Vì sao tỉnh Yên Bái đưa “chỉ số hạnh phúc” vào chủ đề Đại hội?

Thời sự, Xã hội | 09:10:00 26/09/2020

TNV - Theo tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, căn cứ để Yên Bái đưa “chỉ số hạnh phúc” vào chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xuất phát từ cụm từ “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” ở Quốc huy của đất nước, hơn nữa nhớ lời Bác Hồ đã từng căn dặn và mong muốn “Dân tộc thì được ĐỘC LẬP, dân quyền thì được TỰ DO, dân sinh thì được HẠNH PHÚC”, nên tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn đưa “chỉ số hạnh phúc” vào chủ đề Đại hội và đã được Bộ Chính trị nhất trí ủng hộ.

“Có thể nói“chỉ số hạnh phúc” là điểm rất mới trong chiến lược phát triển của tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ tới, chưa có địa phương nào trong cả nước đưa ra bàn và triển khai thực hiện. Nhưng tỉnh Yên Bái sẽ làm và vừa làm vừa tìm tòi, bổ sung, xây dựng cho hoàn thiện” – ông Đỗ Đức Duy nói thêm.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng 02 tân Phó Bí thư Tỉnh ủy Tạ Văn Long, Trần Huy Tuấn
và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tuấn chủ trì họp báo - ảnh: Báo Yên Bái.

Trước đó, trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/09/2020, ông Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái) cho biết: “Chỉ số hạnh phúc” là một cách đo lường giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tạm thời tỉnh Yên Bái vận dụng các tiêu chí đánh giá hạnh phúc và cách tính chỉ số hạnh phúc của tổ chức NEF - tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh.

Bà Lợi, xã Thượng Bằng La phấn khởi được mùa cam - ảnh: P. Quỳnh

“Chỉ số hạnh phúc” của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống (bao gồm: (1) sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; (2) về mối quan hệ với gia đình và xã hội; (3) về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; (4) sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (bao gồm ở 3 mức: 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi) và sự hài lòng về môi trường sống (bao gồm: (1) sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; (2) việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; (3) việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh) – ông Tuấn nêu rõ.

Chị Phượng xã Nghĩa An đón tiếp khách nước ngoài về Homesay - ảnh: P. Quỳnh

Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái chia sẻ, để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về “chỉ số hạnh phúc” của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%; tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại:có 41,6% đánh giá tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân Yên Bái là 70 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất); tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%. Bằng công thức tính chỉ số hạnh phúc dựa trên 3 tiêu chí:

Thì chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái hiện tại là: 53,3%, ở mức Khá hạnh phúc mức 1.

 Người dân xã Đại Minh thu nhập cao nhờ trồng bưởi quý Đại Minh - ảnh: P. Quỳnh

Cũng theo ông Tuấn, Khá hạnh phúc gồm 2 mức: mức 1 (từ 50-60%), mức 2 (từ 61-70%); Hạnh phúc gồm 3 mức: mức 1 (từ 71-80%); mức 2 (từ 81-90%); mức 3 (từ 91-100%). Còn dưới 50% xếp vào mức độ Chưa hạnh phúc. Đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu tăng chỉ số hạnh phúc thêm 15% so với năm 2020, như vậy sẽ đạt Khá hạnh phúc mức 2. Các nhiệm kỳ sau sẽ phấn đấu lên các mức Hạnh phúc cao hơn.

Niềm vui của người dân trồng dâu nuôi tằm xã Tân Đồng - ảnh: P. Quỳnh

Làm rõ về phương hướng chiến lược phát triển “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”, ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Bởi vì Yên Bái có lợi thế về tài nguyên đất, tài nguyên rừng, nên ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, Yên Bái còn mang trọng trách phát triển xanh cho cả khu vực, mang trọng trách bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, giữ gìn nguồn nước, ô xy không chỉ cho Yên Bái mà cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội.

 Vườn bưởi trĩu quả, nồng nàn hương thơm của gia đình anh Đường ở thị trấn Nông trường Trần Phú - ảnh: P. Quỳnh

Còn “hài hòa” ở đây là hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Do vậy, Yên Bái không đặt mục tiêu tẳng trưởng bằng mọi giá, ví dụ như Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú thì sắp tới chúng tôi sẽ chú trọng vào khai thác chế biến sâu, để tiết kiệm đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Về “bản sắc” thì Yên Bái có hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống, nhiều dân tộc có văn hóa rất đặc sắc nhất là những cộng đồng chiếm số đông như: dân tộc Tày, dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái.

Nhờ bảo tồn kiến trúc nhà sàn và văn hóa ẩm thực đồng bào Thái, xã Nghĩa Lợi đã trở thành
điểm sáng phát triển du lịch cộng đồng - ảnh: P. Quỳnh

“Chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề là tới Yên Bái coi như là tới Tây Bắc, phát triển của Yên Bái phải gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Những năm gần đây, Yên Bái phát triển mạnh mẽ du lịch như các bạn thấy, nhưng đi từ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Chúng tôi đã trình Unesco vinh danh nghệ thuật xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo tiến trình thì 2021 Unesco sẽ xem xét. Hay là đưa các lễ hội văn hóa vào các tour, tuyến, điểm du lịch. Tới đây, chúng tôi sẽ đưa ra bộ chỉ tiêu về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…, ông Duy nói.

Bữa cơm no đủ, sạch sẽ của học sinh bán trú xã Làng Nhì - ảnh: P. Quỳnh

Tân Bí thư Đỗ Đức Duy xúc động cho hay, thực hiện Di nguyện của Bác Hồ trong lần đầu tiên và cũng là duy nhất Bác về thăm Yên Bái, khi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái vào ngày 25/08/1958, Bác đã bày tỏ mong muốn “ Yên Bái trở thành tỉnh khá vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Cho nên các nhiệm kỳ trước tỉnh Yên Bái đã đưa vào Nghị quyết Đại hội mục tiêu là “phấn đấu đưa Yên Bải trở thành tỉnh phát triển khá vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, nhưng nhiệm kỳ này (2020 – 2025) tỉnh Yên Bái khẳng định “quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”./.

Nuôi ba ba gai cho hiệu quả kinh tế cao – thành quả của nông dân huyện Văn Chấn - ảnh: P. Quỳnh

Bà con xã Sơn A tưng bừng mùa lễ hội - ảnh: P. Quỳnh

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam