Diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam

Thời sự, Xã hội | 11:31:00 27/11/2019

TNV - Ngày 26/11 tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

Quang cảnh Diễn đàn

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính... Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

Trong năm 2017 và năm 2018, lực lượng Quản lý Thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua bao gồm: Thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); Vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); Dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); Vật liệu xây dựng; Mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; Mặt hàng tiêu dùng, thời trang,…. Vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu.

Hàng giả ngày càng tinh vi, mang yếu tố nước ngoài

Năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007-29/11/2019), Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho người dân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là hoạt động chính nằm trong Tuần lễ Phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2019.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương cho biết: Hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Thông qua Diễn đàn ông đã kiến nghị một số giải pháp: Đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...); Lực lượng QLTT chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để cho người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, nắm được các thông tin về phân biệt hàng giả, xuất xứ hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả; Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Cũng tại Diễn đàn, Cục điều tra chống buôn lậu đưa ra một số giải pháp để tăng cường kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về tác hại, hậu quả của hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam; Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mai và gian lận xuất xứ” theo Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ…

Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay; mang ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào phòng chống hàng giả, hàng nhái, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp.

T.H

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam