Hầu Đồng – Nét đẹp văn hóa trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu của dân tộc

Giải trí, Văn hóa | 09:38:00 28/09/2023

TNV - Ngày 01/12/2016, tại Ethiopia, “Tín ngưỡng thờ Mẫu” trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đời sống thực tai, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm “hầu đồng”. Nghi thức Hầu đồng nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện trong đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ người dân Việt như một món ăn tinh thần không thể thiếu. 

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp cũng bởi lẽ đó, văn hóa Việt Nam có tính tổng hợp và dung hòa. Tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh sống dựa nhiều vào thiên nhiên của con người, nên qua hàng trăm năm thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. “Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” đã cho thấy được tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tâm linh và văn hóa Việt Nam. 

Hình ảnh trong chương trình: Ngày hội tụ tinh hoa Đạo Mẫu Việt Nam lần thứ I,II, III, tại Hà Nội. 

Tín ngưỡng thờ Nữ thần - (thờ Mẫu) do cộng đồng người Việt sáng tạo và trao truyền, bảo tồn từ lâu đời. Đây là sản phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên và xã hội của cư dân nông nghiệp lúa nước với điều kiện sống và môi trường tự nhiên xung quanh. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng trong đó nhiều giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Đó là sự phản ánh hiện thực khách quan về đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”. Trong đó, hình ảnh người Mẹ được tôn vinh ở vị trí trung tâm. Ngoài ra, Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự kết hợp của nhiều nét đẹp văn hóa dân gian như: Âm nhạc, ngôn ngữ, kiến thức, trang phục... tiêu biểu là nghi lễ hát Chầu văn và Hầu Đồng - một hình thứ biểu diễn sân khấu huyền ảo, mang đầy tính linh thiêng. 

Nghệ nhân thanh đồng Trần Văn Trung - Loan giá phụng hành. 

Là một trong những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân thanh đồng Trần Văn Trung cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam thường có lễ Tết thượng nguyên đầu năm để cầu mong cho mọi người một năm mới có nhiều sức khỏe, đất nước bình an, thịnh vượng, thế giới được hòa bình.

Mang trong mình tính hoài cổ, luôn tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nghệ nhân, thanh đồng Trần Văn Trung tâm niệm phải giữ được nét văn hóa truyền thống khi thực hiện Nghi thức Hầu Đồng. Khi làm lễ, thanh đồng phải chuẩn bị từ trang phục, diện mạo, khí chất phải chỉnh chu, mỗi hành động phải luôn hướng về chữ “Tâm”, luôn tâm niệm theo thuyết nhân - quả, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Khi vào từng giá đồng, phải làm thế nào để hay nhất, mang tới một hình ảnh đẹp nhất, vừa tâm linh, vừa chân thực, gần gũi với đời sống. Mọi người sinh ra đều có nguồn cội, tổ tông, tín ngưỡng được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm mọi việc phải từ tâm của mình, xã hội mỗi người có quyền tự do tín ngưỡng nhưng bản thân phải giữ đúng chuẩn mực, quy chuẩn của truyền thống, không được hiểu sai, biến tướng, làm xấu đi theo hướng mê tín dị đoan về nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức Hầu Đồng. Tất cả những nét đẹp đó chính là những giá trị mà Nghi thức Hầu đồng luôn hướng tới.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương, chương trình “Hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 - 2022) đã thu được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại. Hy vọng rằng nét đẹp văn hóa tâm linh của Nghi thức Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy, thể hiện rõ thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc của người Việt trong sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

 PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam