Quỹ phát triển đất là gì? Đề xuất quy định mới về quỹ phát triển đất

Bất động sản | 15:29:45 26/04/2024

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất với nhiều đề xuất mới được bổ sung.

Hình minh họa

Quỹ phát triển đất là gì?

Quỹ phát triển đất trước đây được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 (Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ), pháp luật đất đai năm 2013 (Điều 111 Luật Đất đai năm 2013, Điều 6 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).

Quỹ phát triển đất của địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập để ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ phát triển đất được sử dụng để ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức, hoạt động của Quỹ phát triển đất còn nhiều khó khăn

Bộ Tài chính cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, trong đó tại Điều 114 quy định về Quỹ phát triển đất và giao "Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

Tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Thủ tướng Chính phủ phân công: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định về Quỹ phát triển đất, thời hạn ban hành tháng 5/2024.

Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2024, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Để đánh giá thực trạng hoạt động của Quỹ phát triển đất tại các địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát chính sách liên quan và có các Công văn gửi các địa phương để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Qua tổng hợp báo cáo của 63/63 địa phương gửi Bộ Tài chính thời điểm năm 2023 cho thấy, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất; trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Theo báo cáo của các địa phương, việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất là cần thiết, góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án.

Thực tế thực hiện cho thấy, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án/nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc ra đời của Quỹ phát triển đất đã góp phần đáp ứng các nhu cầu nêu trên.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trong thời gian qua còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Quỹ. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu như sau:

- Chưa rõ nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm những nguồn vốn nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ; việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ được thực hiện như thế nào (mức vốn điều lệ cấp cho Quỹ, thẩm quyền, thủ tục cấp).

- Cơ cấu tổ chức của Quỹ trong trường hợp ủy thác toàn bộ cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương còn có điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động.

- Thiếu cơ chế để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của bộ máy, quản lý hành chính của Quỹ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Quy định về việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất (nguồn hoàn trả, trình tự, thủ tục hoàn trả vốn ứng...) tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung.

- Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất dẫn đến một số nội dung của Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Đề xuất quy định mới về Quỹ phát triển đất

Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ phát triển đất; khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì chỉ cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, để bao quát thực tế có thể phát sinh, dự thảo Nghị định quy định như sau:

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh giao cho Sở Tài chính hoặc cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập hồ sơ đề nghị thành lập Quỹ phát triển đất, trình UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ, ban hành Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trên cơ sở Đề án thành lập Quỹ đã được HĐND cấp tỉnh thông qua.

Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn.

Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, hạch toán độc lập. Tên gọi: "Quỹ phát triển đất" ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quỹ phát triển đất có chức năng tiếp nhận, huy động vốn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất

Để phù hợp với yêu cầu tăng cường quản lý Quỹ, dự thảo Nghị định có bổ sung, sửa đổi một số quy định sau:

Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý là số lẻ; Chủ tịch Hội đồng quản lý là Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Phó Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản lý phải có Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Quỹ.

Trong trường hợp ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý nguồn vốn và hoạt động của Quỹ phát triển đất thì Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất là Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ (Ban điều hành) của Quỹ nhận uỷ thác nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Chủ tịch Hội đồng quản lý là Chủ tịch UBND cấp tỉnh;

- Thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ phải có Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

Đề xuất 2 phương án về nguồn vốn hoạt động của Quỹ

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm:

- Vốn điều lệ:

Phương án 1: Vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất.

Phương án 2: Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

- Quản lý vốn điều lệ:

Phương án 1: Vốn điều lệ của Quỹ được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phương án 2: Vốn điều lệ của Quỹ được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn.

Sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất

Dự thảo Nghị định quy định vốn hoạt động của Quỹ được sử dụng để:

- Ứng vốn cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý nhằm nâng cao giá trị khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Châu An (TH)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam