"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi rất trân trọng những lời góp ý của anh Đăng

Thứ tư, 28/05/2025 - 14:27

"Chúng tôi không mời anh Đăng vào đội sáng tạo vì anh có thể dễ chìm vào tư duy đấy, khó đưa ra những góc nhìn phản biện", Đinh Tiến Dũng nói.

Chiều 27/5, buổi họp báo công bố vở nhạc kịch thiếu nhi Phép màu của Kurt với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng đã diễn ra tại Hà Nội. Tác phẩm được viết bởi MC, biên kịch Đinh Tiến Dũng, dàn cố vấn nghệ thuật gồm những tên tuổi quen thuộc là đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, nhạc sĩ Lưu Hà An.

Tổng đạo diễn chương trình là nhạc sĩ Hoàng Anh Minh - giám đốc âm nhạc hàng loạt chương trình của VTV như Gặp nhau cuối năm, Giai điệu tự hào, Bài hát Việt…

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi rất trân trọng những lời góp ý của anh Đăng- Ảnh 1.

Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, Đinh Tiến Dũng và nghệ sĩ Hiền VK tại buổi họp báo.

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi rất trân trọng những lời góp ý của anh Đăng- Ảnh 2.

Các diễn viên trình diễn một cảnh trong vở kịch.

Phép màu của Kurt kể lại câu chuyện về một "người bạn" vô cùng quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta nhưng lại luôn bị xa lánh và ghê tởm.

Lý do bởi "người bạn" ấy có một mùi khó ngửi rất đặc trưng, điều trái ngược với hình ảnh những bông hoa thường được ngợi ca nhờ hương thơm dễ chịu.

Nhưng ít ai biết rằng "người bạn" ấy lại là người yêu thương những bông hoa nhiều nhất, nhiều đến mức sẵn sàng hy sinh bản thân mình để những bông hoa có thể lan tỏa hương thơm và tình yêu thương đó chính là một phép màu của cuộc sống trên trái đất này.

Vở nhạc kịch này Phép màu của Kurt tập hợp dàn diễn viên hùng hậu với 2 nhân vật chính là Kurt và Thủy Tiên Vàng, 15 nhân vật thứ chínhlà bọ hung, ruồi nhặng, ong, hoa, 40 nhân vật phụ… 17 phân cảnh nhỏ và 17 ca khúc được lồng ghép khéo léo và hợp lý để dẫn dắt câu chuyện, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Có mặt tại buổi ra mắt, biên kịch "Giáo sư Xoay" - Đinh Tiến Dũng tiết lộ về quá trình đặt tên tác phẩm: "Bình thường tôi cứ viết rồi mới đặt tên nhưng với tác phẩm này chúng tôi đã phải bàn lên xuống rất nhiều.

Còn tại sao lại là phép màu thì vở diễn này không có phép màu kiểu ông bụt bà tiên, mà phép màu đến từ chính nhân vật đó, từ sự biến đổi trong cuộc sống bằng chính thực lực của mình. Chúng tôi không muốn có suy nghĩ trông chờ vào một điều gì siêu nhiên hay một phép màu trên trời rơi xuống".

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi rất trân trọng những lời góp ý của anh Đăng- Ảnh 3.

Về phía, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng khi được hỏi vai trò với vở diễn, anh nói: "Tôi nhận lời vì ekip sản xuất có ý tưởng cho ra một mô hình dạy học thông qua nhạc kịch, đưa nhạc kịch đến các trường học, hình thức này còn gần gũi hơn cả truyền hình. Nếu các bạn nhỏ chỉ xem qua màn hình số thì không thể nào cảm nhận được hết cái hay của vở nhạc kịch này".

Tiếp lời nam đạo diễn Đinh Tiến Dũng nói: "Chúng tôi không mời anh Đăng vào đội sáng tạo vì anh có thể dễ chìm vào tư duy đấy, khó đưa ra những góc nhìn phản biện. Người đạo diễn có góc nhìn như khán giả, hiểu cách làm về các sân khấu và anh Đăng đã làm rất nhiều chương trình cho thiếu nhi, hiểu thiếu nhi nghĩ như thế nào. Anh có đóng góp như thấy cái này thiếu nhi không hiểu, hay gắt quá, hoặc cái kia cần chỉnh sửa cho sinh động hơn… Chúng tôi rất trân trọng những lời góp ý của anh Đăng".

Vở nhạc kịch Phép màu của Kurt được công diễn vào đúng ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2025, với hai suất chiếu tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội).

An Yên