Tản mạn cuối tuần

Giải trí, Văn hóa | 20:37:19 30/09/2018

TNV - Cách đây hơn mười năm, chị làm cùng cơ quan mang cho tôi một ít quà mua từ chuyến đi du lịch đến nước Pháp, hỏi thăm chuyến đi có vui không chị kể một mạch dài, đại ý là nước Pháp đẹp, văn minh, khung cảnh tuyệt vời, không biết đến khi nào Việt Nam mới bằng như họ.

Bản thân tôi cũng là tín đồ thích khám phá, thích tìm tòi, thích đi đây đó, nên cứ có điều kiện là đi, cũng may là tất cả các thành viên trong gia đình ai cũng có sở thích như vậy kể cả thành viên nhỏ nhất trong nhà. Ngoài sở thích nêu trên, việc thích tìm tòi, khám phá còn giúp bản thân có thêm thật nhiều thông tin, kiến thức để phục vụ cho công việc hàng ngày. Bài viết hôm nay cũng một phần như vậy. Ấp ủ lớn nhất sẽ một ngày được đến nước Pháp.

Sáng nay ngồi ăn sáng, sau khi nghe chị kia nói rất khó chịu về việc người Việt Nam không có tình thương đối với động vật, nếu chị ấy nhìn thấy ai ăn thịt chó thì chị muốn cầm dao giết chết, rồi chị ấy so sánh văn minh nước Pháp, nước Mỹ, các nước Châu Âu với văn minh, văn hóa người Việt Nam. Tôi quan sát rất kỹ điệu bộ và khuôn mặt chị ấy, biết rằng cũng phải chia sẻ với chị về việc tối qua mới bị bọn trộm bắt mất con chó nên sáng nay chị mới bực bội, nhưng là người Việt Nam, tôi cũng không muốn nghe lải nhải cứ hễ có một cái gì từ kinh tế, văn hóa, chính trị...thì lấy các nước khác trên thế giới ra so sánh, dè bỉu đất nước, con người Việt Nam.

Xin phép không nhắc lại hết cuộc tranh luận nảy lửa với chị mới bị bọn trộm bắt mất chú chó cưng, nhưng chị ấy có nhấn mạnh đến câu chuyện 03 năm nữa TP. Hà Nội sẽ cấm mọi người không được ăn thịt chó. Theo tôi được biết, vừa qua UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 4.170 về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn TP. UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại. Đáng chú ý, bên cạnh việc quản lý chặt các cơ sở giết, mổ, kinh doanh thịt chó, mèo, Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền cấp dưới tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng các loại thịt này. Cá nhân tôi đồng tình với yêu cầu này, nhưng nói rằng 03 năm nữa TP. Hà Nội sẽ cấm mọi người không được ăn thịt chó thì lại không đúng với tinh thần văn bản.

Theo dõi các bình luận trên cộng đồng mạng, những người không ăn thịt chó quy chụp cho những người ăn thịt chó nào là: “Chó là một loài vật thông minh và gần gũi với con người, điều này không cần phải bàn cãi. Chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn nên tại sao có biết bao nhiêu loại thịt không ăn mà lại đi ăn thịt một loài vật thông minh và gần gũi với con người như chó?”.

Rồi lại quay qua quy chụp: “Hãy nhìn ra thế giới xung quanh có bao nhiêu quốc gia ăn thịt chó như Việt Nam mình?”.

Theo số liệu, Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất trên thế giới tính theo đầu người. Mỗi năm tại Hàn Quốc có 2 triệu con chó bị giết thịt và thịt chó mỗi năm mang lại cho nền kinh tế Hàn Quốc 2 tỷ USD. Tại Nhật Bản, mỗi năm người Nhật được phép săn 16.000 con cá heo các loại, mang về cho ngành công nghiệp săn cá heo hàng chục triệu USD…

Chuyện tranh luận giữa hai trường phái, người ăn thịt chó và không ăn thịt chó trong thời gian tới chắc sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, thú vị cũng có, gay gắt cũng nhiều.

Xin trở lại nước Pháp, nước Pháp được mệnh danh là cái nôi văn hóa Châu Âu, nói đến Châu Âu chắc chắn phải nói đến văn hóa nước Pháp, nói đến văn minh nước Pháp. Năm 2016-2017, nước Pháp xảy ra rất nhiều cuộc khủng bố đẫm máu, các nhà nghiên cứu chính trị trên thế giới đã có những bài viết phân tích, tại sao bọn khủng bố lại tập trung vào nước Pháp? Trong tất cả các lý do được nêu ra, tôi rất lưu ý đến một lý do, nước Pháp là nôi văn hóa của Châu Âu, điều này cũng đặt ra câu hỏi là vì sao rất nhiều bình luận hay lấy văn hóa của một số nước Châu Âu ra để so sánh văn hóa Việt Nam kể cả so sánh việc ăn thịt chó. Mà chuyện ăn thịt chó nó có liên quan đến văn hóa hay không thì chưa ai chứng minh được, vì theo hiểu biết của tôi khi nói đến văn minh là nói đến vật chất, văn hóa liên quan đến tinh thần.

Nhắc đến loài ngỗng thì người Việt Nam ai cũng biết, ở nhiều nơi trên thế giới, ngỗng được nuôi nhằm thay thế chó để trông nhà. Lý do là bởi loài ngỗng có thính giác tốt và chúng sẽ kêu la inh ỏi khi phát hiện kẻ gian đến gần. Đồng thời, những chú ngỗng thường rất can đảm khi thấy người lạ. Chúng sẵn sàng tiến về phía đối phương và tấn công nếu nhận thấy bất cứ vấn đề gì. Nhưng đối với nước Pháp, gan ngỗng béo là một niềm tự hào của nền ẩm thực Pháp đồng thời là một trong những món ăn đắt đỏ bậc nhất thế giới, đây là món ăn sang trọng được sử dụng nhiều trong các nhà hàng phương Tây nhưng để có một gan ngỗng béo ngậy, bổ dưỡng tuyệt hảo, người chăn nuôi tại Pháp sẽ banh miệng Ngỗng, nhét ống kim loại vào sâu cổ họng và bơm khoảng hơn 2 kg ngũ cốc vào, hành động này lặp đi lặp lại từ 2 đến 4 lần trong ngày.

Quá trình này sẽ khiến lá gan của ngỗng lớn đột biến, gấp 10 lần so với ngỗng bình thường. Tuy nhiên, lá gan quá lớn sẽ đè vào phổi, khiến chúng sẽ khó thở. Cân nặng tăng khiến chúng khó khăn trong việc di chuyển và có khi bị gãy chân. Thậm chí, nhiều con ngỗng trở nên phát điên lên, tự cắn lẫn nhau dẫn đến bị thương. Đấy chỉ là câu chuyện tại các hộ gia đình, còn ở các nhà máy công nghiệp, mức độ còn tàn nhẫn hơn gấp nhiều lần. Những con ngỗng này thường bị nhốt trong chuồng rất hẹp, không thể cựa quậy được. Cùng với điều kiện vệ sinh tồi tệ, chế độ ăn cũng tàn nhẫn hơn, chúng bị ép ăn đến nỗi những chú ngỗng này càng căng thẳng hơn và dù có vũng vẫy chúng cũng không thể nào thoát ra được.

Theo thống kê, tỷ lệ ngỗng bị chết trong quá trình vỗ béo lớn hơn gấp 20 lần so với ngỗng được nuôi theo cách thông thường. Mỗi năm, có khoảng 15.000 con ngỗng bị vỗ béo đến chết. Điều kinh khủng nhất là việc cho ngỗng cái vào máy xay để làm phân bón hay thức ăn cho mèo, vì người ta chỉ lấy gan của ngỗng đực.

Đúng theo hành trình, gia đình tôi đã đến Pháp hai lần, trước khi đến Pháp, tôi cũng có ý định thử món gan ngỗng béo ngậy nhưng cuối cùng không thể thưởng thức được vì giá thành rất cao, món gan ngỗng cao cấp này chỉ dành cho giới nhà giàu Pháp, những người được xếp vào hàng có thứ bậc cao trong xã hội Pháp.

Với người Pháp, gan ngỗng là một ẩm thực cao cấp và để có được thứ gan ngỗng ngon, bổ dưỡng họ cũng phải chăm sóc rất cầu kỳ các công đoạn, cuối cùng giết những chú ngỗng đực để có những gan ngỗng cung cấp ra thị trường với giá đắt đỏ, những con ngỗng cái chả giúp ích được gì thì bị ném vào máy xay để làm phân bón hay thức ăn cho mèo.

Việc ăn thịt chó hay không ăn thịt chó đó là quyền của mỗi người, xin đừng lấy cái quyền riêng tư của mỗi người để quy chụp văn hóa cho cả một đất nước, một nền văn hóa của dân tộc và như đã nói việc ăn thịt chó có liên quan đến văn hóa hay không thì chưa có một nghiên cứu nào khẳng định. Văn hóa của mỗi dân tộc trên hành tinh này đều khác nhau, chính nhờ sự khác biệt ấy thế giới mới phát triển. Không thể quy chụp nền văn hóa nước này với một nền văn hóa nước khác từ sở thích riêng tư của mỗi cá nhân, nghĩ như vậy mới đúng, mới khách quan.

Ths Nguyễn Xuân Ngọc

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam