
Đứa trẻ lớn lên ngoan ngoãn và biết điều, liệu đã là tốt?
Nếu nói đúng ra thì tôi cũng không có kí ức về khoảng thời gian được ngủ cùng với mẹ như thế nào vì khi tôi mới bắt đầu có ý thức về thế giới xung quanh thì họ đã không còn yêu nữa.
Năm tôi 4 tuổi, bố mẹ ly hôn. Mẹ đi lấy chồng xa. Tôi ở với bố. Ai cũng bảo tôi may mắn vì bố giàu có, nhà cao cửa rộng, học trường quốc tế, ăn ngon mặc đẹp... Về cơ bản, cuộc sống rất đủ đầy.

Bố tôi bận. Rất bận. Có hôm về nhà lúc tôi đã ngủ, sáng dậy ông lại đi sớm hơn cả mặt trời. Người mà tôi ngủ cùng nhiều nhất suốt thời thơ ấu chính là cô Lan – người giúp việc ở cùng nhà.
Cô Lan thì hiền, thương tôi như con, tối nào cũng ôm tôi ngủ, gác tay lên lưng tôi vỗ nhẹ đều đều như cái đồng hồ nhịp tim. Nhưng những đứa trẻ không phải con gà con vịt nên dù nó biết người này thương mình, người kia chăm sóc mình thì người đó vẫn không phải mẹ.
Tôi lớn lên ngoan ngoãn, độc lập và... biết điều. Tôi quen tự lo mọi thứ, ít khi khóc, không thích ai chạm vào người mình. Tôi từng nghĩ mình mạnh mẽ, cho đến khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Chồng tôi trong cuộc hôn nhân ấy chẳng khác gì bố tôi trong cuộc hôn nhân đã tan tành - là người thành đạt và vô hình.

Tôi không đủ kỹ năng để giữ lấy cảm xúc của chính mình, huống hồ là tình yêu của người khác.
Tôi có hai cô con gái. Một bé năm nay 10 tuổi, một bé mới lên 3.
Thật ra tôi không nghĩ mình là người mẹ tốt gì đâu, tôi có xu hướng bù đắp cho con những thứ mình không có được nhưng cuối cùng thì thứ tôi muốn giữ cho con nhất là 1 mái ấm thì lại không làm nổi.
Nhưng chưa từng đêm nào tôi tách hai đứa ra khỏi mình. Tôi vẫn để cả hai ngủ cùng, cho đến khi một hôm bé lớn chủ động nói: "Mẹ ơi, con muốn ngủ riêng để em khỏi bị con đạp."
Vì chúng là những bé gái cần được nuôi dưỡng trong môi trường giàu cảm xúc nên tôi cho chúng lựa chọn thời điểm mà chúng muốn được ngủ riêng, muốn được làm điều gì đó. Tôi luôn cố gắng đưa ra ý kiến và thuyết phục còn lựa chọn là của chúng.
Tôi muốn con mình bước ra khỏi vòng tay mình, một cách tự nhiên và không tổn thương.
2 bạn nhỏ nhà tôi nhạy cảm và biết gọi tên cảm xúc của chính mình, đôi khi chúng còn giúp mẹ gọi tên cảm xúc của bản thân.
Chúng không lựa chọn biết điều như tôi năm ấy, chúng quậy tưng bừng. Chúng không nhìn nét mặt người khác để sống nhưng lại rất nhạy cảm với cảm xúc của người xung quanh.
Chúng giúp tôi nhận ra quá ồn ào hay quá im lặng đều không phải là cách để sống hạnh phúc.

Sự khác biệt trong tính cách của con gái khi ngủ với mẹ và khi ngủ với người giúp việc
1. Cảm giác an toàn cảm xúc
Trẻ ngủ cùng mẹ được tiếp xúc với nguồn yêu thương gốc rễ, hình thành cảm giác an toàn về mặt cảm xúc. Hơi ấm, giọng nói, vòng tay của mẹ không chỉ xoa dịu những bất an mà còn giúp con học cách gắn kết, mở lòng.
Dù người giúp việc có thể yêu thương trẻ thật lòng, trẻ vẫn tiềm thức nhận ra đó không phải người sinh ra mình. Cảm giác “bị thay thế”, thiếu vắng mẹ sẽ âm ỉ tạo ra khoảng trống tinh thần, dễ dẫn đến tính cách độc lập sớm nhưng lạnh lùng, đề phòng, thiếu sự tin tưởng.
2. Khả năng gắn bó và biểu đạt cảm xúc
Sự gắn bó thể chất trong giấc ngủ làm tăng hormone oxytocin (gắn kết, tin tưởng). Trẻ dễ bộc lộ cảm xúc, không sợ thể hiện nỗi buồn, lo lắng, được mẹ an ủi ngay khi cần. Điều này nuôi dưỡng sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc (EQ) cao hơn.
Nếu cứ để trẻ ngủ cùng người giúp việc, trẻ thường có xu hướng “thu mình” khi nhận ra người ở cạnh không thể lắng nghe cảm xúc của mình theo cách mẹ làm. Dần dà, trẻ hình thành lớp vỏ tự bảo vệ: ít nói, ít giãi bày, lớn lên dễ rơi vào trạng thái cô đơn nội tâm.

3. Phát triển lòng tin và ý thức giá trị bản thân
Trẻ được ngủ với mẹ cảm thấy mình quan trọng và được ưu tiên. Điều đó xây dựng lòng tự trọng và nhận định giá trị bản thân: “Mình đáng được yêu thương.” Sự có mặt đều đặn của mẹ trong giấc ngủ như một cam kết thầm lặng: “Mẹ ở đây, vì con quan trọng với mẹ.”
Còn những đứa trẻ thường xuyên ngủ với người giúp việc kể cả là người giúp việc lâu năm trong nhà thì trẻ có thể hình thành niềm tin lệch lạc rằng mình là “người thứ yếu” trong cuộc sống của người lớn. Sự thay thế mẹ bằng một người không phải ruột thịt dễ khiến trẻ đặt câu hỏi về giá trị của bản thân.
Kết luận
Không ai phủ nhận vai trò quý giá của người giúp việc trong việc hỗ trợ chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, ngủ cùng mẹ đặc biệt là trong những năm đầu đời không chỉ là một hành vi sinh hoạt mà là một dạng gắn kết sâu sắc mang tính quyết định đến cảm xúc và tính cách của con trẻ.
Những đứa trẻ được ngủ trong vòng tay mẹ sẽ lớn lên với tâm hồn mềm mại hơn, đầy đủ hơn, và biết yêu thương chính mình nhiều hơn. Và khi chúng sẵn sàng bước ra khỏi vòng tay mẹ và bước vào thế giới tấp nập thì chúng biết rằng mẹ vẫn luôn bên cạnh mình.
Mạn Ngọc