Người đi tiên phong giữ gìn, phát triển nguồn dược liệu quý ở đất rừng Ba Chẽ

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 09:20:00 21/07/2020

TNV - Những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng biết đến trà hoa vàng như là loại dược liệu quý hiếm, có tác dụng nâng cao sức đề kháng, phòng chống nhiều loại bệnh. Nhưng rất ít người biết được, người làm nên thương hiệu Trà Hoa Vàng Ba Chẽ lại là một nông dân chính hiệu: ông là Nịnh Văn Trắng dân tộc Sán Chỉ – người đi tiên phong giữ gìn, phát triển cây dược liệu quý, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi nghèo Ba Chẽ.

Người nông dân dám nghĩ, dám làm

Những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng biết đến trà hoa vàng như là loại dược liệu quý hiếm, có tác dụng nâng cao sức đề kháng, phòng chống nhiều loại bệnh, với giá bán trên thị trường rất đắt đỏ, từ 15 đến 20 triệu đồng/kg hoa khô. Và trà hoa vàng được trồng ở đất rừng Ba Chẽ (Quảng Ninh) có chất lượng, uy tín hơn cả. Nhưng rất ít người biết được, người làm nên thương hiệu Trà Hoa Vàng Ba Chẽ lại là một nông dân chính hiệu: ông là Nịnh Văn Trắng dân tộc Sán Chỉ – người đi tiên phong giữ gìn, phát triển cây dược liệu quý, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi nghèo Ba Chẽ.

Ông Trắng nhớ lại: Vào cuối những năm 2005 đầu năm 2006, thấy thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua hoa và cả cây trà hoa vàng với giá cao và số lượng lớn. Bà con các thôn, khe bản đổ xô lên đồi tìm hoa và đào cây trà hoa vàng để bán cho thương lái. Nhìn mỗi ngày có khoảng 4-5 xe tải chở cây trà rời đi, nghĩ mà xót, lúc đó trong đầu tôi tự hỏi : “Tại sao thương lái Trung Quốc lại thu mua nhiều đến vậy? Sao mình không trồng thử nhỉ?”….

 Ông Nịnh Văn Trắng bên các sản phẩm Trà Hoa Vàng Ba Chẽ do công ty sản xuất
được trưng bày tại Đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ảnh: P. Quỳnh

Nhưng phải vài năm sau, khi đã lân la tìm hiểu và biết được những tác dụng của cây dược liệu quý này, ông bèn dốc chút tiền dành dụm được, thu gom cây trà hoa vàng về trồng thử. Thời gian đầu mới bắt đầu trồng thử, gặp rất nhiều khó khăn như thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu rõ về quy cách, kỹ thuật trồng, cũng như chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình trồng và chăm sóc cây nên tỷ lệ sống của cây rất thấp.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì sợ mất đi nguồn dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng, trong khi giống cây này ở rừng đã cạn kiệt, phần vì cảm nhận được lợi ích lớn lao mà giống cây này sẽ mang lại trong một tương lai không xa cho bà con quê hương cải thiện đời sống, đã tạo động lực cho tôi thêm quyết tâm trồng cây trà hoa vàng này – ông Trắng nói tiếp.

Vườn trà hoa vàng diện tích 2.000 mvới 400 cây đang sinh trưởng tốt mỗi năm
cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng của gia đình ông Bỉnh. Ảnh: P. Quỳnh.

Đến năm 2013, chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích nhân dân phát triển trồng cây dược liệu trà hoa vàng. Ông Trắng như con chim được chắp thêm cánh, đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng.

Được sự quan tâm, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ ở huyện, tỉnh, đặc biệt là sự tư vấn của PGS.TS Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội) cùng sự ủng hộ của gia đình, bạn bè; năm 2014, người nông dân vùng miền núi còn nhiều khó khăn Nịnh Văn Trắng đã táo bạo thành lập Công ty Cổ phần kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh. Và hiện nay, Công ty đang liên kết với Công ty TNHH MTV Dược Khoa – Trường Đại học Hà Nội trong việc nghiên cứu, phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện Ba Chẽ theo hướng thực hành trồng trọt và thu hái tốt (GACP).

Dăm bảy năm trước, ông là người đi tiên phong trong việc giữ gìn, phát triển giống trà hoa vàng trên đất rừng Ba Chẽ, nay ông lại đi tiên phong trong việc thành lập doanh nghiệp chế biến sản phẩm trà hoa vàng, nâng cao giá trị cho giống dược liệu quý.

Đưa sản phẩm Trà Hoa Vàng Ba Chẽ lên ngôi

Với giọng đều đều, chắc chắn, ông Trắng kể: Lúc đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn về vốn, máy sấy nóng lạc hậu, chưa có kho bảo quản hoa trà đúng tiêu chuẩn, nên chất lượng sản phẩm không đều, thấp… Đến năm 2016, được sự hỗ trợ 50% kinh phí của huyện, tôi đã vay thêm vốn đầu tư mua máy sấy lạnh (trị giá 650 triệu đồng) cho năng suất chế biến cao gấp 10 lần trước; đặc biệt, công nghệ sản xuất lạnh cho ra những sản phẩm trà hoa vàng tinh túy nhất, chất lượng nhất, giữ được gần như 100% hương vị riêng có của Trà Hoa Vàng Ba Chẽ so với các loại trà hoa vàng khác.

Con trai ông Trắng giới thiệu máy sấy lạnh trị giá 650 triệu đồng được huyện hỗ trợ 50%
kinh phí. Ảnh: P. Quỳnh

“Trước đây, tôi vận động bà con thôn bản trồng cây trà, bà con không tin cây này có tác dụng và mang lại hiệu quả kinh tế nên không trồng. Nhưng đến năm 2017, khi cơ sở sản xuất của công ty đi vào hoạt động, thu mua hoa và lá trà, thì bà con mới chợt nhận ra giá trị của cây trà, mới tin và hăng hái trồng theo. Đến nay, toàn huyện có gần 500 hộ trồng trà với diện tích 177 ha, riêng công ty trồng khoảng 05 ha trà hoa vàng. Ngoài ra, công ty đã sản xuất ra 3 sản phẩm là: hoa, lá và trà túi lọc; trong đó, sản phẩm trà hoa vàng sản xuất từ hoa đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP, sản phẩm túi lọc đạt 4 sao OCOP ”, ông Trắng phấn khởi kể.

Đến thăm vườn trà hoa vàng diện tích 2.000 m2 với 400 cây đang sinh trưởng tốt của gia đình ông Bỉnh (74 tuổi) ở khu 7, thị trấn Ba Chẽ - một trong 10 hộ đầu tiên được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ 200 cây giống từ năm 2012. Lão nông ngoài 70 nhưng vẫn quắc thước, rắn rỏi hồ hởi nói, so với trồng nhãn trước kia thì trồng trà hoa vàng đỡ tốn công chăm sóc hơn mà thu nhập lại cao gấp 4 – 5 lần. Bốn năm nay, nhờ có Công ty ông Trắng thu mua mà mỗi năm vườn trà cho gia đình tôi thu nhập 30 – 40 triệu đồng; riêng năm nay nhiều cây cho hoa hơn nên dự kiến sẽ thu trên 60 triệu đồng.

Thăm quan kho lạnh bảo quản sản phẩm. Ảnh: Thế Mạnh

Rời nhà ông Bỉnh, được sự hướng dẫn của chị Hảo (cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện) chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất cây giống và chế biến các sản phẩm trà hoa vàng của doanh nghiệp do ông Trắng làm chủ nằm ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh cách trung tâm huyện chừng 30 km.

Tại đây, con trai ông Trắng mới hoàn thành nghĩa vụ Công an về tham gia quản lý công ty giúp bố, nhanh nhẹn đưa chúng tôi đi thăm những khu ươm trồng cây trà được che chắn cẩn thận trong nhà có mái che, khu chế biến sản phẩm và kho lạnh bảo quản sản phẩm trà hoa vàng.

 Khu vườn ươm mỗi năm cung cấp hơn 6 vạn cây giống ra thị trường. Ảnh: P. Quỳnh

Được biết, vườm ươm rộng 400 m2 mỗi năm cung cấp hơn 6 vạn cây giống ra thị trường, còn dây chuyền chế biến sản xuất khoảng 3 – 5 tạ hoa khô/năm (tương đương với 2 – 3 tấn hoa tươi) mang về doanh thu khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, sau nhiều năm âm thầm quyết chí thực hiện, ông Trắng không chỉ thực hiện được tâm nguyện bảo tồn giống cây dược liệu quý, mà còn lôi cuốn hàng trăm hộ trong huyện mở rộng diện tích, có thêm nguồn thu ổn định từ trồng cây trà hoa vàng; bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông còn trực tiếp tạo việc làm cho từ 15 - 30 lao động địa phương, giúp họ cải thiện cuộc sống; góp phần đưa sản phẩm Trà Hoa Vàng Ba Chẽ lên ngôi, đưa trà hoa vàng thành cây giảm nghèo, cải thiện kinh tế đối với bà con địa phương.

Lần đầu được gặp ông tại Đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tôi không khỏi bất ngờ trước phong thái đĩnh đạc, nước da đỏ đắn, áo quần chỉn chu của người nông dân 45 tuổi người dân tộc Sán Chỉ mà giờ đây đã là chủ doanh nghiệp, có cơ ngơi bề thế.

Ông Trắng thật thà chia sẻ, tôi mong muốn sớm hoàn thiện được quy trình sản xuất để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như được đông đảo mọi người biết đến và sử dụng; tạo thuận lợi cho bà con dân tộc miền núi chúng tôi gìn giữ nguồn dược liệu quý của đất rừng và thay đổi cuộc sống./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam