Vĩnh biệt vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Thời sự, Tiêu điểm | 10:43:00 11/04/2019

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - linh hồn của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vĩnh biệt nhân gian. Dẫu vẫn hiểu “sinh -lão -bệnh- tử” là qui luật tất yếu của mỗi đời người, và sự “đi vào cát bụi” là lẽ thường tình khi tuổi cao sức yếu. Song, việc sự ra đi của một vị tướng mà tên tuổi của ông gắn liền với Trường Sơn huyền thoại vẫn làm hàng vạn trái tim người lính nhói đau. Với tư cách là người lính biển, xin kính cẩn nghiêng mình cảm phục trước anh linh trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - một trong những vị tướng tài về thao lược tác chiến, sống rất tình với đồng đội, là mẫu hình người lính “đức cao, tâm bình, trí lớn” của thế kỷ XX.

1. Trưa ngày 4-4-2019, vị tướng gắn với núi rừng Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên đã vĩnh biệt cõi trần. 96 tuổi đời, 84 năm cống hiến cho cách mạng, ông đã đóng góp to lớn công sức cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà và trở thành một trong những vị tướng tài ba huyền thoại, chí lớn tài cao, đức rộng của thế kỷ XX.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ảnh TL

Hiếm có một vị tướng nào lại tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Và đó cũng chính là lý do ông gắn bó với Trường Sơn trong suốt quãng thời gian nước Việt kháng chiến chống giặc ngoại bang Đế quốc Mỹ xâm lược. Cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn có một nguyện vọng về nằm bên cạnh đồng đội tại núi rừng Trường Sơn huyền thoại. Nằm cạnh đồng đội như để được sống mãi cùng những sĩ quan, binh nhất, binh nhì, hạ sĩ- những người lính đã cùng ông chiến đấu và hi sinh. Chỉ khác, đồng đội của ông đã yên nghỉ vĩnh hằng từ thời chiến trận.

Quên sao được những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng với hàng vạn quân của mình trong hàng chục năm ròng rã đã dầm mình trong nắng đốt, mưa quay, giữa mưa bom bão đạn; giữa những cơn mê man sốt rét rừng và cả giữa máu và nước mắt để chiến thắng quân thù. Đường mòn Hồ Chí Minh thời đó có tới 14 tuyến với 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa, 1.500km đường ống xăng dầu, 1.350km cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông; vậy mà bàn chân ông đã đi khắp các tuyến đường; thân mình ông đã dầm khắp con sông. Giữa ông và đồng đội không có sự ngăn cách tướng - quân, chỉ có nghĩa tình thắm thiết như anh em trong một gia đình và tình đồng đội thiêng liêng không bao giờ phai nhạt.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (thứ ba từ trái sang) trong chỉ đạo chiến dịch Trường Sơn, ảnh TL

Trong lịch sử phong hàm vượt cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam từ Đại tá lên Trung tướng chỉ có hai người- ông và Đại tướng Lê Đức Anh. Việc được phong tướng vượt cấp không chỉ vì những đóng góp lớn lao, bởi ông đã làm nên “Xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ”; nhưng hơn hết, ông là một vị tướng của lòng dân và lòng quân. Trong các danh tướng của quân đội ta thời chống Mỹ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xứng danh là vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX. Ông cũng đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quốc lộ Hồ Chí Minh (Quốc lộ Trường Sơn). Trải qua rất nhiều cương vị hoạt động khác nhau, ở cương vị nào ông cũng để lại dấu ấn đặc biệt.

 2. Có một điều hẳn không phải ai cũng tường tận, là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm rất nhiều những công việc sau chiến tranh để giúp đỡ đồng đội, để trả ơn những người đã nằm xuống vì đất nước này.

Ông là thành viên tích cực tham gia sáng lập và là chủ tịch danh dự của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Ông cũng là người tích cực tuyên truyền, tập hợp các hội viên tham gia, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ở lĩnh vực thiết kế, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, sáng lập quỹ hỗ trợ các thương, bệnh binh và gia đình các chiến sĩ Trường Sơn nhiễm chất độc da cam, kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cũng như hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam... Đó là cuộc “xông trận” giữa thời bình. Cuộc xông trận này không có tiếng súng những không kém phần cam go quyết liệt, thậm chí đổ cả máu và nước mắt.


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thời trẻ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh TL

Thành quả sau cuộc “xông trận” không có tiếng súng ấy là nhiều căn nhà đồng đội mới được mọc lên, hàng ngàn gia đình đồng đội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hàng ngàn xương cốt đồng chí đã được quây quần bên nhau trong nghĩa trang Trường Sơn huyền thoại…

3. Cuộc chia ly đi vào lòng đất nào cũng để lại niềm đau. Cuộc chia ly vĩnh hằng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với gia đình, người thân, đồng đội và nhân dân Việt Nam cộng thêm một sự nuối tiếc nữa, đó là sự nuối tiếc của tình người, tình nhân dân đối với một vị tướng đức độ, tài năng; thao lược trong chiến trận, nghĩa tình trong thời bình.

Thế hệ cán bộ chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam và hơn 95 triệu dân đất Việt mãi ghi ơn ông. Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi khắc sâu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong hành trình giữ và dựng nước. Xin kính cẩn nghiêng  mình trước anh linh ông- vị tướng tài ba của rừng Trường Sơn huyền thoại. 

Tuấn Cường

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam