Vừng đen: "Thần dược" giúp tóc bạc hóa đen hay chỉ là lời đồn?

Thứ hai, 26/05/2025 - 11:07

Vừng đen có tác dụng nuôi dưỡng tóc, chống rụng tóc. Nhưng chúng liệu có thể giúp tóc bạc hóa đen hay không?

Sự đa dạng của các sản phẩm chứa vừng đen hay còn gọi là mè đen, trên thị trường đang ngày càng trở nên phổ biến, trở thành lựa chọn thiết yếu với nhiều người quan tâm đến sức khỏe. Đặc biệt, câu nói truyền miệng "ăn vừng đen giúp nuôi dưỡng tóc" khiến không ít người kỳ vọng rằng loại hạt này có thể "đảo ngược tình trạng tóc bạc". Tuy nhiên, thực tế là ăn vừng đen không thể giúp phục hồi tóc đã bạc.

Vừng đen: "Thần dược" giúp tóc bạc hóa đen hay chỉ là lời đồn?- Ảnh 1.

Mặc dù vừng đen có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tóc, nhưng việc tái tạo các tế bào hắc tố đã chết là điều không thể chỉ bằng chế độ ăn.

Màu tóc được quyết định bởi tế bào hắc tố

Theo People, màu tóc do các tế bào hắc tố (melanocyte) trong nang tóc quyết định. Dưới điều kiện bình thường, những tế bào này sản xuất melanin - bao gồm eumelanin và pheomelanin - tạo nên màu tóc như đen, nâu, vàng...

Tuy nhiên, hoạt động của chúng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như di truyền, căng thẳng, lão hóa, bệnh tật và tình trạng dinh dưỡng. Khi các yếu tố này tác động tiêu cực, tế bào hắc tố có thể bị tổn thương, suy yếu hoặc chết đi, dẫn đến tình trạng tóc bạc. Một khi nang tóc ngừng sản xuất melanin, tóc bạc sẽ không thể đảo ngược.

Chính vì thế, chìa khóa để duy trì màu tóc nằm ở khả năng sản xuất melanin của các tế bào hắc tố. Nếu chúng chỉ bị tổn thương nhẹ và chưa chết hẳn, việc bổ sung dinh dưỡng có thể hỗ trợ phần nào quá trình phục hồi. Nhưng nếu các tế bào này đã mất hoàn toàn chức năng thì không loại thực phẩm nào, kể cả vừng đen, có thể giúp phục hồi màu tóc.

Vừng đen: "Thần dược" giúp tóc bạc hóa đen hay chỉ là lời đồn?- Ảnh 2.

Vừng đen không có khả năng giúp tóc bạc hóa đen.

Vừng đen có tác dụng nuôi dưỡng tóc, chống rụng tóc

Dù không thể "hồi sinh" màu tóc đã mất, vừng đen vẫn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho tóc. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, vừng đen chứa lượng lớn protein, axit béo không bão hòa, vitamin E, nhóm vitamin B, cùng các khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, kẽm và đồng.

Trong đó, vitamin E có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp làm chậm quá trình lão hóa nang tóc. Đồng và sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp melanin, trong khi axit béo và protein giúp nuôi dưỡng, cải thiện tình trạng tóc khô, xơ, dễ gãy, ngăn chặn rụng tóc. Nhờ vậy, ăn vừng đen điều độ có thể giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe hơn.

Vừng đen: "Thần dược" giúp tóc bạc hóa đen hay chỉ là lời đồn?- Ảnh 3.

Dù không thể "hồi sinh" màu tóc đã mất, vừng đen vẫn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho tóc.

Khó có thể đảo ngược tóc bạc chỉ bằng ăn uống

Mặc dù vừng đen có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tóc, nhưng việc tái tạo các tế bào hắc tố đã chết là điều không thể chỉ bằng chế độ ăn. Nguyên nhân gây tóc bạc thường rất phức tạp, không thể giải quyết hoàn toàn bằng một loại thực phẩm đơn lẻ. Các yếu tố di truyền và lão hóa vẫn là nguyên nhân chính, khó thay đổi.

Để hạn chế tóc bạc sớm, điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh: Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung cân đối protein, vitamin, khoáng chất. Bên cạnh đó nên hạn chế các tác nhân gây hại như nhuộm tóc thường xuyên, tiếp xúc ánh nắng mạnh, hay hành động kéo tóc. Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và tránh thức khuya cũng là những yếu tố quan trọng để duy trì mái tóc chắc khỏe.

Trong những trường hợp tóc bạc sớm không rõ nguyên nhân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và xử lý phù hợp.

(Ảnh minh họa: Internet)

(Nguồn: Health, People)

Thùy Linh