Quảng Ninh: Hoàn thành sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long trong năm 2019

Thời sự, Chính trị | 17:05:00 03/10/2019

TNV - Hội nghị lần thứ 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào ngày 2/10 vừa qua, 100% Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thống nhấtban hành Nghị quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. 

Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo công tác 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019, BCH Đảng bộ tỉnh đã nghe và cho ý kiến về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. 100% các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.

Trước đó, buổi sáng cùng ngày Ban thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến và thống nhất 100% báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị.

Theo đó sẽ thực hiện sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Khi đó, TP Hạ Long sẽ có 33 đơn vị hành chính trực thuộc; là thành phố đô thị loại I có diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính lớn nhất cả nước. Quá trình triển khai thực hiện phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.

Báo Quảng Ninh cho biết: Việc mở rộng địa giới hành chính tạo ra những lợi ích thiết thực, to lớn, hình thành một đô thị thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai gần. Mở ra không gian phát triển mới trong một đơn vị hành chính thống nhất, khai thác tốt nhất lợi thế về đất đai, tài nguyên; thuận lợi cho quy hoạch lại đô thị tầm cỡ quốc tế; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng.

Đây là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố Hạ Long để bảo vệ cảnh quan vùng Di sản, có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường theo đúng quan điểm quản lý hệ thống từ rùng, núi, sông, vịnh…thúc đẩy giải pháp xử lý các cơ sở công nghiệp ô nhiễm; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đất, rừng, khoáng sản. Đồng thời, kết nối đa dạng hóa dịch vụ rừng, biển, khai thác thế mạnh văn hóa, cảnh quan vùng cao tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, giải quyết bền vững an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến trong đồng bào dân tộc. Mặt khác, tăng cường mạnh mẽ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm; nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh. Tiếp tục tạo đột phá trong thực hiện Nghị Quyết 18-NQ/TƯ, tinh giản mạnh đầu mối, nâng cao chất lượng cán bộ trong môi trường đô thị năng động.

100% Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh biểu quyết thống nhất ban hành
Nghị quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. 

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương lớn đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết 18 Hội nghị BCH Trung ương 6 khoá XII, Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Quyết định 402-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn 2040; các hướng dẫn và quy định của Trung ương. Thời điểm để tiến hành việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP hạ Long đã “chín muồi”; Đề án được chỉ đạo xây dựng bài bản, khoa học, đầy đủ các căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, điều kiện phát triển và thời cơ cho TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cũng là thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân toàn tỉnh vì sự phát triển chung, vị thế của tỉnh Quảng Ninh.

Để việc triển khai thực hiện sáp nhập nhanh chóng, ổn định, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập phải tính toán, rà soát cụ thể từng cá nhân, để có phương án hợp lý, không làm xáo trộn, gây tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.Đồng thời, yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận, Cơ quan khối MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm của Đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. 

Thành phố Hạ Long có diện tích tự nhiên 275,58 km2, dân số trung bình 267.420 người, đang là địa phương phát triển nhanh, mạnh, năng động nhất tỉnh, hàng đầu cả nước; năm 2018 tăng trưởng GRDP đạt 16,2%, bình quân 8.700 USD/người/năm; thu ngân sách trên 4.300 tỷ đồng; có điều kiện đầu tư lớn cho hạ tầng đồng bộ với tổng vốn 29.768 tỷ đồng; thu hút nhiều các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án động lực, bộ mặt đô thị chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, thành phố đang gặp hạn chế, thách thức lớn: Thiếu quỹ đất đủ lớn để xây dựng những dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực; nguồn lực tự nhiên đã tới hạn, không còn dư địa về không gian phát triển theo các định hướng chiến lược trong điều kiện giảm thiểu san đồi, lấp biển để bảo vệ di sản, cảnh quan; thách thức lớn về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long bao gồm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, khói bụi từ phía Bắc Cửa Lục; về nhiều mặt công tác quản lý nhất là đối với than, khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự...

Trong điều kiện tiếp giáp với thành phố Hạ Long, huyện Hoành Bồ có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với 843,54 km2; dân số trung bình 51.003 người; có vị trí đầu mối về giao thông thủy bộ, với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và quy hoạch tuyến cao tốc Hà Nội- Hạ Long - Móng Cái; có Quốc lộ 279 kết nối với tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn; có hệ thống bến thủy nội địa giáp vịnh Bắc Cửa Lục; có quỹ đất nông nghiệp hơn 70.000 ha, đất rừng hơn 66.000 ha và quỹ đất rừng ngập mặn quý giá; cảnh quan môi trường độc đáo đặc sắc... Tiềm năng, nguồn lực lớn về vị trí, đất đai, văn hóa bản địa... nhưng khai thác chưa hiệu quả, khó đột phá. Công nghiệp - xây dựng chiếm 76,1% cơ cấu kinh tế, chủ yếu là khai thác khoáng sản thô, công nghệ thấp nhiều khói bụi nước thải; công tác quản lý rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, tài nguyên than, đá, sét... chưa tốt. Còn nhiều xã khó khăn, đời sống và dân trí thấp; chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, văn hóa, tập quán bản địa để tạo ra sự phát triển đột phá, bền vững.

Thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ có mối quan hệ chặt chẽ về điều kiện tự nhiên và xã hội, vị trí tiếp giáp, hình thái bao quanh vịnh Cửa Lục, các sông Trới, Diễn Vọng đổ ra vịnh Hạ Long..., có văn hóa tương sinh, mục đích tương đồng, lợi ích tương hợp, hạ tầng tương hỗ... Những điểm khác biệt của 02 địa phương sẽ bổ khuyết cho nhau, nhân lên sức mạnh về tiềm năng và lợi thế, không chỉ một chiều mà là hai chiều nên rất thuận lợi, tối ưu hóa quản lý, khai thác các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long khi hoàn thành sẽ tạo ra những lợi ích to lớn, hiệu quả thiết thực: (1) Hình thành một đô thị thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng về cảnh quan, địa hình, sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. (2) Mở ra không gian phát triển mới rộng lớn trong 01 đơn vị hành chính thống nhất, khai thác tốt nhất lợi thế về đất đai, tài nguyên; thuận lợi cho quy hoạch lại đô thị tầm cỡ quốc tế; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng; tạo phát triển đột phá không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. (3) Là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố Hạ Long để bảo vệ cảnh quan vùng Di sản, có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường theo đúng quan điểm quản lý hệ thống từ rừng núi, sông, vịnh..., thúc đẩy giải pháp xử lý các cơ sở công nghiệp ô nhiễm; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đất, rừng, khoáng sản... (4) Kết nối, đa dạng hóa dịch vụ rừng - biển, khai thác thế mạnh văn hóa, cảnh quan vùng cao tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch. (5) Giải quyết bền vững an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến trong đồng bào dân tộc. (6) Có điều kiện tăng cường mạnh mẽ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm; nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh. (7) Tiếp tục tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, tinh giản mạnh đầu mối, nâng cao chất lượng cán bộ trong môi trường đô thị năng động.

Bài: Phạm Quỳnh, ảnh: Báo Quảng Ninh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam