Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ: hơn 1 năm nhìn lại

Thứ hai, 28/04/2025 - 11:00

Tóm tắt: Tháng 9 năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việc xác lập khuôn khổ quan hệ mới đã chứng minh rõ nét tính đúng đắn về quyết sách, tầm nhìn dài hạn, quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Sau hơn một năm, mối quan hệ này đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ - giáo dục, cũng như môi trường - năng lượng - biến đổi khí hậu. Bài viết này tổng kết các dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác song phương, phân tích những thành tựu nổi bật và đánh giá các thách thức tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến quan hệ hai nước trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, nhằm đóng góp vào góc nhìn khoa học về quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Từ khóa: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Đối tác Chiến lược Toàn diện.

1. Điểm lại các dấu mốc lịch sử quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ qua các thời kì

Quá trình phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ là một trường hợp điển hình phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ từ mối quan hệ "đối đầu" sang "hợp tác" trong bối cảnh thay đổi của bối cảnh chính trị quốc tế. Quá trình này là bước chuyển đổi "thần tốc" từ cựu thù đi đến bình thường hoá, phát triển quan hệ song phương lên mức độ hợp tác sâu sắc nhất là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" sau 30 năm bình thường hoá. Mối quan hệ này có thể được phân tích qua các giai đoạn chính như sau:

1.1 Giai đoạn trước bình thường hóa (trước 1995)

Chiến tranh Việt Nam – Hoa Kì kết thúc vào năm 1975, Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đây cũng là giai đoạn mối quan hệ Việt Nam Hoa Kì được đánh giá là mối quan hệ thù địch. Trong 20 năm tiếp theo (1975-1995), quan hệ Việt Nam- Hoa Kì đóng băng và luôn ở trong trạng thái cực kì căng thẳng. Hoa Kì áp dụng lệnh cấm vận lên kinh tế và cắt bỏ mọi quan hệ ngoại giao đối với Việt Nam, mục tiêu là làm cho Việt Nam kiệt quệ về kinh tế và suy kiệt về chính trị. Tưởng chừng như mối quan hệ khó có thể hoà giải nhưng sau những nỗ lực từ cả hai phía, mối quan hệ của hai quốc gia đã có những chuyển biến tích cực hơn. Cả hai quốc gia đã nỗ lực vượt qua nhiều rào cản để "lội ngược dòng" tiến đến bình thường hoá một mối quan hệ từng là những kẻ thù không đội trời chung của nhau. Về phía Mỹ, siêu cường này vẫn chưa thể nguôi ngoai được nỗi đau với lần thất bại duy nhất trong lịch sử tại một quốc gia nhỏ bé mang tên Việt Nam và vẫn đang vật lộn với "hội chứng Việt Nam", còn ở phía Việt Nam cũng là những đau đớn khó vượt qua khi đối đầu với cường quốc từng xâm lược dân tộc và cha ông mình. Tuy vậy, cả hai bên không đắm chìm trong đau thương, lần lượt bước ra từ quá khứ, can đảm và nhân nhượng thay đổi dần cục diện mối quan hệ. Cuối năm 1980 và đầu những năm 1990, chính quyền hai bên đã bắt đầu "xuống nước", cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến tù nhân, vấn đề nhân đạo, xoá bỏ cấm vận, thiết lập nền tảng cho quá trình bình thường hóa sau này.

1.2 Giai đoạn bình thường hóa quan hệ (1995)

Ngày 11 tháng 7 năm 1995 đánh dấu một bước đi lịch sử khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ đây mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trên tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Sự kiện này không chỉ chấm dứt thời kỳ căng thẳng đối đầu mà còn mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, dựa trên lợi ích kinh tế và giá trị chung giữa hai quốc gia. [10]

1.3 Giai đoạn phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện (2013)

Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, tạo lập khuôn khổ quan hệ cho hai nước, khẳng định xu thế phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương sau này với cam kết hợp tác toàn diện trên chín lĩnh vực chủ chốt, bao gồm: chính trị - ngoại giao, thương mại - kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường, y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa - thể thao - du lịch. Hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Điểm nổi bật đối với bước tiến trong quan hệ là lần đầu tiên Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, đánh dấu sự phát triển trong mức độ quan hệ cũng như nâng tầm vị thế của Việt Nam trong tương quan mối quan hệ đối với Hoa Kì. Không đơn thuần là sự phát triển trong quan hệ ngoại giao, đây còn là cơ hội để hai quốc gia từng là cựu thù xây dựng lại lòng tin chính trị, phát triển hợp tác, gác lại quá khứ, tạo đà cho sự hợp tác sâu sắc hơn nữa về sau.

1.4 Giai đoạn nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (2023)

Tròn 1 thập kỉ từ khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam- Hoa Kì năm 2013, đến ngày 10 tháng 9 năm 2023, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là mức độ cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam, hợp tác sâu và thời gian hợp lý trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, công nghệ và giáo dục.

2. Thành tựu của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ sau hơn 1 năm nhìn lại:

Ở thời điểm hiện tại, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang đạt được mức độ cao nhất trong lịch sử- Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mức độ này có thể được đánh giá qua các khía cạnh sau:

2.1. Chính trị- Ngoại giao

Thứ nhất, hợp tác song phương:

Sau hơn một năm kể từ khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm 2023, hợp tác song phương trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao đã ghi nhận nhiều thành tích quan trọng, cần kể đến các chuyến thăm cấp nhà nước, cơ chế đối thoại mới và những dấu tích hợp tác nổi bật, có thể kể đến như sau:

Khởi đầu là chuyến viếng thăm nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam (tháng 9/2023):

Đây là sự kiện nền móng, đánh dấu việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong chuyến công du này, Tổng thống Biden đã hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, bao gồm Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ (thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn và chuyển đổi số); giáo dục (nhằm tăng cường trao đổi học thuật và đào tạo nhân lực chất lượng cao); an ninh (nhằm hợp tác trong chia sẻ thông tin và tăng cường sức mạnh phòng thủ).

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ (tháng 5/2024):

Trong chuyến đi công du này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cuộc gặp gỡ với Tổng thống Joe Biden, các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, và đạo các tập đoàn kinh tế lớn. Các cuộc thảo luận tập trung vào: hợp tác kinh tế (đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản Việt Nam và nhập khẩu công nghệ từ Hoa Kỳ); đầu tư (thu hút thêm vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam, đặc biệt trong ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng tái tạo); thương mại (quyết định các rào cản thương mại và hướng tới cân bằng cân bằng giữa nước). Chuyến thăm này đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong công việc đưa quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ như một trụ cột quan trọng của quan hệ song phương.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đến Hoa Kỳ (tháng 7/2024):

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, tập trung vào các vấn đề chiến lược và khu vực. Các nội dung chính bao gồm: an ninh khu vực (hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải); hợp tác trong khuôn khổ ASEAN (Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng); biến đổi khí hậu (thảo luận về giải pháp giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch).

Để thực hiện hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện , Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập và phát triển nhiều cơ chế đối thoại định kỳ, tạo nền tảng cho thảo luận và giải quyết các vấn đề chung.

Đối thoại Chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ (lần đầu tiên vào tháng 10/2023):

Cơ chế này được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề chiến lược dài hạn giữa hai nước. Các nội dung chính bao gồm: an ninh và phòng quốc gia (tăng cường hợp tác huấn luyện quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và đối lập với các mối đe dọa an ninh mạng, an ninh phi truyền thống; hợp tác kinh tế (định hướng phát triển quan hệ kinh tế bền vững, tập trung vào công nghệ và thương mại).

Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ (tháng 6/2024):

Cuộc họp Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất đã diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Thủ đô Washington D.C, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez. Đây là cơ chế thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Các chủ đề chính bao gồm 5 lĩnh vực, gồm thiết lập hợp tác xây dựng hệ sinh thái công nghệ bán dẫn; hợp tác về năng lượng và khoáng sản chủ chốt; hợp tác về môi trường kinh doanh; thúc đẩy thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao, kiểm soát xuất khẩu chiến lược; hợp tác hạ tầng công nghệ thông tin chủ chốt và an ninh mạng.[7]

Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật (tháng 8/2024):

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng và Phó trợ lý Ngoại trưởng Thường trực thuộc Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Shelby Smith-Wilson đồng chủ trì Đối thoại với sự tham dự của phái đoàn liên ngành từ Hoa Kỳ và Việt Nam. Các nội dung thảo luận bao gồm: khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh với Việt Nam theo các khuôn khổ, thỏa thuận hợp tác đã được thiết lập, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, trong đó có hợp tác về đào tạo, quân y, gìn giữ hòa bình, phòng, chống khủng bố, tội phạm trên môi trường mạng và tội phạm công nghệ cao…[5]

Thỏa thuận hợp tác về giáo dục (tháng 11/2023):

Thỏa thuận này tập trung vào: hai bên tăng cường trao đổi, đối thoại về giáo dục và đào tạo giữa quan chức Chính phủ, lãnh đạo lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trao đổi cán bộ quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh, tình nguyện viên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trao đổi công nhận trình độ và văn bằng chứng chỉ; thúc đẩy phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Trao đổi sinh viên, tăng số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ và ngược lại; hỗ trợ phát triển các dự án nghiên cứu nghiên cứu giữa các trường đại học hai nước, đẩy mạnh hợp tác hợp tác giáo dục STEM, đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học trong các ngành công nghệ và lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. [11].

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024

Tháng 12 năm 2024, Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia hai nước. Sự kiện này tập trung vào các xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ, đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng sạch và y tế. Diễn đàn này là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, bền vững. [13]

Thứ hai, hợp tác trên các diễn đàn đa phương

Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế, có thể kể đến sự hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức như Liên Hợp Quốc, ASEAN và APEC.

Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm lợi ích chung của khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 12 vào tháng 10 năm 2024, Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã đề xuất các sáng kiến thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực, đặc biệt là trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. [12]

Tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, diễn ra từ ngày 14-17/11/2023 tại San Fransisco, được tổ chức tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có những phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc định hướng hợp tác kinh tế khu vực. Việt Nam đã tích cực tham gia vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo và tăng cường kết nối khu vực. Sự hiện diện của Việt Nam tại APEC 2023 phản ánh cam kết của quốc gia trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế đa phương và phát huy vai trò trong cấu trúc kinh tế khu vực. [1]

2.2 Hợp tác kinh tế - Thương mại - Đầu tư

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ

Kim ngạch thương mại song phương ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, nhiều kỷ lục thương mại giữa hai quốc gia được xác lập trong năm 2024. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học...[6]

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Sự dịch chuyển chiến lược sang Việt Nam

Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Apple, Nvidia và Boeing tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất bán dẫn và công nghệ cao đã thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, logistics và dịch vụ tài chính cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Một trong những cái tên nổi tiếng có thể kể đến nữa là Elon musk cũng đang dự kiến đưa Starlink và Việt Nam. Với chiến lược "Nước Mỹ trên hết", các chính sách kinh tế và thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là biện pháp bảo hộ mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đã thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam. Việc Mỹ tăng thuế không chỉ gián đoạn các chuỗi cung ứng truyền thống mà còn tạo điều kiện để Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường Đông Nam Á và quốc tế. Chính sách thuế của Trump đã "vô tình" mở ra cơ hội lớn để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.[9]

Hợp tác trong chuỗi cung ứng và chuyển đổi công nghệ

Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác trong chuỗi cung ứng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng truyền thống. Sự chuyển dịch của các doanh nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn tạo ra nhiều cơ hội phát triển công nghệ và nâng cao tay nghề lao động. Bên cạnh đó, hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang được hai bên đặc biệt chú trọng. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Ngược lại, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, với hàng hóa Việt Nam chiếm 4,13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ (Melissa Cyrill, 4.2024). Điều này cho thấy, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. [8]

2.3 An ninh - Quốc phòng

Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào ngày 10/09/2023, hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp vào việc duy trì ổn định khu vực và bảo đảm lợi ích chiến lược chung. Hai nước tiếp tục duy trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng, mở rộng hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực và hỗ trợ nhân đạo. Hoa Kỳ đã tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và nâng cao năng lực cảnh sát biển, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong công nghiệp quốc phòng và công nghệ giám sát. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Hoa Kỳ tìm kiếm, xác định và trao trả cho phía Hoa Kỳ hài cốt của các quân nhân mất tích

Về an ninh, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng và bảo vệ an ninh hàng hải, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác trong ứng phó với thiên tai và cứu trợ nhân đạo cũng được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực an ninh hàng hải , hợp tác được củng cố thông qua các hoạt động thực tiễn như các chuyến thăm tàu hải quân Hoa Kỳ (ví dụ, USS Blue Ridge và USCGC Waesche), kết hợp với việc Hoa Kỳ cung cấp trang thiết bị như tuần tra và hệ thống giám sát, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam. Hoa Kì đã bàn giao 5 máy bay huấn luyện cho Việt Nam và cam kết hỗ trợ 12,5 triệu USD cho Việt Nam trong tuần tra và giám sát ngư nghiệp, tài nguyên biển, giúp Việt Nam đủ khả năng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Những thành tựu này không chỉ làm sâu sắc quan hệ song phương giữa hai quốc gia mà còn đóng góp ý kiến quan trọng vào việc duy trì ổn định và hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phản ánh một mô hình hợp lý toàn diện, đa tầng và mang tính khoa học.

2.4 Khoa học - Công nghệ và Giáo dục

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn này đã chứng minh những bước tiến đáng kể, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, có thể kể đến ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và năng lượng tái tạo.

Những nỗ lực này phản ánh cam kết của cả hai quốc gia trong việc cung cấp khoa học vì lợi ích chung, đồng thời củng cố vị trí của Việt Nam trong cộng đồng nghiên cứu khoa học toàn cầu.

Trong lĩnh vực công nghệ, quan hệ chiến lược toàn diện đã tạo ra động lực cho sự hợp tác sâu rộng trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, an ninh mạng và chuyển đổi số. Các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Intel, Qualcomm, Google và Microsoft đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước.

Các chương trình trao đổi du học sinh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được mở rộng, với số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ duy trì ở mức cao. Các trường đại học hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản trị kinh doanh.

Một trong những điểm đáng chú ý là sự tăng cường các chương trình trao đổi sinh viên và giải thưởng giữa hai nước. Chương trình này đã mang lại cơ hội cho sinh viên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của Hoa Kỳ, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia vào các dự án quốc tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam phát triển các chương trình đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao.

2.5 Hợp tác về môi trường - Năng lượng - Biến hậu khí hậu

Hợp tác về môi trường và bảo vệ hệ sinh thái: Từ ngày 2/9/2024 đến ngày 6/9/2024, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để khảo sát về tình hình biến đổi khí hậu cũng như trao đổi các cơ hội hợp tác về chuyển đổi năng lượng sạch. Hai nước đã phối hợp trong các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng ngập mặn và quản lý tài nguyên nước, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm môi trường, giám sát chất lượng không khí và quản lý rác thải nhựa thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật và tài trợ. [4]

Hợp tác năng lượng: chuyển đổi sang năng lượng sạch: Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời và phát triển lưới điện thông minh. Các tập đoàn năng lượng của Hoa Kỳ như AES, GE và First Solar đã đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, giúp nâng cao khả năng tự chủ năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ứng phó với biến đổi khí hậu: giảm phát thải và thích ứng: Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hai nước tăng cường hợp tác trong nâng cao năng lực dự báo thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

3. THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG TRONG QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - HOA KỲ

3.1 Thách thức trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, vẫn đối mặt với một số thách thức lớn, bao gồm:

Khác biệt về hệ thống chính trị và pháp luật:

Hoa Kỳ và Việt Nam có hệ thống chính trị và luật pháp khác nhau. Hoa Kỳ với hệ thống chính trị đa đảng, trong khi Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo với nền tảng ý thức hệ khác biệt. Điều này dẫn đến các quan điểm khác nhau trong cách tiếp cận về quản trị quốc gia, nhân quyền và pháp quyền. Điều này cũng có thể tạo ra những rào cản trong quan hệ song phương, đối với cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra vào 6/1-7/1/2025, Hoa Kỳ có đưa ra kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội; nâng cao thượng tôn pháp luật; thúc đẩy cải cách pháp lý; và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân cư chịu thiệt thòi. Ngoài ra, những điểm khác biệt trong hệ thống tư pháp cũng ảnh hưởng đến tính hợp pháp trong pháp luật, có thể kể đến như trong việc xử lý tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ quyền lao động, … Không chỉ vậy, Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh cần cải thiện độc lập của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa các cường quốc và tác động đến Việt Nam

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đặt Việt Nam vào thế cần phải cân bằng quan hệ với cả hai bên. Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm 2023 được coi là một động thái để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng cũng làm cho Trung Quốc phải dè chừng hơn.

Việt Nam theo chính sách "ba không" (không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), được bổ sung thành "bốn không" vào năm 2019, nhấn mạnh không cho phép nước ngoài sử dụng lãnh thổ để chống nước khác. Điều này phản ánh sự cẩn trọng của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác an ninh với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung.

Rào cản thuế quan, thương mại, công nghệ và tiêu chuẩn sản phẩm:

Việc tiếp cận công nghệ cao từ Hoa Kỳ vẫn còn hạn chế do các quy định về xuất khẩu công nghệ, kiểm soát đầu tư nước ngoài và yêu cầu cao về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ Hoa Kỳ, vốn chịu sự kiểm soát gắt gao nhằm hạn chế công nghệ lọt vào tay Trung Quốc. Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến các chính sách thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam xuất siêu quá lớn sang Mỹ (khoảng 105 tỷ USD), có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp thương mại bảo hộ, như tăng thuế hoặc điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng.

Ngày 2 tháng 4 năm 2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, trong đó thông tin về việc Chính phủ Mỹ cân nhắc áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, các chuyên gia ước tính, con số "gây sốc" này nếu thành hiện thực, không chỉ tác động mạnh vào hoạt động ngoại thương mà còn có thể ảnh hưởng lớn tới GDP của Việt Nam. Con số này cao hơn đáng kể so với các ước tính trước đây chỉ dao động quanh mức 1-1,5% GDP với kịch bản thuế chỉ dừng ở 10-15%. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đề xuất thuế quan mới sẽ trở thành thách thức trong thời gian tới của Việt Nam. [3]

3.2 Triển vọng trong giai đoạn tới

Dù tồn tại nhiều thách thức, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác kinh tế, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo:

Hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, chuỗi cung ứng, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việc các tập đoàn lớn của Mỹ như NVIDIA, Google, Microsoft cam kết mở rộng hợp tác công nghệ tại Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho triển vọng này. Trong đó có thể kể đến như sau:

Chuỗi cung ứng và sản xuất công nghệ cao: Việc Hoa Kỳ thúc đẩy chính sách "Friendshoring" đã tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn, thiết bị điện tử, phần mềm và dịch vụ công nghệ tại Việt Nam. [2]

Hợp tác trong trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số: Với việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ số tại khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam trong phát triển AI, điện toán đám mây, an ninh mạng và công nghệ tài chính (Fintech). Việc Google và Microsoft hợp tác đào tạo nguồn nhân lực AI tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho triển vọng này.

Thúc đẩy thương mại số: Việt Nam và Hoa Kỳ đang hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại điện tử, thanh toán số. Việt Nam có thể hưởng lợi từ các sáng kiến của Hoa Kỳ như Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), giúp cải thiện cơ sở hạ tầng số và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, mở rộng hợp tác an ninh khu vực và quốc tế:

Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường phối hợp trong các cơ chế đa phương như ASEAN, APEC và các diễn đàn khu vực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên biển Đông. Chẳng hạn, Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc đối thoại về an ninh hàng hải trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ.

Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN: Việt Nam đã chủ động tham gia các sáng kiến an ninh do Hoa Kỳ hỗ trợ trong khuôn khổ ASEAN, đặc biệt là về an ninh hàng hải và chống khủng bố. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam tham gia tích cực vào Đối thoại An ninh ASEAN - Hoa Kỳ và các chương trình nâng cao năng lực giám sát hàng hải.

Bảo đảm an ninh trên Biển Đông: Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực hàng hải, thông qua các chương trình đào tạo và cung cấp thiết bị tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước cũng đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng nhằm đối phó với các mối đe dọa từ tội phạm công nghệ cao và chiến tranh mạng.

Đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực: Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Việt Nam đóng vai trò tích cực trong các cuộc đối thoại về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Triều Tiên, an ninh hàng hải và kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư công nghệ cao:

Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng trong chiến lược đầu tư của các tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo.

Ngành công nghiệp bán dẫn: Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo kỹ sư và chuyển giao công nghệ. Việc Intel cam kết mở rộng cơ sở sản xuất tại TP.HCM với khoản đầu tư hàng tỷ USD cho thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Đầu tư vào công nghệ sinh học và y tế: Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt là trong các lĩnh vực vaccine, dược phẩm và y tế số. Các công ty như Pfizer, Moderna đã cam kết hợp tác với Việt Nam để phát triển hệ thống y tế thông minh.

Hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao: Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ, Hoa Kỳ đã phối hợp với các trường đại học Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và trí tuệ nhân tạo.

Thứ tư, mở rộng hợp tác kinh tế theo hướng bền vững:

Hợp tác song phương sẽ tập trung vào phát triển bền vững, bao gồm năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và tăng trưởng xanh. Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, đang được triển khai để hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo: Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng. Các tập đoàn như General Electric (GE) và AES Corporation đang tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Chống biến đổi khí hậu: Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp trong các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ trong lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

ThS. Nguyễn Thu Phương

 Trường Đại học Thái Bình

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. APEC: Cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, https://baochinhphu.vn/apec-co-che-hop-tac-va-lien-ket-kinh-te-hang-dau-tai-chau-a-thai-binh-duong-102231112214924836.htm, đã xem ngày 29/03/2025. 

2. Ts. Nguyễn Thị Hương Giang, "Xu hướng Friend-shoring và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam", https://kinhtevadubao.vn/xu-huong-friend-shoring-va-khuyen-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam-29976.html, đã xem 03/04/2025. 

3. Hạnh Nguyễn (2025), "Chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể ảnh hưởng 7,5% GDP Việt Nam", https://www.vietnamplus.vn/chinh-sach-thue-quan-moi-cua-my-co-the-anh-huong-75-gdp-viet-nam-post1024605.vnp, đã xem ngày 03/04/2025. 

4.  Hoa Kỳ - Việt Nam quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch và tăng cường hợp tác về thích ứng biến đổi khí hậu, https://dcc.monre.gov.vn/hoa-ky--viet-nam-quyet-tam-thuc-day-chuyen-doi-nang-luong-sach-va-tang-cuong-hop-tac-ve-thich-ung-bien-doi-khi-hau-1363.htm, đã xem ngày 30/03/2025. 

5. Hồng Hoa (2024), " Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ nhất", https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/doi-thoai-an-ninh-va-thuc-thi-phap-luat-hoa-ky-viet-nam-lan-thu-nhat-787642, xem ngày 28/03/2025. 

6. Song Hà (2025), "Xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2025: Tiềm năng lớn nhưng nhiều thách thức", https://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-nam-2025-tiem-nang-lon-nhung-nhieu-thach thuc.htm#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20t%E1%BB%AB%20T%E1%BB%95ng,v%E1%BB%9Bi%20c%C3%B9ng%20k%E1%BB%B3%20n%C4%83m%202023, đã xem ngày 30/03/2025. 

7 Kiều Trang- Thế Đoàn (2024), "Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất", https://baotintuc.vn/thoi-su/doi-thoai-kinh-te-viet-nam-hoa-ky-lan-thu-nhat-20240626063451635.htm, xem ngày 27/03/2025. 

8. Nguyễn Đình Thiện - Phạm Thị Bích Ngọc (2025), " Thương mại Việt - Mỹ trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu", https://hvctcand.bocongan.gov.vn/nghien-cuu-quoc-te/thuong-mai-viet-my-trong-boi-canh-chuyen-dich-chuoi-cung-ung-toan-cau-7223, đã xem ngày 29/03/2025.

9. Nguyễn Đình Thiện - Phạm Thị Bích Ngọc (2025), "Sự dịch chuyển mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam – nhân tố tác động và kỳ vọng", https://hvctcand.bocongan.gov.vn/nghien-cuu-quoc-te/su-dich-chuyen-manh-me-cua-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-nhan-to-tac-dong-va-ky-vong-7059. Đã xem ngày 31/03/2025. 

10. Trần Chí Trung – Vũ Thị Hoài (2023), " Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ: Từ chiều sâu lịch sử đến hiện tại và tương lai", https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-tu-chieu-sau-lich-su-den-hien-tai-va-tuong-lai, xem ngày 26/03/2025. 

11. "Việt Nam và Hoa Kỳ ký ghi nhớ hợp tác về giáo dục và đào tạo", https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8868, xem ngày 27/03/2025. 

12. Hà Văn (2024), "Việt Nam đề xuất ASEAN-Hoa Kỳ tăng cường hợp tác cùng kiến tạo tương lai", https://baochinhphu.vn/viet-nam-de-xuat-asean-hoa-ky-tang-cuong-hop-tac-cung-kien-tao-tuong-lai-102241011113655891.htm, xem ngày 27/03/2025. 

13. Minh Xuân (2024), "Hoa Kỳ - Việt Nam sẵn sàng hợp tác cả khu vực công và tư nhân", https://www.sggp.org.vn/hoa-ky-viet-nam-san-sang-hop-tac-ca-khu-vuc-cong-va-tu-post771662.html?utm_source=chatgpt.com, đã xem ngày 29/03/2025.