Nỗi lòng của những người mang tiếng “phá rừng”

Thời sự, Xã hội | 15:57:00 29/07/2018

TNV - Anh Nguyễn Kim Nghĩa (36 tuổi) lo lắng phân bua: Đã hơn 10 năm chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ nhưng bà con chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào hỗ trợ, đền bù từ Nhà nước, trong khi hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất đến năm 2020 – 2021 mới hết hạn, vậy người dân chúng tôi không khai thác rừng của mình đã trồng để tiếp tục trồng mới thì biết sống sao đây? Biết làm gì để trả nợ ngân hàng?!.

Hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất vẫn còn hiệu lực

Cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, dư luận bức xúc, lo lắng về việc 10 hộ dân thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chặt đốt và phun thuốc diệt cỏ gần 40 ha rừng phòng hộ để trồng giống bạch đàn mới. Ngay sau đó, Đoàn Kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã xác minh và khẳng định: đó là sự thật.

Một sự thật đau lòng. Tôi không muốn viết lại để xới thêm nỗi đau, bởi điều đó đã được công luận phản ánh rõ ràng, được cơ quan chức năng xác minh là có thật và các đơn vị liên quan đã phải giải trình, bàn giải pháp khắc phục. Nhưng trong tôi cứ day dứt câu hỏi: Tại sao chính những người dân đã hàng chục năm gắn bó với rừng, sinh sống nhờ rừng lại dám cả gan làm điều đó? Phải chăng có điều gì uẩn khúc ở đây?..

Để tìm câu trả lời và hiểu rõ hơn về những người nông dân “phá rừng” ấy, tôi đã về thôn Tân Tiến, xã An Sinh vào một ngày mưa trung tuần tháng Bẩy.

Ông Lê Văn Bích (54 tuổi) – một trong 10 hộ “phá rừng” kể, bố mẹ ông quê Hưng Yên lặn lội lên đất rừng này làm thuê và định cư sinh sống từ ngày ông chưa sinh ra; đến tuổi trưởng thành ông lập gia đình với cô gái người Dao địa phương. Do nằm ở vùng rừng núi giáp ranh 2 tỉnh là Quảng Ninh và Bắc Giang, nên hiện nay, vợ chồng ông cùng vợ chồng của cả 3 người con trai đều sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, với diện tích 22 ha nhận giao khoán thuộc địa giới huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và huyện Lục Nam (Bắc Giang).

 

Hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất còn 2 – 3 năm nữa mới hết hạn. Ảnh: P. Quỳnh.

Biết tôi làm báo, ông Bích chủ động giãi bầy, gần đây báo chí đưa tin chúng tôi phá rừng phòng hộ...mà chưa xem xét nguồn cơn sự việc thì quả là mang tiếng “oan” cho chúng tôi quá. Hàng trăm hộ bà con ở đây nhận giao khoán từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Đông Triều - PV) vào năm 2005 và 2006 để trồng rừng sản xuất, mới đây khi làm đơn xin khai thác và chuyển đổi cây trồng, chúng tôi mới biết nay đã quy hoạch thành rừng phòng hộ. Bà con miền núi chúng tôi đâu hiểu được gì nhiều, chỉ biết hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất còn 2 – 3 năm nữa mới hết hiệu lực nên cứ “vô tư” khai thác để trồng mới như trước đây đã từng làm. Ông Bích xúc động trải lòng với vẻ mặt đượm buồn.

Trời ngớt mưa, ông Bích đưa tôi ra đồi Chão Chuộc thuộc thôn Tân Tiến, xã An Sinh nằm ngay gần đường tỉnh lộ 345. Quả đồi rộng 3,7 ha này được ông nhận giao khoán trồng rừng sản xuất từ Công ty Lâm nghiệp Đông Triều từ tháng 4/2006 trong thời gian 15 năm. Sau 02 lần trồng bạch đàn giống cũ hiệu quả không cao, tháng 8/2017 gia đình ông đã làm đơn gửi Công ty Lâm nghiệp Đông Triều cho phá bỏ rừng bạch đàn cũ để trồng giống bạch đàn mới, nhưng không thấy hồi âm, nên trong tháng 4 và 5/2018, ông đã phá bỏ hết diện tích bạch đàn tái sinh và dọn sạch thực bì để trồng giống bạch đàn mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trên cánh rừng vừa bị chặt đốt, những cây bạch đàn giống mới đã bén rễ lên xanh. Ảnh: P. Quỳnh.

Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Bích chỉ vết cắt từ những khóm bạch đàn tái sinh nằm rải rác trên đồi, đường kính từ 5 – 10 cm không đủ tiêu chuẩn làm gỗ trụ lò, chỉ dùng làm củi hoặc ván dăm; xen kẽ giữa những gốc bạch đàn đen thui, những cây bạch đàn giống mới đã bén rễ lên xanh cao chừng 70 – 100 cm phủ kín cả quả đồi, cành lá rung rinh như chào đón những giọt mưa sau chuỗi ngày nóng nực.

Hơn 10 năm vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù

Mặc dù trời mưa, khoảng cách giữa các hộ khá xa, sóng điện thoại liên lạc rất khó khăn, nhưng hộ gia đình anh Trần Văn Phong và Nguyễn Kim Nghĩa trú ở thôn Tân Tiến, xã An Sinh đã tìm đến gặp tôi với những cuốn sổ vay vốn ngân hàng lên tới hàng trăm triệu đồng đầu tư vào trồng rừng sản xuất.

Cầm trên tay 04 cuốn sổ vay ngân hàng trị giá 200 triệu đồng và bảng thanh toán tiền lãi tháng 7 vừa trả Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Triều hơn 2,5 triệu đồng, anh Nguyễn Kim Nghĩa (36 tuổi là con cả ông Nguyễn Kim Lục – chủ hộ nhận khoán trồng rừng) lo lắng phân bua, trồng rừng hơn chục năm nay nhưng gặp phải giống bạch đàn kém chất lượng lứa thì cho cây cong queo, lứa thì bị sâu đục thân đổ gãy, nên nợ ngân hàng vẫn chưa trả được; đã hơn 10 năm chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ nhưng bà con chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào hỗ trợ, đền bù từ Nhà nước, trong khi hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất đến năm 2020 – 2021 mới hết hạn, vậy người dân chúng tôi không khai thác rừng của mình đã trồng để tiếp tục trồng mới thì biết sống sao đây? Biết làm gì để trả nợ ngân hàng?!.

 

Anh Nguyễn Kim Nghĩa cùng 04 cuốn sổ vay vốn ngân hàng và
bảng thanh toán trả lãi vay tháng 7. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngoài số tiền vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, anh còn nhờ em gái, em trai đứng tên vay ngân hàng và vay mượn bà con với tổng số hơn 300 triệu đồng dùng để đầu tư vào trồng và chăm sóc 03 ha rừng từ năm 2005 đến nay. Tháng 3 vừa qua, anh đã chặt bỏ toàn bộ 03 ha rừng bạch đàn kém hiệu quả để chuyển sang trồng giống bạch đàn mới. Đây là hy vọng của cả gia đình để mong trả được nợ ngân hàng và vay mượn bà con, cải thiện cuộc sống.

Theo ông Phạm Duy Khiêm (Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã An Sinh), đa phần bà con trồng rừng thuộc diện hộ nghèo, phải chạy vạy vay vốn ngân hàng, vay của bà con họ hàng và vay lãi ngoài lên đến vài trăm triệu đồng để đầu tư trồng rừng; nhưng rừng trồng đã hơn chục năm mà cây cối còi cọc, giá trị thấp, nên gần đây bà con phá đi trồng giống mới.

Trước khi ra về, anh Trần Văn Phong (39 tuổi) vẫn khẩn khoản đề nghị, chỉ mong sao tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục cho những cánh rừng hiện tại chúng tôi đang nhận giao khoán là rừng sản xuất để chúng tôi ổn định đời sống, đầu tư làm ăn và trả nợ ngân hàng. Đây không chỉ là nguyện vọng của riêng anh Phong, mà còn là nguyện vọng của ông Bích, anh Nghĩa, của 10 hộ “phá rừng” và đông đảo bà con trồng rừng sản xuất ở huyện Đông Triều – những người sinh ra từ đất rừng, gắn bó với đất rừng và sống nhờ đất rừng.

Nguyện vọng của ông Bích (bên phải), anh Phong (bên trái) cũng như bà con trồng rừng huyện Đông Triều, mong sao tỉnh Quảng Ninh chuyển toàn bộ diện tích rừng hiện tại bà con đang nhận giao khoán là rừng sản xuất, để ổn định đời sống, đầu tư làm ăn và trả nợ ngân hàng. Ảnh: P. Quỳnh

Trên con đường nối huyện Đông Triều (Quảng Ninh) với huyện Lục Nam (Bắc Giang) một màu xanh ngút ngàn của những rừng bạch đàn, keo, thông...có công đóng góp không nhỏ của những hộ dân như ông Bích, anh Phong, anh Nghĩa...Nhờ đó, rất nhiều diện tích rừng sản xuất ở đây đã được rà soát, quy hoạch trở thành rừng phòng hộ vào năm 2007, nhưng để những cánh rừng đó thực sự trở thành rừng phòng hộ, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Ninh cần sớm bố trí nguồn lực tài chính và xây dựng phương án chuyển đổi rừng theo Thông tư 24/2009/TT – BNN, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các hộ trồng rừng theo quy định, chỉ khi đó các hộ dân mới không còn lý do để “phá rừng” nữa./.

 Điều 6, khoản 1, mục a Thông tư số 21/2016/TT – BNNPTNT ngày 28/6/2016 quy định: Việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng tập trung trong rừng sản xuất do chủ rừng quyết định, nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng rừng kế tiếp.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam