Hòa Liên ngày mới

Kinh tế | 01:40:38 03/05/2017

Với 34 dự án đã và đang triển khai, 2.802 hộ, 7.806 nhân khẩu (khoảng 2/3 dân số địa phương) liên quan đến giải tỏa bàn giao mặt bằng, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)- nơi mảnh đất anh hùng trong kháng chiến, nay là đại công trường sôi động, các khu đô thị mới lần lượt ra đời.

images1362069_Thu_hoach_tom
Thu hoạch tôm ở Trường Định. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, không nơi đâu diễn ra công cuộc dựng xây sôi động như Hòa Liên. Trong phạm vi hàng nghìn héc-ta, khu vực nào cũng có dự án rầm rộ thi công. Đường Nguyễn Tất Thành nối dài, kênh thoát lũ, khu công nghệ cao, các khu tái định cư… tạo tầm vóc mới cho xã miền núi này. Đến nay, khoảng 70% dân số của xã đã cư ngụ trong các khu đô thị khang trang, bề thế. Với hàng loạt dự án triển khai, nhất là dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài, chẳng bao lâu nữa Hòa Liên sẽ là khu đô thị lớn ở phía tây bắc Đà Nẵng.

Song, so với năm 2004, đất canh tác ở Hòa Liên hiện giảm hơn một nửa, từ 572ha chỉ còn 270ha. Đô thị hóa trên phạm vi rộng, hệ thống kênh mương bị san lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới tiêu diện tích còn lại. Tuy vậy, nhờ chú trọng thâm canh, đưa các giống lúa mới vào gieo sạ, năng suất lúa không ngừng cải thiện. Vụ đông xuân vừa qua, toàn xã canh tác 270ha, năng suất đạt cao nhất kể từ trước đến nay: 61,4 tạ/ha.

Với phương châm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Liên chủ trương xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, tạo nên những loại nông sản chủ lực có tính bền vững. Sau mấy năm triển khai, đến nay có thể khẳng định chủ trương này mang lại kết quả hơn cả sự mong đợi của người dân địa phương.

Dưa hấu hắc mỹ nhân là một trong những loại nông sản tạo nên vị thế hơn hẳn cho Hòa Liên trong phát triển nông nghiệp. Từ 2 hộ ông Lê Tấn Thanh, Phạm Văn Minh (ở thôn Trường Định) mạnh dạn đưa loại cây này về trồng trên đất lúa không chủ động nước vào năm 2013, đến nay, vùng dưa hấu của xã đã mở rộng lên 15,6ha với 46 hộ canh tác.

Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Liên phấn khởi cho biết: “Diện tích sản xuất dưa tăng lên từng năm và chắc chắn chưa dừng ở con số 15,6ha như vụ vừa qua. Sắp tới, sẽ có nhiều hộ chuyển đổi đất lúa sang trồng loại cây này.

Năng suất bình quân 1,3 tấn/sào (26 tấn/ha), thương lái mua ngay tại ruộng với giá 5.500-6.000 đồng/kg, thu nhập từ dưa gấp hàng chục lần canh tác lúa”. Là người tiên phong đưa dưa hấu hắc mỹ nhân về trồng cách đây 4 năm, ông Phạm Văn Minh, hiện trồng 8 sào dưa cho biết: “Có lẽ do thổ nhưỡng, nên dưa ở Trường Định rất ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Chỉ sản xuất 8 sào, vụ nào gia đình cũng thu hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 40 triệu đồng”.

Từ nhiều năm nay, nói về nuôi tôm nước lợ ở Hòa Vang, người ta nghĩ ngay đến thôn Trường Định (xã Hòa Liên) vì đây là nơi duy nhất ở Đà Nẵng nuôi loài thủy sản này. Từ dăm bảy hec-ta của hơn 10 hộ nuôi tự phát theo lối quản canh cách đây hơn 20 năm, đến nay vùng tôm Trường Định đã mở rộng lên 18ha với 33 hộ nuôi thâm canh.

Không ít gia đình giàu lên khá nhanh từ nuôi tôm. Vụ 1 năm 2017, mới 2/3 hộ thu hoạch, sản lượng hơn 41 tấn, trị giá 4,6 tỷ đồng. Điển hình phải kể đến các hộ ông Mai Phước Chín, thu 1,4 tỷ đồng trên phạm vi 1,2ha hồ nuôi; hộ ông Hồ Quý Công, thu 900 triệu đồng trên 8 sào ao tôm.

Nói về các hoạt động kinh tế của địa phương, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: “Hòa Liên đang hướng đến sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi bảo đảm tính ổn định bền vững. Hai vùng sản xuất chuyên canh dưa hấu hắc mỹ nhân và tôm nước lợ ở Trường Định đã khẳng định được ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế. Với vùng tôm, để nâng cao năng suất, sản lượng hơn nữa, xã đang kiến nghị huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng thành vùng nuôi tôm công nghiệp quy mô trên 30ha. Còn với dưa hấu hắc mỹ nhân, tiếp tục mở rộng diện tích không chỉ ở Trường Định mà tại các thôn khác.

Ngoài hai loại nông sản nói trên, quả vú sữa cũng đã tạo dấu ấn đậm nét trên thị trường. Trong khi vú sữa chở từ miền Nam ra tại chợ có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, vú sữa của Hòa Liên được tư thương mua tại vườn với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Theo họ, vú sữa Hòa Liên có giá trị rất đặc biệt, không chỉ thơm ngon đặc trưng mà là sản phẩm sạch, tuyệt đối an toàn. Thời gian tới, Hòa Liên vừa đẩy mạnh sản xuất 3 loại nông sản nêu trên, vừa xây dựng thương hiệu để tạo bước đột phá có tính kích cầu trong sản xuất nông sản chất lượng cao, thu hút nhiều nông hộ cùng tham gia.

Theo Báo Đà Nẵng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam