9X điển trai và tình yêu với âm nhạc truyền thống

Giải trí, Văn hóa | 15:09:03 15/12/2017

TNV - Âm nhạc dân gian là một tài sản trí tuệ quý giá, là kết quả sáng tạo được kết tinh từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong suốt chiều dài lịch sử, cho đến nay, âm nhạc dân gian vẫn là một phần không thể thiếu trong mỗi người con đất Việt. “Tình yêu dân ca như dòng máu chảy trong người”- đó cũng chính là tình cảm của Nguyễn Nam Giang- một gương mặt trẻ theo đuổi dòng nhạc dân gian truyền thống.

Nguyễn Nam Giang hiện tại đang theo học chuyên ngành Thanh nhạc hệ trung cấp trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tuy còn rất trẻ nhưng 9X điển trai đã mang về những thành tích đáng nể như Giải A Cuộc thi hát ru, hát dân ca thành phố Vinh; giải xuất sắc toàn đoàn cuộc thi “Hát ru, hát dân ca và nhạc cổ truyền toàn quân”. PV Thanh niên Việt đã có cuộc trò chuyện với Nam Giang để nghe những chia sẻ của chàng trai trẻ trong việc giữ gìn và phát huy tài sản trí tuệ âm nhạc dân gian Việt Nam.

A1 Nguyễn Nam Giang- 9X điển trai nặng tình với dòng nhạc dân gian

PV: Tại sao em lại chọn theo đuổi loại hình nghệ thuật dân gian mà cụ thể là các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền?

Em chọn dòng nhạc dân gian để theo đuổi đơn giản vì em thích và em đam mê. Em yêu những làn điệu ví dặm, hát ru của quê hương. Em theo đuổi vì đó là nguồn cội gốc gác của mình.

PV: Niềm đam mê của em với các làn điệu dân ca bắt nguồn từ đâu?

Niềm đam mê với những làn điệu dân ca của em bắt nguồn từ lời ru của bà, của mẹ. Từ những bài dạy về quê hương đất nước của thầy cô giáo, từ tiếng hát của những NSND,...và tình yêu dân ca như dòng máy chảy trong người em rồi.

PV: Việc theo đuổi dòng nhạc truyền thống với các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền ảnh hưởng đến tính cách, con người em như thế nào?

Việc theo đuổi dòng nhạc truyền thống ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của em. Em trưởng thành hơn rất nhiều về suy nghĩ. Em cảm thấy tự hào về quê hương đất nước mình, thêm yêu cuộc sống dân dã, mộc mạc hơn. Em biết cảm nhận về cuộc sống theo nhiều khía cạnh, đặt mình vào vị trí của người khác hơn.

PV: Theo em, cái hay của âm nhạc dân gian so với các thể loại âm nhạc khác nằm ở chỗ nào?

Theo em, cái hay của âm nhạc dân gian so với các dòng nhạc khác là lúc giai điệu của âm nhạc dân gian vang lên mình biết ngay đó là đặc trưng của vùng miền nào, đất nước nào. Âm nhạc dân gian là phần hồn, là khí phách của dân tộc, là nguồn cội của ông cha ta. Đó là cái cốt lõi mà không phải dòng nhạc nào cũng có thể truyền tải hết được.

PV: Em có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về việc giới trẻ gìn giữ và phát huy âm nhạc dân gian Việt Nam?

Theo em nhận thấy, giới trẻ ngày nay có lối sống phóng khoáng hơn, đổi mới hiện đại hơn, vì thế âm nhạc mà các bạn trẻ chủ yếu nghe là âm nhạc thị trường có tiết tấu giai điệu sôi động, tươi trẻ. Tuy nhiên, không vì thế mà các bạn quay lưng đi với âm nhạc dân tộc. Vẫn có những bạn trẻ luôn say mê tìm tòi những làn điệu dân ca cổ, rồi cũng có những người trẻ đã táo bạo cách tân, làm mới những làn điệu cổ đó để âm nhạc dân gian có thể đến gần hơn với các bạn trẻ.. Một số bạn trẻ chưa thích âm nhạc dân tộc là bởi vì các bạn chưa được tiếp xúc và biết được cái độc đáo và thú vị của âm nhạc dân tộc. Vì thế chúng ta cần phải đưa các bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc để các bạn có thể hiểu hơn về nguồn cội gốc gác của mình.

PV: Em có cho rằng việc xuất hiện của quá nhiều các bài hát nhạc trẻ sôi động và sự ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài khiến các làn điệu dân ca dần bị mai một?

Xu hướng sính nhạc Tây nhạc Hàn của các bạn trẻ bây giờ đang là một báo động đỏ cho sự mai một của âm nhạc dân tộc. Em nghĩ nếu chúng ta không có những giải pháp thì trong tương lai có thể âm nhạc dân tộc sẽ không mất đi nhưng sẽ bị mai một và lãng quên. Chúng ta không cấm các bạn trẻ nghe nhạc thị trường sôi động được, chúng ta cũng không thể ép các bạn phải nghe và học nhạc dân gian. Tuy nhiên, ta có thể đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ. Nếu không muốn âm nhạc dân tộc bị mai một thì chỉ có cách lan tỏa sâu rộng trong giới trẻ ngày nay vì đó là những người nắm giữ vận mệnh đất nước. Phải khiến cho người trẻ yêu, từ đó họ nhận ra được cái tinh tuý trong âm nhạc dân tộc.

PV: Hiện nay, một số các tác phẩm âm nhạc dân gian đã bị cải biên, thay đổi nội dung hoặc nhạc đệm. Em nghĩ sao về vấn đề này?

Em nghĩ việc cải biên, thay đổi nội dung hay làm mới những tác phẩm âm nhạc dân tộc là một trong những giải pháp có hiệu quả để đưa âm nhạc dân tộc đến với các bạn trẻ. Bởi vì ngôn ngữ cổ xưa với ngầm ý sâu xa các bạn trẻ không thể hiểu hết được, nên cải biên để các bạn dễ hiểu và dễ cảm thụ hơn là một điều rất tốt. Miễn rằng cải biên làm mới nhưng vẫn giữ được phần hồn, phần ý nghĩ sâu xa trong tác phẩm là được.

PV: Em thấy vấn đề bảo tồn và phát huy tài sản trí tuệ địa phương, trong đó có các tài sản trí tuệ là âm nhạc dân gian hiện nay như thế nào?

Là một người trẻ, hơn nữa lại đi theo dòng nhạc dân gian nên em rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những tài sản trí tuệ và đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Em thấy vấn đề bảo tồn và phát huy các tài sản trí tuệ đặc biệt là âm nhạc dân gian ở địa phương em khá tốt và hiệu quả. Địa phương cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hoá. Tiêu biểu như việc thành lập các câu lạc bộ dân ca và mời mọi người đăng kí tham gia.

PV: Em đã và đang làm gì để bảo vệ và phát huy những tài sản trí tuệ đó của dân tộc?

Bản thân em cũng đang rất cố gắng làm tốt trách nhiệm bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian. Em tìm tòi và tập những làn điệu dân ca cổ, tham gia những câu lạc bộ dân ca, tham gia đi diễn cùng những nghệ nhân, nghệ sỹ nhân dân để mình có thêm vốn về âm nhạc dân gian và nhiệt tình tham gia những hoạt động ngoại khoá, tuyên truyền về âm nhạc dân gian cho các bạn trẻ...

A2 Nam Giang luôn không ngừng nỗ lực để gìn giữ và phát huy những làn điệu âm nhạc dân gian Việt Nam

PV: Với tư cách một người trẻ đang theo đuổi âm nhạc truyền thống, em có đề xuất gì cho việc nâng cao nhận thức của thanh niên trong vấn đề bảo vệ và gìn giữ tài sản trí tuệ địa phương?

Em mong  các bạn hãy thử một lần nghe những làn điệu dân ca của dân tộc. Đó chính là những lời ru mà mẹ, bà của chúng ta ru ta ngày nhỏ. Giai điệu mộc mạc giản dị nhưng đó là cái linh hồn của đất nước, dân tộc Việt Nam mình, đó là nguồn cội, tổ tiên của chúng ta. Hội Sinh viên Việt Nam cũng nên tổ chức các chương trình để tuyên truyền lan tỏa những di sản văn hoá dân tộc. Các tổ chức nhà nước cần đẩy mạnh giáo dục cho học sinh sinh viên hiểu sâu rộng hơn về những giá trị tinh tuý của những di sản văn hoá dân tộc...Tuy nhiên, cái quan trọng nhất vẫn là ý thức xây dựng, nâng cao của các bạn trẻ về việc giữ gìn và phát huy tài sản trí tuệ của dân tộc.

PV: Thời gian qua cộng đồng mạng phát sốt vì ca khúc “Về xứ Nghệ cùng anh” do em biểu diễn. Em có điều gì muốn chia sẻ về bài hát này và bật mí về những dự định tiếp theo?

“Về xứ Nghệ cùng anh” đến với em như một cơ duyên. Đây là bài hát của thầy Xuân Hoà là thầy giáo của em từ nhỏ và lời thơ của nhà thơ Phương Thảo là mẹ nuôi của em bây giờ. Điều đặc biệt mà em thích để em có thể thả hồn vào bài hát đó là ca từ mộc mạc gần gũi, giai điệu mềm mại cuốn hút. Đặc biệt hơn, bài hát được phổ nhạc từ thơ của một người phụ nữ quê gốc ở Hà Nội nhưng nặng tình với quê hương xứ Nghệ nắng gió đó chính là nhà thơ Phương Thảo. Em rất may mắn là người trẻ tuổi nhất hát thành công bài hát này, được rất nhiều người yêu mến và biết đến. Sắp tới sẽ có một điều bất ngờ về bài hát này. Các bạn chờ đón nhé.

Cảm ơn Nam Giang về cuộc trò chuyện.Chúc em luôn giữ vững tình yêu với nền âm nhạc truyền thống.

Vĩnh Hà

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam