Các yếu tố ảnh hưởng tới ý định sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

Lý luận trẻ | 15:00:00 08/05/2024

NCKH - Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện với 370 sinh viên đang học tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên thông qua bảng hỏi trực tuyến. Mục đích của nghiên cứu này nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên, nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định giả thuyết nghiên cứu bằng phân tích hồi quy, cho thấy có các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên gồm có: tính hữu ích, sự chia sẻ nguồn lực, thái độ sử dụng, nhận thức kiểm soát hành vi, trong đó yếu tố tính hữu ích có tác động mạnh nhất đến ý đinh sử dụng facebook của sinh viên.

Từ khoá: mạng xã hội, sinh viên, hành vi sử dụng, facebook.

Summary

The study was conducted with 370 students studying at the University of Sciences - Thai Nguyen University through an online questionnaire. The purpose of this study is to analyze factors affecting students' behavior in using the social network Facebook. The authors used exploratory factor analysis (EFA) and tested the research hypothesis. Using regression analysis, it shows that there are factors that affect students' behavior in using the social network facebook, including: usefulness, resource sharing, usage attitude, perceived behavioral control, in which the usefulness factor has the strongest impact on students' intention to use facebook.

Keywords: social network, students, usage behavior, facebook

1. Đặt vấn đề

Internet xuất hiện đã mang lại một sự thay đổi to lớn cho cả nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật trên thế giới, ngày nay internet là một công cụ không thể thiếu trong các hoạt động kinh tế, giáo dục và chính trị. Trong  năm qua, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok… đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc tác động không nhỏ đến cuộc sống thực. Đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Theo DataReportal, tính đến hết tháng 5/2023, Facebook có 2,99 tỷ người dùng trên toàn cầu và vẫn là mạng xã hội có số người dùng lớn nhất hiện nay, Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, với 66,2 triệu người dùng và xếp ở vị trí thứ 7. Mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen và hành vi của nhiều người và hình thành những thói quen, lối sống, văn hóa mới ở một bộ phận lớn người sử dụng mạng xã hội. Trong công việc học tập và giảng dạy, Reyes González-Ramírez (2015) cho rằng facebook đã mang lại những lợi ích đáng ghi nhận, là phương tiện giúp SV chia sẻ thông tin, tài liệu, kinh nghiệm học tập, kết nối bạn bè, tạo động cơ học tập tích cực hơn. Như vậy mạng xã hội facebook đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cho đời sống xã hội của sinh viên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt như làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu học tập của SV, tính tin cậy của thông tin, quyền riêng tư của người sử dụng, thậm chí làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của họ. Mục đích của bài viết này nhằm xem xét những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng mạng facebook của SV trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên bằng phương pháp định lượng. Qua đó, dựa vào kết quả nghiên cứu, bài viết sẽ gợi ý một số giải pháp giúp SV sử dụng facebook một cách có ích, hiệu quả hơn trong học tập và đời sống xã hội.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng và ý định sử dụng facebook của sinh viên, nghiên cứu trường hợp Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

2.2. Phương pháp và mô hình nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp điều tra xã hội học với phương pháp chính là Phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định các mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu bằng phân tích hồi quy theo các bước:

- Thu thập số liệu bằng bảng hỏi google form đối với sinh viên hiện đang học tập tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện.

- Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS để phân tích kết quả khảo sát:

+ Thống kê mô tả dùng để tóm tắt số liệu dưới dạng phần trăm.

+ Phân tích độ tin cậy thang đo (Scale Reliability Analysis) để đảm bảo thang đo và biến đo lường đủ độ tin cậy. Đối với độ tin cậy thang đo, Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) cho rằng Cronbach’s Alpha từ 0,7 đến gần 0,8 thì thang đo lường sử dụng được, Cronbach’s Alpha từ 0,8 đến gần 1 thì thang đo lường tốt. Đối với biến đo lường đảm bảo độ tin cậy khi có hệ số tương quan biến-tổng hiệu chỉnh (corrected itemtotal correlation) ≥ 0,3 (Nunnally và Bernstein, 1994; trích dẫn bởi Nguyễn Đình Thọ, 2011).

+ Phân tích nhân tố khám phá (Exploratary Factors Analysis) dùng để rút gọn một tập hợp gồm nhiều biến quan sát phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến (gọi là các nhân tố) ít hơn để chúng có ý nghĩa hơn nhưng vẫn chứa đựng hầu hết nội dung thông tin của tập biến ban đầu (Hair et al., 1998; trích dẫn bởi Khánh Duy, 2007), qua đó loại bỏ những biến quan sát không đạt chuẩn độ tin cậy, phân tích hồi quy xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng facebook của sinh viên.

Theo Hair và cộng sự (2010), trong phân tích nhân tố thì số quan sát ít nhất là 4 hay 5 lần số biến quan sát. Nghiên cứu này có sử dụng phân tích nhân tố và trong mô hình nghiên cứu có 34 biến quan sát, do đó tối thiểu cần mẫu n = 5x34=170. Trong nghiên cứu lần này, tác giả chọn số lượng mẫu nghiên cứu chính thức là 359, số lượng mẫu được xem là đủ lớn để thực hiện nghiên cứu. Để xác định quy mô của mẫu rút ra từ tổng thể, có rất nhiều công thức khác nhau. Tổng số sinh viên của Trường tính đến tháng 5/2023 là 3498 sinh viên, do tổng thể không quá lớn nên chúng tôi sử dụng công thức của Slovin (1984) bởi đây là công thức phổ biến được áp dụng khi biết chính xác số lượng của tổng thể nghiên cứu là bao nhiêu và một số nghiên cứu cho rằng thường áp dụng đối với tổng thể có số lượng dưới 10.000 người. Cụ thể như sau:

Phương pháp chọn mẫu được sử dụng là chọn mẫu phân tầng đối với sinh viên toàn trường. Tầng đầu tiên là các Khoa, tiếp đến tầng thứ 2 là chọn ngành học, tầng thứ 3 là chọn theo số năm theo học (năm 1, 2, 3, 4). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trực tuyến và thu được câu trả lời từ 370 sinh viên hiện đang học tập tại trường Đại học Khoa học (từ năm thứ nhất đến năm thứ 4), trong thời gian từ tháng 3/2023 – 4/2024.

Bảng hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức độ với quy ước 1-Hoàn toàn không đồng ý đến 5- Hoàn toàn đồng ý để đo lường mức độ đánh giá của sinh viên về qua 4 biến số chính gồm: tính hữu ích, tính khích lệ, sự ảnh hưởng của môi trường xã hội, sự chia sẻ nguồn lực và 34 biến quan sát. Các thang đo được đánh giá độ tin cậy bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha theo nguyên tắc loại bỏ các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ (<0.03); nếu Cronbach’s Alpha ≥ 0.6 là thang đo có thể chấp nhận được về mặt độ tin cậy (Nunnally  Bernstein, 1994).

Sau khi kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha cho từng biến độc lập và biến phụ thuộc, kết quả kiểm định chất lượng thang đo của mẫu khảo sát cho thấy có 34 biến quan sát đảm bảo kiểm định vì hệ số tương quan biến tổng và hệ số Cronbach’s Alpha đạt yêu cầu theo lí thuyết (≥ 0.6). Vì vậy, tất cả 34 biến quan sát đều được chấp nhận và sẽ được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo. Từ 34 biến quan sát tiến hành phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy để xác định vai trò của các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng facebook của SV, từ đó đề xuất thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các giải pháp nhằm giúp SV sử dụng facebook một cách có ích, hiệu quả hơn trong học tập và đời sống xã hội.

Bảng 1. Tóm tắt kết quả kiểm định độ tin cậy và giá trị của thang đo

 

2.2.2. Mô hình nghiên cứu

Theo Ajzen và Fishbein (1975), ý định hành vi sẽ chịu ảnh hưởng bởi thái độ đối với hành vi và tiêu chuẩn chủ quan hành vi. Tương tự, lí thuyết hành động hợp lí (Ajzen và Fishbein, 1980) khẳng định rằng ý định sử dụng facebook của một cá nhân liên quan tới nhận thức và mục đích của họ. Ajzen, I (1991) đã kế thừa và phát triển lý thuyết hành động hợp lý để cho ra đời lý thuyết hành vi dự đoán (Theory of Planned Behavior - TPB), tác giả cho rằng con người có thể thực hiện một dạng hành vi nhất định nếu họ tin rằng hành vi này sẽ mang lại kết quả nhất định nào đó có giá trị, và họ thấy rằng cần phải thực hiện hành vi đó. Ba yếu tố cơ bản sẽ quyết định hành vi của một cá nhân gồm: (1) Yếu tố cá nhân là thái độ cá nhân đối với hành vi về việc tích cực hay tiêu cực của việc thực hiện hành vi; (2) Về ý định nhận thức áp lực xã hội của người đó, vì nó đối phó với nhận thức của áp lực hay sự bắt buộc có tính qui tắc nên được gọi là chuẩn chủ quan; (3) Yếu tố quyết định về sự tự nhận thức (self-efficacy) hoặc khả năng thực hiện hành vi, được gọi là kiểm soát nhận thức hành vi. Lí thuyết cho thấy tầm quan trọng của thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và kiểm soát nhận thức hành vi dẫn đến sự hình thành của một ý định hành vi.

Để lí giải thỏa đáng cho hành động này, lí thuyết phổ biến cái mới (Rogers,1983) cho rằng một  cá nhân quyết định sử dụng công nghệ mới khi họ bị chi phối bởi năm yếu tố gồm: Có lợi thế tương đối, có tính tương hợp, mức độ phức tạp vừa phải, có thể thử nghiệm và quan sát được.

Giả thuyết H1: Tính hữu ích của mạng facebook làm tăng ý định sử dụng của SV (tác động dương)

Theo Davis và cộng sự (1989), tính hữu ích là giá trị mong đợi, được khách hàng nhận ra khi họ thực hiện hoàn thành một tác vụ dựa trên hệ thống. Khi người dùng nhận thấy các ứng dụng là hữu ích họ sẽ có xu hướng sử dụng ứng dụng nhiều hơn (Choi et al, 2011). Đối với SV, tính hữu ích là yếu tố quan trọng tác động tích cực lên ý định sử dụng facebook, qua đó giúp họ duy trì việc sử dụng facebook để thoả mãn các nhu cầu trong cuộc sống.

Giả thuyết H2: Sự chia sẻ nguồn lực làm tăng ý định sử dụng facebook của SV (tác động dương).

Các trang mạng xã hội (facebook) là một trong những công cụ phổ biến được SV sử dụng để chia sẻ tài liệu học tập, đồ án, tài nguyên hữu ích khác và liên kết đến các tài nguyên bên ngoài (Firpo, 2011). Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng SV và giảng viên trong các trường đại học thường sử dụng facebook để chia sẻ tài liệu học tập, nghiên cứu cũng như trao đổi ý kiến về chuyên môn. Việc làm này được xem như là một trong những kênh hỗ trợ đắc lực cho phương pháp giảng dạy truyền thống, dẫn đến việc học tập của SV thuận tiện và hiệu quả hơn (Milosevic et al., 2015).

Giả thuyết H3. Thái độ sử dụng quyết định hành vi sử dụng mạng xã hội facebook (tác động dương).

Thái độ sử dụng là cấp độ thực hiện hành vi được đánh giá tích cực hay tiêu cực đối với việc sử dụng facebook. Thái độ là cảm giác tích cực hay tiêu cực về việc thực hiện hành vi mục tiêu (Ajzen và Fishbein, 1985), đó là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới việc thực hiện thành công hành vi dự định.

Giả thuyết H4: Nhận thức kiểm soát hành vi tác động đến ý định sử dụng facebook của SV (tác động dương).

Yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi được Ajzen (1985) thêm vào để điều chỉnh mô hình TRA. Nhận thức kiểm soát hành vi có vai trò quan trọng như sự tự đánh giá của mỗi cá nhân về sự khó khăn hay dễ dàng trong việc thực hiện một hành vi. Theo Ajzen (1991), yếu tố nhận thức kiểm soát này xuất phát từ sự tự tin của cá nhân người dự định thực hiện hành vi và điều kiện dễ dàng và thuận lợi để thực hiện hành vi. Taylor và Todd (1995) cho rằng việc người dự định thực hiện hành vi có đầy đủ thông tin cần thiết cho quyết định của mình và sự quyết đoán của cá nhân người dự định thực hiện hành vi chính là sự nhận thức kiểm soát hành vi của khách hàng. Theo thuyết này yếu tố quan trọng nhất xác định hành vi con người chính là ý định, ý định này được xác định bằng thái độ đối với việc xác định hành vi của cá nhân. Trong nghiên cứu này, đo lường nhận thức chủ quan của sinh viên về việc sử dụng mạng xã hội facebook là dễ dàng hay khó khăn và hành động đó có bị kiểm soát hay không.

2.3. Kết quả nghiên cứu

2.3.1. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA

Bảng 2. Thống kê đặc điểm mẫu nghiên cứu

Kết quả phân tích nhân tố lần 1 đối với 4 biến độc lập (34 biến quan sát) bao gồm: tính hữu ích, sự chia sẻ nguồn lực, thái độ sử dụng, nhận thức kiểm soát hành vi cho thấy kiểm định KMO và Barlett’s cho chỉ số KMO đạt 0.896 và giá trị kiểm định mức ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05; có 5 biến quan sát bị loại khỏi mô hình phân tích do có trị số Eigenvalues < 1. Tiến hành phân tích nhân tố lần 2 cho kết quả KMO đạt 0.844 và giá trị kiểm định mức ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05; có 4 biến quan sát tiếp tục bị loại khỏi mô hình phân tích do có trị số Eigenvalues < 1; tiếp tục phân tích nhân tố lần 3 cho kết quả:

Bảng 3. Kết quả KMO, Bartlett’s Test và Tổng phương sai trích cho biến độc lập lần 3

 

Từ số liệu bảng 3 cho thấy tất cả các yếu tố cần đánh giá của biến độc lập đều có các giá trị đạt với yêu cầu. Giá trị KMO = 0.841 thỏa mãn điều kiện 0.5 ≤ KMO ≤ 1, như vậy phân tích nhân tố khám phá EFA là thích hợp cho dữ liệu thực tế. Kiểm định tương quan giữa các biến quan sát Bartlett's có mức ý nghĩa thống kê Sig = 0,000 < 0.05 nên ta kết luận rằng các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhau trong mỗi nhóm nhân tố. Kết quả trên có 25 nhân tố có giá trị Eigenvalues >1, nhỏ nhất là 1.022 > 1, các nhân tố này sẽ được giữ lại trong mô hình. Ngoài ra trị số phương sai trích (Cumulative %) là 60.943% điều này có nghĩa là 60.943% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát. Như vậy, phương sai trích (Cumulative %) là 60.943% > 50% là có ý nghĩa nên mô hình EFA là phù hợp, sẵn sàng để tiến hành kiểm định mô hình hồi quy đa biến.

2.3.2. Kết quả phân tích hồi quy

Sau khi tiến hành phân tích hồi quy các thông số phân tích hồi quy như sau:

Bảng 4. Tóm tắt mô hình hồi quy

Kết quả phân tích từ bảng 4 cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,541 có nghĩa là các biến độc lập giải thích được 54,10% sự biến thiên của biến phụ thuộc “ý định sử dụng facebook” còn lại 45,9% là do các nhân tố ngoài mô hình và các sai số ngẫu nhiên. Như vậy, mô hình đưa ra là phù hợp với dữ liệu mẫu.

Mô hình hồi quy đã được kiểm định là phù hợp với dữ liệu mẫu, song vì tổng thể là rất lớn chúng ta chỉ chọn ra một lượng mẫu giới hạn để tiến hành điều tra, từ đó suy ra tính chất chung của tổng thể. Vì thế, để kiểm tra xem mô hình hồi quy tuyến tính này có thể suy rộng và áp dụng được cho tổng thể hay không ta sẽ dùng kiểm định F trong bảng ANOVA.

Bảng 5. Kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy

Số liệu tại bảng 5 cho thấy, giá trị của kiểm định F = 39,360, mức ý nghĩa = 0,000 < 0,05, chứng tỏ R2 của tổng thể khác 0, nghĩa là các biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc. Điều này đồng nghĩa với việc, mô hình hồi quy tuyến tính xây dựng được phù hợp với tổng thể và có thể đưa vào sử dụng.

2.3.2. Kết quả kiểm định giả thuyết về ý định sử dụng facebook

Kết quả kiểm định giả thuyết trong mô hình nghiên cứu cho thấy:

+ Giả thuyết H1: Tính hữu ích có tác động dương đến ý định sử dụng facebook của SV (β = 0.238, p-value = 0.000), kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Việc gia tăng các tiện ích của facebook, cũng như những giá trị sử dụng như dễ sử dụng, khả năng tương tác tốt sẽ khiến người dùng có ý định sử dụng nền tảng này lâu dài. Ngoài mục đích giải trí, kết nối xã hội, facebook cần phải phát triển như một công cụ hữu dụng đối với người dùng trong các lĩnh vực khác như marketting, môi trường học tập trực tuyến, quản lý học tập dựa trên facebook,…

+ Giả thuyết H2: Sự chia sẻ nguồn lực làm tăng ý định sử dụng facebook của SV (β = 0.153, p-value = 0.012), kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Khi facebook trở thành công cụ cung cấp tài nguyên/học liệu phục vụ cho việc học tập hoặc những cơ hội việc làm, gia tăng quan hệ xã hội sẽ tạo động lực cho SV tiếp tục sử dụng mạng này.

+ Giả thuyết H3: Thái độ sử dụng tác động âm đến ý định sử dụng mạng xã hội của SV (β= -0.102, p-value > 0.05), kiểm định giả thuyết cho kết quả ngược dấu so với kỳ vọng ban đầu, bác bỏ giả thuyết H3. Điều này được lýgiảido bị tác động bởi yếu tố sự dễ sử dụngdo đó nhiều người sử dụng mạng xã hội facebook như một trào lưu thay vì nhìn nhận rõ ràng lợi ích của những sản phẩm, công nghệ mà nó mang lại. Quan điểm cá nhân trong trường hợp này bị lấn át bởi các quan điểm, trào lưu của số đông.

+ Giả thuyết H4: Nhận thức kiểm soát hành vi tác động dương đến ý định sử dụng facebook của SV (β = 0.106, p-value = 0.055), kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Việc SV có nhận thức đúng về vai trò và những tiện ích facebook mang lại cho họ.

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng facebook của SV trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên bằng phương pháp định lượng cho thấy có 3 nhân tố có tác động tới ý định sử dụng facebook của SV, trong đó nhân tố tính hữu ích có ảnh hưởng mạnh nhất. Với mong muốn giúp SV sử dụng facebook một cách có ích, hiệu quả hơn trong học tập và đời sống xã hội, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà trường cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng khai thác tài nguyên internet cho SV, kỹ năng ứng phó với các thông tin trên mạng xã hội, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho SV những kiến thức về công nghệ mới, cách khai thác tài nguyên từ internet.

Thứ hai, Nhà trường nghiên cứu triển khai hệ thống quản lý học tập dựa trên nền tảng mạng xã hội facebook để facebook thực sự trở thành công cụ học tập hữu dụng, từ đó khuyến khích SV sử dụng facebook một cách hiệu qủa.

Thứ ba, SV cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng về quản lý thời gian cá nhân, lập kế hoạch, tự học và nghiên cứu khoa học; biết chắt lọc những thông tin tích cực, có ích, hạn chế những thông tin xấu, thông tin độc hại.

TS. Tạ Thị Thảo, Phạm Thị Ngân, Bàn Thị Hương

Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Ajzen, I. and Fishbein, M. (1980) Understanding Attitudes and Predicting Social Behavior. Prentice-Hall, Englewood Cliffs.

Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes.

Bùi Thành Khoa, Hồ Nhật Anh, Nguyễn Minh Lý, Nguyễn Xuân Trường (2021), Ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook đến thái độ mua hàng trực tuyến của giới trẻ trong thời kỳ chuyển đổi số, Tạp chí Khoa học công nghệ- IUH 50(02).

Davis, F.D.J.M.q., (1989), Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology.

Fishbein, M., & Ajzen, I. (1975). Belief, Attitude, Intention, and Behavior: An Introduction to Theory and Research

Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J. and Anderson, R.E. (2010) Multivariate Data Analysis. 7th Edition, Pearson, New York.

Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB. Hồng Đức

Nguyễn Đào Thái Hải (2019) Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ học sinh sử dụng facebook (Nghiên cứu trường hợp tại trường trung học cơ sở Chu Văn An tỉnh Thái Nguyên, ĐH Lao động- Xã hội).

Nguyễn Thái Bá (2019) Việc sử dụng mạng xã hội và kết quả học tập của sinh viên (Nghiên cứu trường hợp sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) (1.tr 23).

Nunnally, J.C. and Bernstein, I.H. (1994) The Assessment of Reliability. Psychometric Theory, 3, 248-292.

Rogers, E. M. (1983). Diffusion of innovations (3rd ed.). New York: The Free Press

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam