộ công đoàn là việc bố trí, sắp xếp cán bộ vào những vị trí công tác thích hợp nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn, là quá trình giúp cán bộ bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực hành trong thực tế quản lý, tạo sự đồng đều, cân đối về chất lượng của đội ngũ. Sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc, giao công tác đúng người, đúng sở trường gắn liền với công tác quản lý, đồng thời kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ rèn luyện và thử thách.

Hai là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức và lối sống cho cán bộ công đoàn

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh. Đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở cần có chất lượng toàn diện, vừa có kiến thức rộng và sâu, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết về công đoàn và pháp luật; có kỹ năng nắm bắt và nhạy bén xử lý nhanh các thông tin; thấu hiểu tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; biết tổ chức, tập hợp, thu hút người lao động tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở cần được bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên về quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là năng lực đối thoại, thương lượng tập thể, ưu tiên đối thoại về tiền lương tại khu vực doanh nghiệp, phối hợp thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ba là,

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến cán bộ công đoàn, nhằm xác định rõ hơn quyền hạn, nhiệm vụ, vị thế trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, với vai trò là người được đoàn viên công đoàn bầu ra, thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn bị phân biệt, đối xử khi đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ phụ cấp trách nhiệm tạo động lực đối với chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

Bốn là,

Xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cán bộ Công đoàn cơ sở, trong đó tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu liên quan trực tiếp đến công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Tích cực tổ chức hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công đoàn, nhất là cán bộ chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra) công đoàn các cấp với nội dung, hình thức phù hợp; tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, các hội thi để cán bộ công đoàn có điều kiện chia sẻ, học hỏi nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức các hoạt động công đoàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số để nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng. Đổi mới nội dung phương pháp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Căn cứ vào đối tượng tập huấn, bồi dưỡng để hàng năm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tập huấn cán bộ công đoàn cho phù hợp.

Năm là,

Công đoàn có vai trò là trung tâm tập hợp đoàn kết giáo dục cán bộ công chức, viên chức, người lao động, là cầu nối nối liền giữa quần chúng công nhân, lao động với Đảng. Công đoàn là thành viên của hệ thống chính trị, xã hội Việt Nam, cơ sở xã hội chủ yếu của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước trong quan hệ lao động công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, nếu không có công đoàn thì không thể có quan hệ lao động đầy đủ, tiến bộ và phát triển được. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ, sâu sắc vai trò của tổ chức công đoàn và vai trò cán bộ công đoàn, để xác định rõ công tác cán bộ công đoàn là một trong những công tác trọng tâm thường xuyên của tổ chức công đoàn, là một bộ phận cán bộ quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, để từ đó các cấp uỷ Đảng chú trọng đến công tác cán bộ công đoàn, quan tâm lãnh đạo các cấp công đoàn xây dựng, hoàn thiện chiến lược tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và đãi ngộ cán bộ công đoàn một cách tương xứng với cống hiến của họ, đồng thời các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực hiện chiến lược một cách đồng bộ bằng tổng hợp các biện pháp tổ chức, kinh tế, hành chính, tư tưởng... để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.

Kết luận: Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ hiện nay cần quán triệt các quan điểm cơ bản đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đảm bảo về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, phải chú ý đến tính đồng bộ, toàn diện đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn cơ sở phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn và nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, của doanh nghiệp, của giai cấp công nhân và của tổ chức công đoàn. Đồng thời phải quán triệt quan điểm của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ và phải thực hiện tốt cơ chế chính sách để tạo động lực cho nâng cao chất lượng đội ngũ Công đoàn cơ sở. Vì vậy, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ đến xác định tiêu chuẩn cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, thực hiện nghiêm túc công tác khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển cán bộ./.

Tài liệu tham khảo

- Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

- Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

- LĐLĐ huyện Phong Thổ, Báo cáo tổng kết số 24/BC-LĐLĐ, ngày 28/10/2022 về Hoạt động Công đoàn năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

- LĐLĐ huyện Phong Thổ, Báo cáo tổng kết số 23/BC-LĐLĐ, ngày 03/11/2023 về Hoạt động Công đoàn năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

- LĐLĐ huyện Phong Thổ, Báo cáo tổng kết số 19/BC-LĐLĐ, ngày 15/11/2024 về Hoạt động Công đoàn năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

ThS. Vũ Thị Huệ, ThS. Lê Thế Đại

Trường Chính trị Lai Châu