Trạm Tấu: Sức lan tỏa của phong trào “Kho thóc khuyến học”

Giáo dục | 07:45:00 05/09/2017

TNV - Từ năm 2012 trở lại đây, ngày 5/9 hàng năm không chỉ là ngày hội đến trường mà còn là ngày hội tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học” đối với đồng bào 11 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống trên mảnh đất vùng cao Trạm Tấu.

Học sinh chuyên cần tăng lên, nâng cao chất lượng giáo dục

Với trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 77%, tỉ lệ hộ nghèo còn cao (68,7%); địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao, suối sâu, dân cư phân bố rải rác, giao thông đi lại khó khăn. Do vậy, Trạm Tấu là một trong 2 huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái và nằm trong số 64 huyện nghèo nhất cả nước.

Những năm trước đây sự nghiệp trồng người của huyện gặp rất nhiều khó khăn; trường học ở các xã vùng cao của huyện thực hiện theo mô hình bán trú dân nuôi, học sinh đi học phải mang gạo đến trường tự nấu ăn theo nhóm dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy cô giáo. Khi có Đề án của tỉnh và Quyết định của Chính phủ về phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, đầu năm học 2016 – 2017 huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi 10 trường bán trú dân nuôi ở 10 xã vùng cao khó khăn sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Từ đây, nhiều học sinh đã được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ, qua đó đã góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục đã có chuyển biến tích cực.

Bà con các dân tộc nô nức mang thóc và tham gia ủng hộ. Ảnh: PGD.

Tuy nhiên, bên cạnh những học sinh được hưởng chế độ bán trú thì vẫn còn nhiều học sinh do không đủ các điều kiện theo quy định của Nhà nước nên không được hưởng chế độ, trong đó có nhiều những học sinh thuộc diện con hộ nghèo, cho nên tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần chưa cao, do các em phải ở nhà trông em và lên nương phụ giúp gia đình lại phần lớn rơi vào nhóm học sinh này.

Để giúp các em học sinh không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước giảm bớt những khó khăn, yên tâm đến lớp học hành, đồng thời nâng cao hơn nữa tỉ lệ đi học chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm học 2011- 2012, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu, xã Pá Hu và xã Trạm Tấu đã thí điểm phát động phong trào đóng góp xây dựng “Kho thóc khuyến học” để nấu bữa trưa cho các cháu học sinh không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn cả hai xã.

[Bà con các dân tộc nô nức mang thóc và tham gia ủng hộ. Ảnh: PGD.

Ngay trong lần đầu kêu gọi, gần 60% số hộ dân và 100% cán bộ công chức, viên chức, các thầy cô giáo, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị đóng quân trền địa bàn hai xã Trạm Tấu và Pá Hu đã phấn khởi tham gia vận động, ủng hộ được trên 7.000 kg thóc. Ông Giàng A Lồng (Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu) xúc động nhớ lại.

Về hình thức và mức độ đóng góp tùy vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình, còn đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức đóng góp khoảng từ 15 kg thóc trở lên. Số thóc này được UBND xã quản lý và cấp phát hỗ trợ cho học sinh theo đề nghị của nhà trường để tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu Phạm Mạnh Tưởng vui mừng tiết lộ, từ khi có “Kho thóc khuyến học” tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên đáng kể, bậc Mầm non đạt 96,3%, bậc Tiểu học đạt 94,7%, bậc THCS 91%, so với trước đây tỉ lệ chuyên cần bậc Mầm non chỉ đạt gần 90%, bậc Tiểu học 89,3%, bậc THCS đạt 83,7%. Vì vậy mà chất lượng giáo dục của huyện cũng được nâng lên rõ rệt; đối với bậc học Mầm non tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,7%, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,3% so với năm học 2012-2013; đối với bậc Tiểu học số học sinh xếp loại hoàn thành về phẩm chất đạo đức  đạt 99,05% tăng 0,5%, học sinh hoàn thành về năng lực đạt 98,2% tăng 0,4% so với năm học 2012-2013. Trong năm học 2016-2017, có 15 học sinh Tiểu học tham gia các cuộc thi giải toán trên mạng Internet cấp tỉnh, cấp bộ đạt giải; gồm 03 giải nhì, 04 giải ba, 08 giải khuyến khích và 01 em đạt giải Huy chương đồng cấp Bộ so với những năm học trước không có.

 

Các vị đại biểu phấn khởi tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học”. Ảnh: PGD

Đối với bậc THCS: Tỷ lệ học sinh giỏi tăng 1,44%, khá tăng 9%, trung bình giảm 8,7% so với năm học 2012-2013. Chất lượng học sinh mũi nhọn cũng tăng lên, số học sinh giỏi các cấp tăng lên đáng kể; năm học 2012-2013 chỉ có 19 giải học sinh giỏi cấp huyện, 3 giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng đến năm học 2016-2017 đã có 38 giải cấp huyện, 6 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 1 giải nhì, 4 giải ba, 1 giải khuyến khích). Nhiều học sinh tham gia các cuộc thi trên trường học kết nối đạt giải cấp tỉnh, cấp bộ; như cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn và giải quyết các vấn đề thực tiễn  dành cho học sinh THCS có 7 giải cấp tỉnh, 5 giải cấp bộ. Đưa chất lượng giáo dục của huyện năm học 2016-2017 tăng lên 1 bậc (xếp thứ 8 toàn tỉnh) so với năm học 2012-2013. Ông Tưởng phấn khởi cho biết thêm.

Tiếp sức cho hàng ngàn lượt học sinh khó khăn và tu bổ các điểm trường

Theo Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào, nhận thấy hiệu quả thiết thực của việc làm này, từ năm học 2012 - 2013 Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phát động đại trà trên toàn bộ các xã, thị trấn còn lại và đều nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, công chức, viên chức cũng như đông đảo bà con nhân dân đang sinh sống trên địa bàn.

Từ đó, cứ vào dịp khai giảng năm học mới hàng năm, Hội Khuyến học huyện lại tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành công văn kêu gọi, vận động đóng góp xây dựng “Kho thóc khuyến học” đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, phong trào đóng góp xây dựng “Kho thóc khuyến học” đã được duy trì có hiệu quả từ năm học 2011 - 2012 cho đến nay với những con số rất khả quan: Năm học 2012 - 2013, vận động, ủng hộ được 19.002 kg thóc và 162.591.000 đồng tiền mặt; năm học 2013 - 2014, vận động, ủng hộ được 6.727 kg thóc và 259.961.600 đồng tiền mặt; năm học 2014 - 2015, vận động, ủng hộ được 2.372 kg thóc và 190.525.000 đồng tiền mặt; năm học 2015-2016, vận động, ủng hộ được 13.950.000 đồng tiền mặt; năm học 2016 - 2017, vận đọng, ủng hộ được 189.108.000 đồng tiền mặt.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDT nội trú và THCS huyện Trạm Tấu ủng hộ
“Kho thóc khuyến học” trong ngày Khai giảng năm học mới. Ảnh: PGD.

Tất cả số thóc, tiền mặt được bà con nhân dân và các tổ chức, cá nhân ủng hộ vào “Kho thóc khuyến học” hàng năm đều được Hội Khuyến học huyện, xã ghi chép đầy đủ và giao cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý để hỗ trợ cho các em học sinh còn khó khăn về kinh tế mà không được hưởng trợ cấp của Nhà nước khi có đề xuất của các đơn vị nhà trường: như hỗ trợ các cháu học sinh mầm non dưới 3 tuổi không được hưởng chế độ theo Quyết định số 60/2011/QĐ -TTg ngày 26/10/2011 của Chính phủ; hỗ trợ các học sinh khó khăn bậc Tiểu học và THCS không được hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ khen thưởng cho các cháu học sinh khá, giỏi vượt khó vươn lên...

Năm học 2012 - 2013, “Kho thóc khuyến học” của toàn huyện đã hỗ trợ hơn 114 triệu đồng và 18.209 kg thóc cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng chế độ và khen thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc; đồng thời hỗ trợ cho 5 điểm trường tu sửa cơ sở vật chất. Năm học 2013-2014, hỗ trợ cho 700 học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng chế độ và khen thưởng cho trên 100 học sinh.

Các năm học 2014-2015, 2015-2016 hỗ trợ trên 575 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tu sửa cơ sở vật chất ở 01 điểm trường. Năm học 2016 - 2017, hỗ trợ trên 300 học sinh với tổng số tiền gần 100 triệu đồng, khen thưởng gần 500 học sinh xuất sắc, nhà nghèo vượt khó trong học tập và hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất được 2 điểm trường.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Bản Công ủng hộ
“Kho thóc khuyến học” trong ngày Khai giảng năm học mới. Ảnh: TBC.

Một số xã tiêu biểu trong phong trào dựng “Kho thóc khuyến học” đã hỗ trợ liên tục, hiệu quả cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn bữa trưa trong suốt 05 năm học vừa qua như các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ; xã Hát Lừu và Thị trấn đã hỗ trợ khen thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong các năm học; xã Phình Hồ đã trích từ “Kho thóc khuyến học” hỗ trợ điểm trường lẻ Chí Lư, Ga Phua của trường mầm non Hoa Mai mua sắm chăn, chiếu và đồ dùng nấu ăn cho học sinh, xã Trạm Tấu hỗ trợ cho trường mầm non Hoa Ban kéo dây điện ở điểm trường Tấu Dưới cải thiện đời sống sinh hoạt cho các cháu.

Ngày hội đến trường - ngày hội tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học”

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ cho các cháu mầm non 6.000 đ/bữa/ngày, các cháu tiểu học và THCS là 10.000 đ/ngày thì nguồn lực hỗ trợ này cũng chỉ đáp ứng được cho các cháu từ 3 – 4 tháng/năm học, còn lại thì gia đình phải tự túc, hoặc nhà trường tự lo liệu - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, ông Nguyễn Văn xa trăn trở?!

Ngoài khoản góp gạo và củi của phụ huynh, trong năm học 2015 – 2016, Trường mầm non xã Bản Công được hỗ trợ 12 triệu đồng (lấy từ “Kho thóc khuyến học” của xã) lo cho 25 cháu không có chế độ, nhà trường co kéo mãi cũng chỉ đủ mua thức ăn cho các cháu được hơn 3 tháng; năm học 2016 – 2017, nhà trường được “Kho thóc khuyến học” xã hỗ trợ 10 triệu đồng lo cho 18 cháu không có chế độ, do dè sẻn chi tiêu nên mới đủ chi tiền thức ăn cho các cháu từ tháng 12/2016 cho đến kết thúc năm học - cô Trần Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng) nói.

Học sinh gia đình kinh tế khá giả cũng hăng hái tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học”. Ảnh: PGD.

Thầy Nguyễn Đăng Vinh (Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Bản Công) chia sẻ: Năm học 2016 – 2017 vừa qua, nhà trường được “Kho thóc khuyến học” xã hỗ trợ hơn 14,5 triệu đồng, với định mức 2 lạng gạo/cháu/bữa/ngày thì chỉ đủ hỗ trợ tiền gạo cho 81 cháu không có chế độ được ăn trưa miễn phí trong thời gian hơn 3 tháng, còn thức ăn thì do 530 bạn có chế độ san xẻ; 6 tháng còn lại thì phần lớn các cháu lại phải về nhà ăn trưa, nhưng vẫn còn khoảng 30 cháu ở lại trường ăn “ké” với các bạn có chế độ.

Tuy khó khăn là vậy, song theo thầy Vinh và cô Vân, nhờ có Kho thóc khuyến học hỗ trợ nên số lượng các cháu đến lớp chuyên cần hơn (tăng khoảng 20% đối với cả bậc Mầm non và Tiểu học, THCS; tỉ lệ đi học chuyên cần đạt từ 93 – 95%), kết quả học tập được nâng lên rõ rệt (tỉ lệ lên lớp đạt trên 95% so với trước là 85 – 90%; giảm đáng kể tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, năm học 2016 – 2017 không còn tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”).

Nhờ “Kho thóc khuyến học” các cháu con hộ nghèo có bữa trưa ngon miệng,
yên tâm học hành. Ảnh: TBC.

Được biết, trong dịp khai giảng năm học mới 2017 – 2018 này, UBND huyện Trạm Tấu đã triển khai công văn vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học” 01 ngày lương, còn đối với bà con nhân dân ở 12/12 xã, thị trấn trong huyện thì phát động theo tinh thần tự nguyện; dự kiến “Kho thóc khuyến học” của các xã trong huyện sẽ thu hút được từ 50 – 60% số hộ dân, 100%  cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn toàn huyện tham gia ủng hộ.

 Từ năm 2012 trở lại đây, ngày 5/9 hàng năm không chỉ là ngày hội đến trường mà còn là ngày hội tham gia ủng hộ “Kho thóc khuyến học” đối với đồng bào 11 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống trên mảnh đất vùng cao Trạm Tấu./.

Nhờ “Kho thóc khuyến học” các cháu con hộ nghèo có bữa trưa ngon miệng,
yên tâm học hành. Ảnh: TBC.Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Bản Công tặng đồ dùng học tập
cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TBC.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam