Yên Bái: Dồn sức khắc phục khó khăn, phấn đấu có 13 xã về đích nông thôn mới trong năm 2021

Thời sự, Xã hội | 12:17:00 18/11/2021

TNV - Thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến giữa tháng 11/2021, toàn tỉnh có 85 xã/150 xã chiếm 56,67% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành xây dựng nông thôn mới, gồm: huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; riêng thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2020 đang được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, dự kiến sẽ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Trong 10 tháng đầu năm 2021, do chịu tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 gây ra, nên tỉnh Yên Bái mới có  03/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 23%;đó là các xã: Ngòi A - huyện Văn Yên), Tú Lệ - huyện Văn Chấn, xã Khánh Thiện – huyện Lục Yên. Và 06/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Tân Thịnh - huyện Văn Chấn; xã Bảo Hưng, xã Việt Thành, xã Minh Quán - huyện Trấn Yên, xã Hán Đà, Đại Minh – huyện Yên Bình) đạt 54,54%; đặc biệt, xã Đào Thịnh - huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thế Phước (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh) trao bằng công nhận xã 135 đặc biệt khó khăn Tú Lệ, huyện Văn Chấn đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái cũng nêu rõ, tính đến hết tháng 10/2021 số xã hoàn thành 19 tiêu chí là: 85 xã, chiếm 56,67%; số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là: 05 xã, chiếm 3,3%; số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là: 31 xã, chiếm 20,66%; số xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí là: 29 xã, chiếm 19,34%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân trên địa bàn tỉnh là 15,15 tiêu chí/xã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, trở ngại lớn nhất đặt ra cho các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới là khả năng huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế, nhất là đối với những xã nghèo, xã khó khăn, xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó, các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa khai thác, phát huy có hiệu quả; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ vẫn còn chiếm đa số.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn hóa xã hội còn những tồn tại như: Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn còn chậm. Một số địa phương tình trạng ô nhiễm môi trường đang có dấu hiệu tăng; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều xã vẫn còn nằm trong danh mục xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự.

Đoàn viên thanh niên xã Mỹ Gia (huyện Yên Bình) thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm

Do vậy, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của tỉnh Yên Bái trong 02 tháng cuối năm 2021 là: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội. Không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tranh thủ tối đa nguồn lực, kết hợp với lồng ghép đồng bộ, chặt chẽ nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các địa phương. Cũng như đa dạng hoá nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng xã hội hoá; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với công trình có khả năng thu hồi vốn; tăng cường hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hoá - thể thao.

Xã Hán Đà (Yên Bình) công bố đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Trong đó, chú trọng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh (trồng hoa từ nhà ra ruộng) tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, thí điểm các mô hình phân loại rác và khuyến cáo không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng (Làng nghề, bãi tập trung chôn lấp, xử lý rác, nước thải...) và phát động các phong trào làm sạch làng quê.

 Khánh thành nhà văn hóa thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú ý quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình (bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác); tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Dồn sức khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch

Bên cạnh việc tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong 2 tháng cuối năm, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và dồn sức khắc phục khó khăn, đôn đốc các địa phương tăng tốc triển khai thực hiện; phấn đấu công nhận thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nângtổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 lên 13 xã/13 xã (đạt 100% kế hoạch), trong đó có 06 xã xuất phát điểm thấp từ xã 135 đặc biệt khó khăn. Cụ thể trong tháng 11 phấn đấu có 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tân Hợp - huyện Văn Yên; xã Mỹ Gia, Phúc Ninh, Xuân Lai, Bảo Ái, Cảm Nhân – huyện Yên Bình) và 04 xã trong tháng 12 là: xã Sơn Lương, Minh An - huyện Văn Chấn; xã Viễn Sơn – huyện Văn Yên,  xã Tân Lĩnh - huyện Lục Yên.

 Lãnh đạo huyện Yên Bình tặng bình phun thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Gia

Đồng thời, phấn đấu công nhận thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu 01 xã). Cụ thể: Tháng 11 công nhận 03 xã (Nghĩa Lợi – Thị xã Nghĩa Lộ; Tân Đồng, Nga Quán - huyện Trấn Yên); tháng 12 thêm 03 xã (Thượng Bằng La – huyện Văn Chấn; Đông Cuông, Đại Phác – huyện Văn Yên). Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu có thêm 02 xã diện 135 đặc biệt khó khăn là: Nậm Khắt – huyện Mù Cang Chải và Châu Quế Thượng – huyện Văn Yên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2021; dự kiến được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm sau -2022.

Trao đổi qua điện thoại với ThanhnienViệt ông Triệu Như Đình - Chủ tịch xã Minh An – xã 135 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn chia sẻ: Xã vừa gấp rút thi công các hạng mục phụ cuối cùng như sơn bả, vôi ve, làm sân nhà văn hóa xã và thôn Đồng Thập, vừa khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thiện tiêu chí Môi trường như đang xây nhà đốt rác tập trung, đào hố chôn lấp rác sinh hoạt, lắp đặt 370 phuy chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên toàn bộ diện tích canh tác của xã và tổ chức các tổ tự quản do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đảm nhận vận động toàn dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, giữ gìn môi trường. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, xã Minh An sẽ hoàn thành 19 tiêu chí và trình hồ sơ lên tỉnh thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 Mô hình du lịch cộng đồng gia đình chị Lường Thị Chung, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Được biết, xã Nghĩa Lợi là điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn phát huy văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc Thái.  Xã Nghĩa Lợi về đích nông thôn mới năm 2017 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.

Đối với xã nông thôn mới Nghĩa Lợi thuộc thị xã Nghĩa Lộ và xã Thượng Bằng La huyện Văn Chấn thì chỉ còn thiếu 3-5% dân số có Bảo hiểm Y tế là hoàn thành 5/5 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Theo Chủ tịch xã Nghĩa Lợi Lường Văn Hà, tính đến giữa tháng11/2021 tỷ lệ dân số của xã có BHYT đạt khoảng 87%, còn chưa đầy 100 người nữa tham gia BHYT là xã đạt chỉ tiêu. Về phía xã Thượng Bằng La thì cần vận động thêm khoảng 400 người tham gia  mới đạt chỉ tiêu. Với cách làm vận động bà con mua BHYT theo quý để giảm khó khăn tài chính do ảnh hưởng của Covid – 19 (khoảng 200 nghìn đồng/người/quý), chủ tịch của cả hai xã đều khẳng định khoảng chục ngày nữa xã sẽ đạt chỉ tiêu về BHYT, hoàn thành hồ sơ để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Được biết, tính đến ngày 18/11/2021, tỉnh Yên Bái đã có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và trong dịp trung tuần tháng 11 này cả 9 xã về đích nông thôn mới năm 2021 và 5/6 xã nông thôn mới nâng cao đã tiến hành xong lễ công bố, mang tới niềm tin vui, phấn khởi tự hào cho toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cùng đoàn kết chung tay giữ vững và phát triển các thành quả xây dựng nông thôn mới trong ngày Hội đại đoàn kết các dân tộc./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam