Văn Chấn: Tập trung khắc phục thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 20:31:00 27/07/2018

TNV - Theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra từ ngày 19/7/2018 đến ngày 26/7/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn (Yên Bái): Số người chết là 07 người, người bị mất tích là 01 người và 16 người bị thương. Số nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại là 501 hộ; trong đó, 86 nhà bị trôi, sập hoàn toàn và 88 nhà hư hỏng nặng. Số hộ di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn: 327 nhà.

Tổng giá trị thiệt hại ước trên 439,875 tỷ đồng

Đến nay, hàng trăm hộ gia đình phải di rời đang ở nhờ nhà người thân, ở tạm tại các nhà văn hóa thôn, trường học, trạm Y tế. Giá trị thiệt hại ước tính trên 17,4 tỷ đồng.

UBND huyện đánh giá, nhu cầu hỗ trợ di dời tái định cư là 336 hộ. Trong đó: Khẩn cấp (đợt 1) 171 hộ, gồm nhà bị trôi, sập hoàn toàn 83/86 nhà (có 03 nhà đã tự bố trí được đất ở); nhà bị hư hỏng nặng cần bố trí nơi ở khác 88 nhà. Di dời thời gian tiếp theo là 165 hộ.

Thiệt hại về Nông lâm nghiệp: Tổng diện tích lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng 1.090 ha. Gồm: Diện tích lúa bị thiệt hại là 793,8 ha; trong đó, diện tích bị ngập đã phục hồi 303,1 ha, diện tích mất trắng 490,7 ha (trong đó có 184,2 ha không thể khắc phục). Diện tích ngô, rau mầu bị thiệt hại: 296,2 ha. Diện tích cây lâm nghiệp, rừng trồng (Quế, Thông…) bị thiệt hại: 426,4 ha. Diện tích cây ăn quả bị thiệt hại: 4 ha. Diện tích ao nuôi cá bị thiệt hại: 47,24 ha. Gia súc, gia cầm bị thiệt hại cuốn trôi là 4.740 con; trong đó, trâu, bò 23 con; dê 45 con; lợn 100 con; gia cầm 4.572 con gà, vịt. Giá trị thiệt hại Nông lâm nghiệp ước trên 68,7 tỷ đồng.

Người dân bần thần trước cảnh tan hoang của ngôi nhà. Ảnh: V. Khôi.

Ngoài ra, nhiều công trình cở sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại nghiêm trọng: Thuỷ lợi: có 91 công trình thủy lợi bị hư hỏng; sạt lở bờ, kè suối Thia: 570m; giá trị thiệt hại ước trên 36,160 tỷ đồng. Giao thông:  Thiệt hại tại 14 xã bao gồm: Ngầm tràn 4 công trình, cầu 18 công trình, cống qua đường 34 cống, đường giao thông bị sạt lở đất đá khối lượng trên 1.431.050 m3; giá trị thiệt hại ước trên 84,232 tỷ đồng. Công trình nước sạch: Bị hư hỏng tại 10 xã là 35 công trình; giá trị thiệt hại ước trên 9,062 tỷ đồng. Trường học: Có 3 trường học bị thiệt hại, hư hỏng; trong đó 4 phòng học, 1 bể chứa nước và 1.000 m đường ống nước, công trình phụ trợ bị hư hại; giá trị thiệt hại ước trên 0,36 tỷ đồng. Thông tin liên lạc: Có 32 trạm di động BTS bị hư hỏng và nhiều đoạn cáp quang, cột kéo bị đứt, gãy; giá trị thiệt hại ước trên 16 tỷ đồng. Công nghiệp: 44 cột điện gãy, đổ (18 cột 35 KW, 60 cột 0,4 KV), nhiều đường dây bị đứt; Nhà máy thủy điện Văn Chấn bị hư hỏng nặng; giá trị thiệt hại ước trên 208 tỷ đồng. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 439,875 tỷ đồng.

Kinh phí khắc phục thiệt hại về điện, thủy điện, viễn thông do các doanh nghiệp tự khắc phục: 306,369 tỷ đồng, còn lại UBND huyện Văn Chấn đã đề nghị kinh phí khắc phục là 133,506 tỷ đồng.

Đặc biệt, cần kịp thời hỗ trợ 7.840 kg giống ngô để khắc phục sản xuất kịp thời vụ; hỗ trợ thêm về vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng (chất xử lý môi trường Cloramin bột số lượng 435 kg; hóa chất khử trùng chuồng trại chăn nuôi 300 lít lodine).

Đã giao đất tái định cư theo hình thức xen ghép cho 155 hộ

Với sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của các cấp các ngành tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn, tính đến ngày 26/7 công tác khắc phục thiệt hại đã đạt bước tiến đáng kể.

Bí thư Huyện ủy Văn Chấn - Ông Chu Đình Ngữ (áo thẫm) thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ. Ảnh: V. Khôi.

Về giao thông:

- Tuyến lên xã Nậm Mười: Đã mở thông được 2 tuyến lên trung tâm xã Nậm Mười (từ ngã ba Sùng Đô - lên trung tâm xã và từ thôn Làng Cò - Nậm Biếu - trung tâm xã).

- Tuyến lên xã Sùng Đô: Đã thông tuyến, ô tô có thể lên trung tâm xã; các tuyến từ trung tâm xã đi các thôn bản đang tiếp tục khắc phục để tạm thời lưu thông bằng xe máy.

- Tuyến Suối Quyền - An Lương: Rất khó khăn và tiếp tục sạt lở ở nhiều điểm; đến chiều ngày 26/7, đã thông được 6 km, còn lại khoảng 7 km đang tiếp tục khắc phục, hiện đang có 06 máy xúc đang xử lý san gạt, hót đất đá sụt sạt.

- Để nhanh chóng thông tuyến đi xe máy đến trung tâm xã An Lương, huyện đang tập trung sửa chữa tuyến đường từ Trung tâm xã An Lương đi thôn Tặng Chan đến thôn Tập Lăng (xã Suối Giàng). Tuyến đường dài 12 km, đã thông được 8 km, còn 4 km đang tiếp tục sửa chữa.

Về Điện: Còn xã Sùng Đô; các thôn Sài Lương 1, 2, 3 (xã An Lương) và thôn La Háo Pành (xã Nậm Mười) chưa có điện lưới quốc gia. Thông tin liên lạc: Mạng Vinaphone, mạng Viettell đã thông ở tất cả các thôn, bản; tuy nhiên tại một số thôn bản sóng còn kém.

Trong công tác an sinh xã hội, huyện Văn Chấn đã kịp thời hỗ trợ chính sách cho 8/8 người chết, mất tích với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/người; hỗ trợ 10/16 người bị thương (bị thương nặng, có bệnh án mới được hỗ trợ) với mức hỗ trợ 2,7 triệu đồng/người; hỗ trợ cho các hộ có nhà bị trôi, sập hoàn toàn được 1,85 tỷ đồng; hỗ trợ cho các nhà hư hỏng nặng: 0,69 tỷ đồng. Đồng thời, đã hỗ trợ 9.475 kg gạo cho các hộ (ở xã: Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô) và 65 kg lương khô cho bà con xã Suối Quyền.

Đến hết ngày 27/7/2018, huyện Văn Chấn đã giao đất tái định cư theo hình thức xen ghép cho 155 hộ tập trung chủ yếu ở các xã bị thiệt hại nặng nề là Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương. Các hộ còn lại đang tiếp tục lập phương án bố trí tái định để bà con sớm ổn định đời sống.

Mưa lũ đã cuốn mất một đoạn đường ở xã Sùng Đô. Trong ảnh, ông Chu Đình Ngữ (tay cầm mũ) thị sát thiệt hại ở xã Sùng Đô. Ảnh: V. Khôi.

Theo ông Mai Mộng Tuân – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn – nhiệm vụ trước mắt của chính quyền huyện là:

  1. Tập trung phương tiện, nhân lực thông tuyến đường Trung tâm xã An Lương - thôn Tặng Chan - thôn Tập Lăng (xã Suối Giàng); tuyến đường Suối Quyền - An Lương. Huy động nhân dân san gạt, thông các tuyến giao thông từ trung tâm các xã đến các thôn bản khó khăn để vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo cuộc sống cho bà con. Tập trung khắc phục các hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc…

  2. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tổ chức tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ, tiền.. từ các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng.

  3. Thực hiện việc bố trí, giao đất tái định cư cho hộ dân thuộc diện di rời theo phương châm tái định cư xen ghép là chính.

  4. Tiếp tục tiến hành các các biện pháp tiêu độc, khử trùng, phun tiêu độc khử trùng tại các vùng lũ.

  5. Tập trung thống kê, hỗ trợ khắc phục, khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam