Ngành này tập trung nghiên cứu các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm, sự ảnh hưởng thành phần dinh dưỡng thực phẩm đến cơ thể, cũng như xây dựng các chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện tình trạng sức khỏe. Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong hệ thống y tế dự phòng và phát triển bền vững. Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong kỷ nguyên chăm sóc sức khỏe toàn diện.

TS. Phạm Thị Hoàn cùng sinh viên tại xưởng Công nghệ Thực phẩm 1, khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của Chương trình đào tạo Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng là đào tạo đội ngũ Kỹ sư với chuyên ngành Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và doanh nghiệp trong các lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm và ẩm thực. Sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị kiến thức chuyên môn toàn diện, hiểu rõ các nguyên lý và quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản vững chắc, khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết hiệu quả các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng.

TS. Vũ Trần Khánh Linh cùng sinh viên tại PTN Phân tích công nghệ cao, khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các lựa chọn ăn uống thông minh, trang bị kiến thức cần thiết để duy trì lối sống lành mạnh và góp phần phòng chống bệnh tật. Tùy theo mục tiêu và định hướng đào tạo, mỗi trường đại học sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Riêng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chương trình được định hướng đào tạo đội ngũ Kỹ sư Công nghệ Thực phẩm, chuyên ngành Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng có kiến thức chuyên môn sâu và rộng, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Chuyên ngành Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng là ngành học có tính ứng dụng cao, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm đa dạng trong các lĩnh vực liên quan. Dưới đây là một số vị trí việc làm tiêu biểu:
1. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D):
- Nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm thực phẩm mới hoặc bổ sung giá trị dinh dưỡng.
- Làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, công ty thực phẩm, viện dinh dưỡng, trường đại học.
2. Quản lý chất lượng – An toàn thực phẩm (QA/QC):
- Giám sát, kiểm tra chất lượng nguyên liệu và thành phẩm.
- Đảm bảo quy trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (HACCP, ISO 22000...).
3. Tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng:
- Làm việc tại bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, viện dưỡng lão...
- Tư vấn chế độ ăn uống hợp lý cho từng đối tượng (trẻ em, người bệnh, vận động viên...).
4. Marketing và phát triển thị trường thực phẩm – dinh dưỡng:
- Xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng.
- Làm việc cho các công ty thực phẩm, thực phẩm chức năng, FMCG...
5. Quản lý và vận hành sản xuất thực phẩm:
- Điều hành dây chuyền sản xuất, tổ chức lao động, kiểm soát hiệu suất và chi phí.
6. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học:
- Làm giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu chuyên ngành thực phẩm và dinh dưỡng.
7. Khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và dinh dưỡng:
- Phát triển sản phẩm thực phẩm mới, thực phẩm xanh, hữu cơ, đồ ăn lành mạnh...
Nơi làm việc: Các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm; Bệnh viện, trung tâm dinh dưỡng, viện y học ứng dụng; Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT...); Các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ.
Mọi thông tin chi tiết:; Email: hoanpt@hcmute.edu.vn
PV tổng hợp – Hoài Anh