
Hơn 84% học sinh, sinh viên quan tâm tới mức lương và cơ hội việc làm khi tìm hiểu về một ngành nghề
Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập những câu hỏi như "Học ngành này có thất nghiệp không?" hay "Ra trường lương bao nhiêu?", việc lựa chọn ngành học không chỉ là nỗi băn khoăn của học sinh lớp 12 mà còn trở thành mối quan tâm lớn của phụ huynh. Theo khảo sát từ dự án "Đơn giản hóa chuyện ngành" thực hiện cuối năm 2024, có tới 70% học sinh từ 11 đến 16 tuổi từng cảm thấy hoang mang khi nghĩ tới chuyện nghề nghiệp.
Chọn ngành chưa bao giờ là bài toán dễ giải, nhất là khi thông tin trên mạng quá nhiều. Nhiều học sinh chia sẻ: buổi hướng nghiệp ở trường thì đến muộn, nội dung lại chung chung nên nghe xong vẫn… hoang mang như cũ. Không ít sinh viên thậm chí chỉ nhận ra "nghề này không dành cho mình" sau khi đã lỡ bước vào giảng đường đại học.

Nhiều sinh viên vẫn đổi hướng vì học rồi mới thấy "nghề không chọn mình"
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào ngày 26 – 27/6 với khoảng 1,1 triệu thí sinh dự thi. Bên cạnh những điểm mới của quy chế thi, nỗi lo lớn nhất của nhiều thí sinh là làm thế nào để chọn đúng ngành, đúng nghề: vừa phù hợp với năng lực bản thân, vừa đáp ứng nhu cầu nhân sự thực tế sau khi ra trường.
Hiểu được nỗi lo đó, khối Giáo dục FPT tập đoàn FPT đã triển khai dự án "Đơn giản hoá chuyện ngành", một chương trình hướng nghiệp cho học sinh sinh viên Việt Nam qua hình thức podcourse và podcast hướng nghiệp. Nội dung được xây dựng theo tiêu chí: dễ hiểu, thực tế và gần gũi với thế hệ Gen Z. Điểm đặc biệt là mỗi tập podcast đều xoay quanh câu chuyện thực tế của những chuyên gia, giảng viên, người nổi tiếng đang làm việc trong các lĩnh vực hot: từ AI, lập trình, y khoa, truyền thông, kỹ thuật AI, PCCC cho đến MC, tiếp viên hàng không...

Nội dung của dự án được phân phối trên Youtube, Facebook, Instagram, Threads, Spotify, TikTok với hình thức thể hiện gần gũi, tiếp cận sâu rộng tới học sinh lớp 12, phụ huynh và cả người trẻ đang loay hoay trong quá trình chọn lại nghề
Mỗi tập podcast kéo dài khoảng 40 phút, tập trung vào những chia sẻ chân thật từ người trong nghề: từ lần thất bại đầu tiên, những ngã rẽ bất ngờ, đến những góc khuất nghề nghiệp mà ít ai tường tận. Song song đó, podcourse là chuỗi bài giảng ngắn gọn, thực tế, tập trung phân tích sâu những khía cạnh người học quan tâm như: lộ trình học tập, kỹ năng cần có, cơ hội việc làm, tính cách phù hợp, cũng như sự khác biệt giữa công việc thực tế và lý thuyết giảng đường.
Toàn bộ nội dung được phân phối rộng rãi trên các nền tảng quen thuộc với giới trẻ như YouTube, Facebook, Spotify, TikTok, Instagram, Threads… giúp học sinh, sinh viên và cả phụ huynh dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi.

Dự án đóng vai trò như một lớp học hướng nghiệp ngắn hạn, giúp học sinh hình dung ngành nghề một cách rõ ràng, dễ hiểu và trực quan hơn
Đại diện dự án cho biết: "Chúng tôi không kỳ vọng các bạn trẻ chọn được ngành học chỉ sau một video. Nhưng chúng tôi tin rằng, khi có đủ thông tin, các bạn sẽ tự tin hơn để đưa ra lựa chọn phù hợp, bền vững và gắn với chính năng lực, tính cách của mình."
Cũng theo nhóm dự án, đây không chỉ là công cụ hữu ích cho học sinh lớp 12 trong mùa thi, dự án còn là nguồn tài liệu tham khảo sớm cho học sinh cấp 2 và phụ huynh — những người có vai trò định hướng quan trọng trong hành trình chọn nghề, cũng như cho những người trẻ đang tìm kiếm hướng đi mới trong sự nghiệp.
Quang Vũ