Một số yêu cầu trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện chính trị

Thứ năm, 03/07/2025 - 10:44

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới. Trên cơ sở làm rõ các nội dung đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học, bài viết xác định bốn yêu cầu cơ bản trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Là trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự của Quân đội và quốc gia, nghiên cứu khoa học được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện Chính trị. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Hệ Đào tạo Sau đại học đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nghiên cứu khoa học của một số học viên đào tạo sau đại học ở Học viện còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, vấn đề đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị càng trở nên cấp thiết.

Một số yêu cầu trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện chính trị- Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Học viện Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên Hệ Đào tạo sau đại học năm học 2024-2025

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Nội dung đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị

Đổi mới trong định hướng, lựa chọn, xác định vấn đề nghiên cứu. Lựa chọn các vấn đề nghiên cứu khoa học của học viên phải đảm bảo được tính khoa học, thể hiện ở việc gắn với một khuôn khổ lý thuyết và cơ sở lý luận rõ ràng. Tính mới của một đề tài nghiên cứu khoa học của học viên được thể hiện ở việc: lựa chọn những vấn đề chưa hoặc được rất ít người nghiên cứu đến để kết quả của sản phầm khoa học mang lại giá trị cao hơn so với một đề tài nghiên cứu lại đề tài cũ; đề tài sử dụng cách tiếp cận mới, tức là đề tài đã được nghiên cứu trước đây, nhưng nay được nghiên cứu lại với cách tiếp cận mới, đó có thể là cơ sở lý thuyết mới, phương pháp mới hoặc sử dụng công cụ, kỹ thuật nghiên cứu mới; khám phá ra điều mới, tức là dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn phát hiện ra điều mà chưa nghiên cứu nào phát hiện ra trước đây, có thể đưa ra một hướng đi mới mà các đề tài tương tự trước đó chưa thực hiện được.

Đổi mới trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Về nội dung nghiên cứu cần tìm kiếm và đưa ra các giải pháp mới, đột phá, sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong nghiên cứu, bằng cách sử dụng các kỹ năng sáng tạo như tư duy phản biện, tư duy đa chiều về các vấn đề nghiên cứu; các công trình khoa học có sự tư vấn của Hội đồng khoa học đơn vị; đề tài sử dụng số liệu mới, giúp kết quả của đề tài có tính cập nhật và khả năng áp dụng vào thực tiễn cao hơn; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu. Ngoài ra, trong tổ chức hoạt động nghiên cứu cần đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách khuyến khích phong trào đổi mới trong nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học; tăng cường đầu tư kinh phí, tạo điều kiện về thời gian, môi trường, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu; nâng cao năng lực trình độ người hướng dẫn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phát hiện trùng lặp, chống sao chép có ảnh hưởng rất lớn đối với đổi mới trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học.

Đổi mới trong nghiệm thu, đánh giá và xã hội hoá kết quả nghiên cứu. Thay vì nghiệm thu, đánh giá bằng trực quan thì hiện nay cần sử dụng phần mềm phát hiện trùng lặp trong nghiên cứu vào kiểm soát chất lượng đề tài; đánh giá, nghiệm thu đề tài theo phương pháp chấm điểm độc lập; quy định số lượng bài báo của ban đề tài đã công bố có liên quan đến đề tài thành yêu cầu bắt buộc trong đánh giá, xếp loại kết quả nghiên cứu đề tài; việc nghiệm thu bắt buộc phải có cán bộ khoa học ngoài đơn vị tham gia hội đồng; chú trọng đánh giá về tính ứng dụng vào hoạt động thực tiễn, đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá các sản phẩm khoa học. Kết quả đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị được thể hiện ở tính mới. Tính mới ở đây không chỉ thể hiện trong quy trình các khâu, các bước thuộc phạm vi, trách nhiệm của các chủ thể là lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan quản lý của Học viện mà còn được thể hiện ở ngay quá trình nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học. Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn cách thức nghiên cứu khoa học của học viên mà trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những nội dung hợp lý, học viên biết tìm ra hướng đi mới phù hợp, hiệu quả hơn, sản phẩm tạo ra có tính mới, tính sáng tạo, giá trị và hàm lượng khoa học cao hơn so với những sản phẩm đã được nghiệm thu, công bố trước đó.

Một số yêu cầu trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện chính trị- Ảnh 2.

Đại tá Nguyễn Thanh Thông - Hệ trưởng Hệ Đào tạo sau đại học phát biểu tại Hội nghị tổng kết nghiên cứu khoa học học viên năm học 2024-2025

2.2. Một số yêu cầu trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị

Một là, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị phải đáp ứng theo chuẩn đầu ra mà Học viện đã xây dựng và ban hành

Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị. Bởi lẽ, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học sẽ có cơ sở khoa học, thiết thực, hiệu quả khi bám sát thực tiễn nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Cụ thể, phải đưa vấn đề đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học trở thành một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong việc đáp ứng chuẩn đầu ra của Học viện đã ban hành. Ngoài ra, do tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học trong môi trường sư phạm quân sự, nên khi xác định các biện pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học cần phải hướng tới mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Học viện. Nhận thức đúng yêu cầu này sẽ là cơ sở khoa học, là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả và tính khả thi của các biện pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học có đáp ứng được chuẩn đầu ra hay không.

Hai là, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học phải hướng vào thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ của Học viện và đơn vị

Mục tiêu, yêu cầu đào tạo sau đại học quyết định mục đích, nội dung, hình thức, kết quả đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên. Thực hiện tốt yêu cầu này là làm tốt mục đích cốt lõi của việc đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học, đồng thời là thước đo tổng hợp để đánh giá kết quả đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên. Mục tiêu, yêu cầu đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị đã được xác định đó là: Trong đào tạo tiến sĩ, phải "có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học". Với trình độ đào tạo thạc sĩ, phải "có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết được những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo". Chính vì vậy, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị là một yêu cầu khách quan và có tính cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Ba là, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị phải bảo đảm tính khoa học, hệ thống, đồng bộ, thiết thực và khả thi

Bảo đảm tính khoa học, hệ thống, đồng bộ, thiết thực và khả thi sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị. Việc xác định các biện pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị phải được triển khai đồng bộ, tiến hành chặt chẽ ở các khâu, các bước theo một quy trình khoa học tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Xây dựng các biện pháp phải xuất phát từ tình hình thực tiễn và mức độ đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị. Việc lựa chọn và sử dụng các biện pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học phải phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của học viên. Để thực hiện tốt yêu cầu này cần phải thống nhất về mặt nhận thức và hành động. Ngoài ra phải bảo đảm tính kế hoạch cao trong xây dựng các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học. Phải đổi mới thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi với tinh thần phát triển không ngừng theo sự vận động, phát triển thực tiễn quá trình giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị hiện nay.

Bốn là, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị phải phát huy đồng bộ, có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng

Để tiến hành có hiệu quả đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị thì việc đầu tiên cần thực hiện là nâng cao nhận thức và phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng. Vì vậy, cần phải tập trung nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng về vai trò, ý nghĩa, nội dung và yêu cầu của đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học một cách thường xuyên, liên tục, có chất lượng. Đây chính là cơ sở hình thành tính chủ động, tích cực của các lực lượng tham gia đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị. Việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng cần phải được thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú và thiết thực. Ngoài ra việc lựa chọn và sử dụng các biện pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị cần phát huy tốt nhân tố chủ quan trong quá trình đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Học viện, Hệ Đào tạo sau đại học phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, lực lượng tham gia vào đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học.

Một số yêu cầu trong đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện chính trị- Ảnh 3.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học được tặng thưởng trong Hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu khoa học học viên năm học 2024-2025

3. Kết luận

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị là một yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Quá trình đổi mới cần được triển khai toàn diện trên các mặt: định hướng lựa chọn đề tài, tổ chức thực hiện nghiên cứu và đánh giá nghiệm thu kết quả. Việc thực hiện đúng định hướng, bám sát chuẩn đầu ra, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng liên quan sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, khơi dậy tinh thần học thuật, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo của học viên đào tạo sau đại học. Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn những giá trị truyền thống, mà là kế thừa có chọn lọc, kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa cái cũ và cái mới để từng bước nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học cho học viên đào tạo sau đại học./.

Tài liệu tham khảo

Đảng bộ Học viện Chính trị, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, Hà Nội, 2020, tr.68. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, số 03 (70), 2023, tr.36-39. Nguyễn Thanh Bình (Chủ biên), Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch trong Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017. Nguyễn Minh Đức, Nâng cao chất lượng lãnh đạo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021. Lê Văn Lợi, Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 23/9/2024.

Nguyễn Thanh Thông, Trần Viết Sung - Học viện Chính trị