Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do tổ chức Tin Lành thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội

Lý luận trẻ | 08:50:00 07/05/2024

NCKH - Tóm tắt: Thời gian qua, một số tổ chức, hệ phái Tin Lành đã được huy động cùng chung sức tham gia với chính quyền địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội thực hiện hoạt động cai nghiện ma tuý. Để hoạt động này phát huy được hiệu quả, yêu cầu cấp thiết đã và đang đặt ra là cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức Tin Lành thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu, bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức Tin Lành thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ khoá: cai nghiện ma tuý; quản lý nhà nước; Tin Lành; thành phố Hà Nội

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Đây chính là sự cụ thể hoá cho chủ trương phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, phải tới Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khoá IX về công tác tôn giáo”, vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo mới được chính thức đề cập. Nội dung Chỉ thị nhấn mạnh: “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [2]. Đây là định hướng quan trọng để các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị khoá X “Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới” xác định rõ chủ trương: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma tuý; có chính sách khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt là công tác cai nghiện, dạy văn hoá, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ, không kỳ thị, phân biệt đợi xử với người nghiện ma tuý [1].

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 196.110 người nghiện ma túy, với gần 50% đang tham gia hoạt động cai nghiện ma túy trong 110 cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó, địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 17.600 người nghiện ma túy chiếm 9,2% tổng số người nghiện trên toàn quốc [4]. Thời gian qua, quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý, nhiều tổ chức tôn giáo đã được huy động, có nhiều đóng góp tích cực đối với công tác này, đặc biệt là việc tổ chức hỗ trợ cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Xem đây là một trong những hình thức hoạt động xã hội của các tôn giáo.

Nghiên cứu khảo sát thực tiễn cho thấy, hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội do đạo Tin Lành tiến hành thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đóng góp vào thành công chung của công tác cai nghiện ma tuý trên địa bàn Thủ đô. Thông qua hoạt động này, không chỉ giúp đạo Tin Lành lan toả giá trị yêu thương, những mặt tích cực của tôn giáo đến với quần chúng tín đồ, người dân Thủ đô, qua đó đây cũng là hoạt động rất thiết thực, gắn kết “việc đạo, việc đời”, chung tay cùng chính quyền trong đảm bảo dân sinh, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 3 tổ chức, hệ phái Tin Lành tham gia hỗ trợ cai nghiện ma tuý đối với người nghiện tại cộng đồng, bao gồm: Hội thánh Tin Lành Phúc âm toàn vẹn, Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo và Giáo hội Tin Lành phúc âm toàn vẹn Việt Nam, với 20 điểm cai nghiện, tập trung ở các địa bàn huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất và quận Đống Đa.

 

Việc tham gia hỗ trợ cai nghiện của các tổ chức hệ phái đạo Tin Lành đã có những đóng góp rất tích cực đối với xã hội, đã đạt được những hiệu quả bước đầu được chính quyền, tín đồ và người dân trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao; nhiều cơ sở hỗ trợ cai nghiện do đạo Tin Lành tổ chức đã có nhiều phương pháp, cách thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án cai nghiện ma túy do tổ chức Tin Lành thực hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội “hiện có khoảng 199/345 (57,68%) người cai nghiện sau cai nghiện từ hơn 1 năm, chưa phát hiện sử dụng lại ma túy. Có 69/345 học viên tốt nghiệp có nghề nghiệp và thu thập ổn định, 162/345 học viên cải thiện mối quan hệ với gia đình (chiếm 46,95%)” [4].

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất tích cực đã đạt được, việc tham gia hỗ trợ cai nghiện của các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập, lúng túng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, cho đến nay chưa có sự nghiên cứu, tổng kết đánh giá về hiệu quả của công tác hỗ trợ cai nghiện ma tuý do các tổ chức hệ phái đạo Tin Lành tiến hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, những vấn đề phức tạp về ANTT có thể nảy sinh liên quan đến hoạt động hỗ trợ cai nghiện của các tổ chức hệ phái đạo Tin Lành. Đồng thời, cũng chưa có nghiên cứu một cách hệ thống, tổng thể về thực trạng công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma tuý của các tổ chức tôn giáo, những vấn đề đã được triển khai, hiệu quả mang lại và những hạn chế, bất cập chưa được giải quyết triệt để.

Xuất phát từ lý do trên, nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như: phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp khảo sát thực tiễn; phương pháp chuyên gia; phương pháp nghiên cứu điển hình; các phương pháp điều tra xã hội học… Qua đó, đã tập trung làm rõ sự tham gia của các tổ chức hệ phái đạo Tin Lành vào công cuộc hỗ trợ cai nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua; khảo sát, làm rõ thực trạng quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma tuý của các tổ chức hệ phái Tin Lành trên địa bàn Thủ đô thời gian qua… từ đó chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập.

Thời gian tới, tình hình tội phạm ma tuý ở Việt Nam nói chung và địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, số lượng người nghiện mặc dù đã được kiềm chế, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là có xu hướng trẻ hoá về độ tuổi trong số người nghiện ma tuý. Vấn nạn ma tuý, vấn đề cai nghiện ma tuý vẫn sẽ tiếp tục là “gánh nặng” cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo như đạo Tin Lành.

Do đó, chủ trương chung vẫn là phát huy tối đa nguồn lực các tôn giáo vào công tác hỗ trợ cai nghiện ma tuý nói riêng, bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để sự tham gia của các tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành vào công cuộc hỗ trợ cai nghiện ma tuý có hiệu quả, yêu cầu cấp thiết đã và đang đặt ra là các cơ quan chức năng cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước, cũng như chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đối với việc hỗ trợ cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành thực hiện.

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do tổ chức Tin Lành thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội cụ thể như sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cơ quan chức năng về vai trò, vị trí của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo thực hiện, cũng như sự cần thiết phải huy động, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo như đạo Tin Lành vào công tác này. Theo đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên phổ biến, quán triệt để cán bộ đều nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh với tội phạm ma tuý, cũng như tổ chức các hoạt động cai nghiện ma tuý. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý, nhất là đối với hoạt động cai nghiện do các tổ chức tôn giáo thực hiện, qua đó kịp thời ngăn chặn, loại trừ các yếu tố là nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh các vụ việc phức tạp về ANTT. Thống nhất nhận thức về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong huy động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò của các tôn giáo trong công tác cai nghiện ma tuý.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành tiến hành. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý, trọng tâm là: rà soát, xem xét cấp phép cho những “điểm cai nghiện ma túy” do tổ chức Tin Lành thực hiện đủ điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; yêu cầu những điểm cai nghiện ma túy chưa đủ điều kiện, khẩn trương khắc phục trong một thời hạn nhất định, nếu không khắc phục được thì yêu cầu chấm dứt hoạt động; thường xuyên kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức hoạt động cai nghiện ma tuý; tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thực hiện pháp luật về cai nghiện ma tuý…

Ba là, chú trọng công tác nắm tình hình. Các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai các lực lượng, phương tiện, biện pháp nắm chắc tình hình hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc nắm thông tin cần được triển khai đồng bộ qua các biện pháp công khai và biện pháp nghiệp vụ, tập trung thu thập các thông tin nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành thực hiện; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hoạt động cai nghiện ma tuý, phát hiện các yếu tố là nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh các vụ việc phức tạp về ANTT tại các địa điểm cai nghiện ma tuý do tổ chức tôn giáo thực hiện…

Bốn là, tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá toàn diện, khách quan hoạt động cai nghiện ma tuý do tổ chức Tin Lành nói riêng, các tôn giáo nói chung thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý cho hoạt động này; đánh giá thực trạng tổ chức các hoạt động cai nghiện ma tuý do các tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành thực hiện trên địa bàn; chỉ rõ kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập còn tồn tại… Từ đó, đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành tham gia hoạt động cai nghiện ma tuý, hỗ trợ cộng đồng; đồng thời chủ động ngăn ngừa các yếu tố là nguy cơ gây mất ANTT từ hoạt động này.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có hoạt động cai nghiện ma tuý là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo, trong đó có tổ chức Tin Lành đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện “đồng hành cùng dân tộc” và đã đạt được những kết quả rất tích cực, song cũng còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Thực tế đó đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi với các cơ quan chức năng cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đối với các hoạt động xã hội của đạo Tin Lành nhằm đảm bảo cho các hoạt động này diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, chủ động ngăn chặn, loại trừ các yếu tố là nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh các vụ việc phức tạp về ANTT từ các hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành./.

Nguyễn Ngọc Hoàn - Nguyễn Xuân Trường 

   Lớp B1VBMK1 - Học viện ANND

TÀI LIỆU THAM KHẢO

        [1]. Bộ Chính trị (2008), Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 “V tếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”.   

        [2]. Bộ Chính trị (2018), Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới”.

        [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

        [4]. Hoàng Giang (2023), Gần 50% số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, https://tiengchuong.chinhphu.vn.

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam