Cán bộ, đảng viên có 2 quốc tịch là vi phạm pháp luật

Thời sự, Pháp luật | 08:56:00 27/08/2020

TNV - Quốc tịch là cơ sở quan trọng để mỗi con người được pháp luật công nhận về quyền, nghĩa vụ của một công dân đối với Nhà nước, xuyên suốt từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi. Vì thế, mọi người dân cần hiểu đúng về Luật Quốc tịch của Việt Nam để áp dụng cho phù hợp, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. 

Mỗi công dân chỉ có một quốc tịch

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định, Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

“Quy định khác” ở đây được áp dụng đối với các trường hợp như: người xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi; hay người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Ngoài ra, các trường hợp ngoại lệ khác, phải được sự chấp thuận của Chủ tịch nước.

 Một số quốc gia đã mở cửa thoáng hơn đối với chính sách công nhận quốc tịch thứ hai,
thông qua hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản.

Tại Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Trong Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, một lần nữa cũng khẳng định, Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với người có hai quốc tịch, khi người đó tham gia các quan hệ hay giao dịch với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

Thuận lợi hơn khi có 2 quốc tịch

Thực tế cho thấy rằng, khi một cá nhân có 2 quốc tịch, dù gặp khó khăn nhất định trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân ở hai nước khác nhau, nhưng cũng mang đến nhiều lợi ích không nhỏ, có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, khi chúng ta nhập cảnh vào nước nào, mà sử dụng bằng hộ chiếu của chính quốc gia đó, sẽ được nhà nước bảo hộ đầy đủ theo quyền công dân được quy định trong pháp luật sở tại.

Thứ hai, được chủ động đi du lịch một cách dễ dàng đến các nước liên quan đến 2 quốc tịch đang có, mà không mất thời gian xin visa.

Thứ ba, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, ưu đãi về chính sách thuế với quốc gia mà mình đang sở hữu thêm quốc tịch.

Thứ tư, có kế hoạch dự phòng cho gia đình, có thể chuyển sang quốc gia thứ hai, khi gặp phải những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, hay bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội tại đất nước đang sinh sống.

 Một số cán bộ, đảng viên cán bộ, đảng viên vì cám dỗ của những lợi ích
mang lại khi có 2 quốc tịch, mà vi phạm pháp luật.
 

Thứ năm, được hưởng tất cả các ưu đãi, quyền lợi về kinh tế, chính trị, phúc lợi xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của cả hai quốc gia mà họ đang là công dân.

Thứ sáu, quan điểm ở một số nơi còn cho rằng, việc cá nhân sở hữu đa quốc tịch, nhằm thể hiện đẳng cấp, địa vị thượng lưu của bản thân, ngoài việc có máy bay riêng, du thuyền hay biệt thự. 

Cán bộ, đảng viên có 2 quốc tịch là vi phạm pháp luật

Tuy có nhiều lợi ích mang lại đối với người sở hữu 2 quốc tịch, nhưng hiện tại, nhiều quốc gia vẫn không công nhận quốc tịch thứ hai cho công dân mình, đơn cử như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ả Rập Saudi, Áo, Nepal, Hà Lan, Úc, Đức, Venezuela,…

Riêng tại Việt Nam, pháp luật không cho phép những Đại biểu quốc hội, đảng viên, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thêm quốc tịch thứ hai, trừ một số trường hợp đặc biệt, được Chủ tịch nước phê duyệt. Cụ thể, tại khoản 1a Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, cũng nêu rõ: “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Còn đối với đảng viên, khi đi nước ngoài dù chỉ một ngày cũng phải báo cáo, xin ý kiến tổ chức, huống gì, đang là cán bộ đương chức mà ngang nhiên trở thành công dân của một quốc gia khác, là điều không thể chấp nhận.

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, một số quốc gia đã mở cửa thoáng hơn đối với chính sách công nhận quốc tịch thứ hai, thông qua hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản. Vì vậy, hơn ai hết, những cán bộ, đảng viên cần phải tỉnh táo, thể hiện sự gương mẫu của mình trước dân, không để bản thân và gia đình sa vào trào lưu “mua” thêm quốc tịch này, mà vi phạm pháp luật. Các đại biểu của cơ quan lập pháp mà không tôn trọng pháp luật, những đảng viên mà không “đi trước” thì khó có thể hiệu triệu được “làng nước theo sau”. Thiết nghĩ, Đảng ta cần nghiêm khắc loại bỏ ngay những thành phần này khỏi tổ chức, để làm trong sạch đội ngũ và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam