Nghệ sỹ nhiếp ảnh luôn gắn bó với vùng cao và hướng về biển đảo

Giải trí, Văn hóa | 16:07:24 12/07/2018

TNV - Là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đầu năm nay (tháng 1-2018), ông Đỗ Khánh Vân có dịp cùng Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đến với quần đảo Trường Sa. Xác định đây là cơ hội hiếm hoi có một không hai trong đời và ở độ tuổi 64 lần đầu tiên được ra đảo, nên ông đã chuẩn bị các thiết bị máy móc thật chu đáo để tác nghiệp, đặc biệt là rèn luyện tinh thần, sức khỏe, nhất là tập luyện những động tác để chống say sóng biển…

Với gần 30 năm “bấm máy” chuyên nghiệp, bản lĩnh của người cựu chiến binh, ông rất tự tin để chụp được những bức ảnh giá trị về nội dung mang tính chân thực về hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” ngoài biển đảo và nét đẹp về nghệ thuật ảnh. Trong thời gian hơn 20 ngày đêm vượt sóng gió, thời tiết rét đậm, sóng to, biển động… ông đã đặt chân lên đảo.

A1

Tới quần đảo Trường Sa, nhiếp ảnh Đỗ Khánh Vân cùng Đoàn công tác đã đi  990 hải lý, đến được 12 điểm đảo và chụp được vài trăm bức ảnh. Các bức ảnh đều ghi lại chân thực và sống động những cảnh đẹp về thiên nhiên ở biển và quần đảo Trường Sa. Giá trị hơn cả là những bức ảnh đã nói lên đời sống sinh hoạt, sự chịu đựng gian khó, tinh thần hy sinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sỹ hải quân, bộ đội nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Triển lãm ảnh được mang tên  “Không xa đâu Trường Sa ơi”là thành quả mà nhiếp ảnh Đỗ Khánh Vân gặt hái được sau chuyến đi Trường Sa thú vị và tự hào ấy. Trong số 75 bức ảnh được chọn ra từ hàng trăm bức ảnh để triển lãm vừa qua (ngày 28-4-2018), tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) về chủ đề biển đảo của Tổ quốc do ông sáng tác; mỗi bức đều có giá trị riêng biệt, độc đáo và được mang tên đúng với ý nghĩa của nó như: Mắt đảo, Tâm sự, Đất nước nơi đầu sóng ngọn gió, Chân dung người lính biển; Lời chào quyết thắng… Nhiều bức ảnh thu hút được sự quan tâm của đông đảo người xem như: Nhật ký hải trình, Những nhành hoa trên đảo, Xuân về trên đảo xa, Vườn rau đảo Tiên nữ, Bài ca không quên…

A2 Bức ảnh trong triển lãm được mang tên “Lướt trên ngọn sóng” và “Cập bến”, bán đấu giá với tổng số tiền là 10,3 triệu đồng ông ủng hộ các chiến sỹ Hải quân ở An Bang, quần đảo Trường Sa.

Đặc biệt nổi trội hơn là 2 bức ảnh “Cập bến” và “Lướt trên ngọn sóng”. Đây cũng chính là 2 bức ảnh được triển lãm lựa chọn đem đấu giá. Toàn bộ số tiền 10,3 triệu đồng bán đấu giá, được tác giả đã gửi tặng tới chiến sỹ hải quân đang công tác trên đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) để mua máy lọc nước biển phục vụ đời sống sinh hoạt của chiến sỹ trên đảo.

73 bức ảnh trưng bày ở triển lãm còn lại cũng được tác giả gửi tặng lại các điểm đảo mà ông đã đặt chân tới và chụp ảnh ở đó. Với mong muốn động viên cán bộ, chiến sỹ nơi đây yên tâm bảo vệ bình yên cho biển, đảo của Tổ quốc và cũng là tấm lòng trân quý mà ông muốn dành cho các chiến sỹ, cho biển đảo thiêng liêng của đất nước – nhiếp ảnh Đỗ Khánh Vân xúc động chia sẻ.

Trở thành “thợ” nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ năm 1990. Khi đó ông mở cửa hiệu chụp ảnh ở thành phố Thái Nguyên rất đông khách. Thế nhưng ông lại yêu thích chụp các phong cảnh thiên nhiên miền núi và vùng đông bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng núi phía Bắc. Thế nên dù bận mải đến đâu, ông vẫn thường xuyên lên đường chu du về các vùng đồng bào miền núi để thảo nỗi niềm đam mê chụp ảnh nghệ thuật về cuộc sống lao động, sinh hoạt đời thường của bà con các dân tộc thiểu số; những cảnh đẹp về thiên nhiên, núi rừng, cỏ cây hoa lá...

Ông tự hào về “kho” ảnh sẵn có của mình. Từ đây nhiều bức ảnh được ông in ra để dự thi, hoặc phóng to để kỷ niệm cho cá nhân, tập thể, địa phương nơi ông đặt chân đến và chụp về họ. Những tác phẩm ảnh của ông đều hàm chứa nội dung và thông điệp sâu sắc, ca ngợi con người, cảnh đẹp quê hương nơi vùng cao của đất nước.

Đam mê với nghề và kỹ năng chụp ảnh được tích lũy nhiều năm, nhiếp ảnh Đỗ Khánh Vân đã trở thành “cây cổ thụ” của “Làng nhiếp ảnh Thái Nguyên”. Năm 2008, ông được kết nạp vào Chi Hội nhiếp ảnh của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Sau đó 01 năm (năm 2009), tác phẩm ảnh “Được mùa” (về đề tài miền núi, với cánh đông lúa chín ở ruộng Bậc thang) của ông đã đoạt giải Nhất - Cuộc thi ảnh Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Năm 2010, ông dành Huy chương Bạc tại liên hoan ảnh  nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc - với tác phẩm “Mẹ yêu” (về đề tài dân tộc thiểu số).

HAI QUA Mùa hái quả ở Hà Giang.

Ngoài ra, ông còn đoạt rất nhiều Giải Ba, Giải Khuyến khích ở các Cuộc thi Ảnh cấp Tỉnh. Đặc biệt năm 2017, tác phẩm ảnh “Em bé và đôi chân” (Đề tài về miền núi) được chọn đi Dự thi ảnh nghệ thuật Quốc tế. Từ  đó đến nay, ông càng nỗ lực, yêu nghề hơn, thể hiện ở việc “đi và đi - đến và đến” các miền dân tộc thiểu số, miền núi xa xôi, khó khăn; tiêu biểu nhất là chuyến đi đảo Trường Sa mà ông luôn mong mỏi  dù chỉ một lần thôi trong đời.

Triển lãm Ảnh về biển đảo vừa kết thúc tốt đẹp vào đầu tháng 5-2018, đã tiếp thêm động lực để ông lại lên đường đến các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… với các địa danh nổi tiếng về cảnh đẹp như Y Tý, Mù Căng Chải, Xí Mần, Bắc Hà, Hoàng Su Phì… để “bấm máy”.

Hàng trăm kiểu ảnh về Lễ hội Đua ngựa ở huyện Bắc Hà, cảnh đẹp ruộng bậc thang, cuộc sống lao động, sinh hoạt của đồng bào vùng cao…đều làm say đắm người chiêm ngưỡng. Đối với ông, điều bận tâm trong mỗi chuyến đi điền dã không phải là ăn gì? ngủ ra sao? mà quan trọng nhất là chụp gì để mỗi tấm hình phải có giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Mong Nghệ sỹ nhiếp ảnh Khánh Vân lại tiếp tục Đoạt được nhiều giải thưởng về Ảnh trong các Cuộc thi Ảnh của tỉnh, khu vực, toàn Quốc và Quốc tế.

 Bài: Đỗ Thị Hồng Vân 

Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Khánh Vân 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam