TFP và Kinh tế số – Động lực chiến lược của mô hình tăng trưởng mới
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, trở thành yêu cầu cấp thiết. Một trong những nội dung cốt lõi được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW là nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP), phấn đấu đưa đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt trên 55%, đồng thời phát triển kinh tế số để chiếm tối thiểu 30% GDP.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương – nhấn mạnh vai trò của TFP và kinh tế số trong việc tái thiết lập nền tảng tăng trưởng. "TFP không chỉ là thước đo phản ánh hiệu quả sử dụng vốn và lao động, mà còn là biểu hiện của năng lực đổi mới sáng tạo, chất lượng thể chế, khả năng hấp thụ công nghệ và năng lực điều hành vĩ mô. Trong kỷ nguyên số, TFP cần được nhìn nhận với góc độ mở hơn, gắn với hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế tri thức và quản trị dữ liệu", ông Sơn nhấn mạnh.
ĐHQG-HCM tiên phong kết nối nghiên cứu – chính sách – doanh nghiệp
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM – cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường đã chủ động ký kết hợp tác nghiên cứu với nhiều cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có 02 lần ký kết với Ban Kinh tế Trung ương (nay là Ban Chính sách, chiến lược Trung ương). Mục tiêu nhằm góp phần xây dựng các mô hình tăng trưởng mới gắn với thực tiễn Việt Nam và thúc đẩy nghiên cứu chính sách phục vụ phát triển bền vững.

Ông khẳng định: "Chúng tôi xác định rõ vai trò là hạt nhân khoa học – công nghệ phía Nam, với nhiệm vụ không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn chủ động kết nối nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu".
Thảo luận sâu rộng về các trụ cột đổi mới mô hình tăng trưởng
Hội thảo ghi nhận hơn 15 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và lãnh đạo doanh nghiệp xoay quanh bốn trụ cột của mô hình tăng trưởng mới: con người – công nghệ – chuyển đổi số – thể chế. Các chủ đề tập trung vào các giải pháp nâng cao TFP, thúc đẩy kinh tế số và xây dựng thể chế phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – ông Phạm Đức Long – trình bày tham luận về vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Ông nhấn mạnh rằng chỉ khi doanh nghiệp thực sự "số hóa", từ quản trị nội bộ đến tiếp cận thị trường và chuỗi cung ứng, thì mới có thể tạo ra giá trị gia tăng vượt trội.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê, ông Nguyễn Việt Phong, chia sẻ một số thách thức trong đo lường TFP trong nền kinh tế số hiện nay, đồng thời đề xuất các phương pháp cập nhật nhằm phản ánh chính xác hơn hiệu quả tăng trưởng dựa trên công nghệ.
TS Đặng Quang Vinh (Ngân hàng Thế giới) chỉ ra mối liên hệ giữa đầu tư vào đổi mới sáng tạo và tăng trưởng xuất khẩu công nghệ cao. Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không chỉ ở cấp quốc gia mà còn lan tỏa đến từng ngành, địa phương và doanh nghiệp.
GS.TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) cung cấp mô hình định lượng về động lực tăng trưởng của Việt Nam, phân tích ảnh hưởng của yếu tố năng suất, vốn con người và năng lực thể chế đến mức đóng góp của TFP. Trong khi đó, GS Tan Swee Liang (ĐH Quản lý Singapore) chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Singapore trong việc chuẩn hóa dữ liệu kinh tế số và phát triển thị trường lao động số linh hoạt.
Doanh nghiệp: Tác nhân thực thi và đổi mới
Hội thảo cũng dành không gian cho các doanh nghiệp lớn chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến. Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch CT Group – cho biết tập đoàn đã nghiên cứu thành công chip chuyển đổi số và đầu tư mạnh vào các công nghệ tương lai như drone, AI, công nghệ lượng tử, tín chỉ carbon và công nghệ gen tế bào. Tập đoàn cũng đã thành lập Ban chuyên trách thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, thể hiện cam kết đồng hành cùng Nhà nước trong phát triển kinh tế số.

Ông Phạm Tuấn Anh – Chánh Văn phòng Tập đoàn Becamex IDC – cho biết đơn vị đang hợp tác chặt chẽ với các địa phương để xây dựng các khu đô thị công nghiệp thông minh, thúc đẩy xanh hóa, số hóa và nội địa hóa công nghệ. Đặc biệt, ông đánh giá cao vai trò của ĐHQG-HCM trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp chiến lược tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Các đề xuất cụ thể: Từ thể chế dữ liệu đến FDI thế hệ mới
Trong phiên thảo luận chuyên đề, các nhóm nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển mô hình tăng trưởng mới:
- Hoàn thiện thể chế dữ liệu: Cần có luật dữ liệu quốc gia, quy định rõ quyền sở hữu, trách nhiệm khai thác, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu công.
- Thúc đẩy đầu tư công nghệ: Tăng tỷ trọng đầu tư công vào R&D và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, với chính sách thuế và tín dụng ưu đãi.
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): Xây dựng trung tâm chuyển đổi số cấp vùng, hỗ trợ SMEs tiếp cận công nghệ, tài chính và nhân lực công nghệ số.
- Xây dựng hệ sinh thái tài chính số: Hoàn thiện pháp lý cho các nền tảng ví điện tử, ngân hàng số, đồng thời tăng cường giám sát để đảm bảo an toàn tài chính.
- Thu hút FDI thế hệ mới: Tập trung vào các tập đoàn công nghệ cao, yêu cầu liên kết đào tạo – nghiên cứu – sản xuất tại chỗ và chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp nội địa.

TFP – Cốt lõi của phát triển bền vững
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Đại Dương – Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương – ghi nhận những ý kiến đóng góp sắc bén và thực tiễn từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Ông đặc biệt nhấn mạnh: "TFP là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Nhưng để đo lường và vận hành TFP hiệu quả, chúng ta cần một hệ thống chuẩn mực, dữ liệu chính xác và thể chế linh hoạt".

Đồng chí Phạm Đại Dương cho biết các nội dung thảo luận tại Hội thảo sẽ là đầu vào quan trọng phục vụ công tác tham mưu Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, nhất là trong đánh giá, kiểm tra hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Hội thảo "Kinh tế số và TFP" khép lại nhưng mở ra một chương mới trong tư duy phát triển kinh tế Việt Nam: không còn chạy theo số lượng mà chuyển sang chất lượng; không còn chỉ dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ, mà lấy con người – công nghệ – thể chế làm nền tảng. Đây không chỉ là mục tiêu, mà là con đường duy nhất để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.
Tấn Tài