Dựng lán, ngủ rừng, trồng giống lê quý mỗi năm thu hàng trăm triệu

Thời sự, Xã hội | 09:54:00 11/08/2020

TNV - Để tiện cho việc lai ghép, trồng trọt, chăm sóc, năm 2013 chị dựng một lán tre, mái bằng tấm lợp rộng 28 m2 làm chỗ ở lại, che mưa che nắng. Mãi đến năm 2017, chị mới cơi nới sửa sang thành nếp nhà nho nhỏ nằm tách biệt khu dân cư đông vui, lọt thỏm giữa mênh mông những vườn đồi canh tác và rừng xanh, núi thẳm. Không phụ công sức tảo tần, ý chí vươn lên mạnh mẽ của chị, năm 2019 vườn lê cho thu được 03 tấn, trị giá 120 triệu đồng; vụ 2020 vừa qua là 10 tấn thu về 500 triệu đồng.

Tín hiệu kinh tế khả quan của giống lê mới

Mấy năm gần đây, tỉnh Sơn La nổi lên thành vựa trái cây lớn nhất của cả nước với các loài quả chủ lực và mang đậm hương vị đặc trưng riêng như xoài, nhãn, mận hậu, cam, na, chanh leo… Trong đó, huyện Yên Châu – một trong những thủ phủ trái cây của Sơn La – được biết đến không chỉ là xứ sở của xoài thơm, chuối ngọt mà còn là vùng đất của nhãn, của mận… cho sản lượng lớn và chất lượng cũng nức tiếng thơm ngon.

 Những cây lê của gia đình chị Mây sai trĩu quả. Ảnh: G. Đình

Hai năm nay, người tiêu dùng chủ yếu ở thành phố Sơn La còn tấm tắc ngợi khen về những trái lê Yên Châu ngọt, giòn và mọng nước được trồng ở một xã vùng cao biên giới tiếp giáp nước bạn Lào.

Theo ông Vũ Hải Yến - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu – thấy tín hiệu kinh tế khả quan của giống Lê Tai nung 6 mà hộ bà Đinh Thị Mây ở bản Cồn Huất, xã biên giới Phiêng Khoài đưa về trồng đầu tiên, tháng 11/2019 huyện Yên Châu đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật canh tác giúp bà con ở các xã Phiêng Khoài, Yên Sơn và Lóng Phiêng trồng 50 ha giống lê quý này.

Đầu tháng 8/2020, tuy vừa hết vụ lê nhưng vì khâm phục người phụ nữ ở mảnh đất xa xôi vùng biên có công đưa giống lê lạ mở ra hướng đi mới cho nhiều bà con trong huyện nên tôi vẫn được ông Yến “chiều lòng” đích thân lái xe đưa đi thăm vườn lê ở xã Phiêng Khoài, cách trung tâm huyện chừng 35 cây số.

Tìm những trái lê cuối mùa còn sót lại. Ảnh: P. Quỳnh

Trên đường đi, ông Yên tâm sự: Tuy là xã biên giới xa xôi, nhưng đời sống thu nhập của nhân dân xã Phiêng Khoài lại cao nhất nhì huyện nhờ nguồn thu từ trồng mận hậu, nhãn, chanh leo...

Quả vậy, đi tới đâu tôi cũng gặp hình ảnh những vườn nhãn đang vào vụ trĩu quả, những giàn chanh leo xanh mướt, những nương mận đang được chăm sóc chuẩn bị cho vụ sau nằm gối nhau bên triền đồi và nhiều ngôi nhà tiền tỷ được xây cất khang trang, như báo hiệu về cuộc sống no đủ, bước chuyển mình của một đô thị vùng biên sầm uất trong tương lai không xa.

Ở thị trấn Yên Châu nóng nực khó chịu là vậy, mà ở vùng giáp biên này khí hậu thật mát mẻ, dễ chịu, có lẽ phải chênh nhau 5-70c. Mở cửa xe đón nhậm cảm giác mát lành, khoan khoái như đang ở cao nguyên Mộc Châu, tôi chợt nghĩ: Nếu khuyến khích bà con làm du lịch cộng đồng, cho du khách trải nghiệm thăm thú những vườn trái cây thì thú vị biết bao!.

Từng miếng lê giòn tan, ngọt mát và mọng nước, nuốt tới đâu cái mệt, cơn khát như
được xua tan tới đó. Ảnh: P. Quỳnh

Sau màn chào hỏi với nụ cười mộc mạc dễ gần của Chủ tịch xã Phiêng Khoài Đặng Văn Cương, chúng tôi được Phó Chủ tịch xã Bùi Văn Quân đưa đi thăm cơ sở chế biến chè và cơ sở chế biến, bảo quản mận đang trong quá trình đầu tư mở rộng nhà xưởng, kho bảo quản lạnh trước khi tới thăm mô hình trồng giống lê da xanh. Anh Yến bật mí, gia đình anh Quân cũng là điển hình trong phát triển kinh tế cho thu nhập cao, mấy năm nay năm nào cũng thu mấy trăm triệu đồng từ trồng mận hậu, nhãn, xoài đấy.

Anh Quân khiêm tốn nói, nhiều hộ trong xã có thu nhập từ trồng cây ăn quả cao hơn nhiều, gia đình tôi đã thấm tháp gì. Như để minh chứng, anh Quân sôi nổi cho biết: Hiện trong xã có 02 hộ thu nhập từ 1,8 – 2 tỷ đồng/năm; khoảng 25 hộ thu có thu nhập mỗi năm trên 01 tỷ đồng và 40 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng/năm, còn số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm thì nhiều lắm.

Bà con háo hức nhận giống lê quý về trồng. Ảnh: H. Yến

Cũng theo Phó Chủ tịch Bùi Văn Quân, nguồn thu chính vẫn do cây mận hậu đem lại chiếm trên 70% thu nhập của bà con, tiếp đến là cây chè, chanh leo, cà phê, nhãn, xoài. Hiện nay, bà con đang háo hức trồng thêm giống lê mới.

Được biết, với vị trí trung tâm 05 xã biên giới, dân số đông nhất huyện, có đường tiểu ngạch thông quan với nước bạn Lào, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây trồng bốn mùa, xã Phiêng Khoài phấn đấu trở thành đô thị loại V vào năm 2025.

Người phụ nữ nhanh nhạy đưa giống lê quý về trồng

Tuy đã gần trưa, nhưng chiếc xe vẫn leo dốc băng qua đoạn đường đầy sỏi đá lạo xạo chạy thẳng tới khu trại trồng giống Lê Tai nung 6 của chị Mây nằm mãi sâu trong núi.

 Hộ anh Vương ở bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài nhận 01ha Lê Tai nung 6
về trồng đang sinh trưởng tốt. Ảnh: V. Quân

Chưa kịp chào hỏi chủ nhà, chúng tôi đã vội tản vào vườn lê ngắm nghía, tìm mót những quả lê cuối mùa còn sót lại trên cành. Nhận ra khách quen, mẹ con chị vồn vã chạy ra mời vào nhà, nhanh nhảu lấy rổ lê cuối vụ còn lại bổ ra mời khách.

Từng miếng lê giòn tan, ngọt mát và mọng nước, nuốt tới đâu cái mệt, cơn khát sau một hồi đi bộ giữa trưa nắng như được xua tan tới đó.

Chị Mây kể, năm 2012 trong một chuyến đi chơi nhà bạn ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), chỉ mới nhìn thấy quả Lê Tai nung 6 qua Zalo và lời kể của bạn, chị đã rất thích thú và nảy ra ý định phải đưa bằng được giống lê quý này về nhà trồng. Bởi chị nghĩ, khí hậu thổ nhưỡng ở Bắc Hà cũng tương tự như ở Phiêng Khoài, thì chắc hẳn ở Phiêng Khoài giống lê này cũng trồng được.

Được người bạn cho 10 cây lê mới ra quả bói về trồng, chị mừng rỡ đưa về mảnh đồi đang trồng ngô trồng thử nghiệm. Năm sau, thấy giống lê mới sinh trưởng tốt, cho quả thơm ngon khác hẳn những quả lê thường thấy trên thị trường. Với tố chất nhanh nhạy của người từng buôn bán hoa quả theo mùa, chị táo bạo thu mua cây mắc - cọp (lê) rừng dại về ghép với mắt của giống lê quý; đồng thời, trồng đại trà 1.000 cây lê mới thay thế hết diện tích trồng ngô kém hiệu quả trước đây.

Tiểu thương về tận vườn nhà chị Mây đặt mua với giá 50 ngàn đồng/kg. Ảnh: H. Yến

Để tiện cho việc lai ghép, trồng trọt, chăm sóc, năm 2013 chị dựng một lán tre, mái bằng tấm lợp rộng 28 m2 làm chỗ ở lại, che mưa che nắng. Mãi đến năm 2017, chị mới cơi nới sửa sang thành nếp nhà nho nhỏ nằm tách biệt khu dân cư đông vui, lọt thỏm giữa mênh mông những vườn đồi canh tác và rừng xanh, núi thẳm.

Không phụ công sức tảo tần, ý chí vươn lên mạnh mẽ của chị, vụ lê năm 2019 chị thu được 03 tấn, trị giá 120 triệu đồng; vụ 2020 vừa qua là 10 tấn thu về 500 triệu đồng.

Chị cười thật thà chia sẻ, do hợp đất, hợp khí hậu nên cây nào cũng sai quả, chỉ sợ nhất mỗi ruồi vàng, vì vậy phải bao bọc quả cẩn thận. Còn về chất lượng thì các em vừa ăn là biết rồi đó, các thương lái luôn đặt trước, hái đến đâu là họ đến tận nhà lấy luôn chứ chưa cần phải đi tiếp thị. 

Tiêu thụ thuận lợi như vậy cũng phải cảm ơn Ngày hội Xoài Yên Châu 2019, đã cho chị cơ hội đem đi 02 tạ lê vừa mới chớm đầu vụ thu bói đi giới thiệu sản phẩm và đã bán hết veo ngay trong ngày đầu mở hội; nhờ vậy, từ đây các tiểu thương và đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh mới biết đến sản phẩm lê Phiêng Khoài – gương mặt của người phụ nữ 54 tuổi quê gốc Hưng Yên theo bố mẹ lên xã vùng cao biên giới xây dựng kinh tế mới từ năm 13 tuổi ánh lên niềm xúc động cho biết.

Chị nói tiếp, ngoài hơn 1.000 cây lê đã cho quả, gia đình mình còn 2.000 cây nữa đến năm 2022 sẽ cho thu quả; gia đình con trai cả có 500 cây, trong đó, 100 cây mới cho quả bói; gia đình con gái trồng 300 gốc cách đây 03 năm, sang năm cũng được thu quả. Như vậy, riêng 3 mẹ con chị đã có gần 4.000 gốc lê giống mới, hứa hẹn sẽ đem về khoản thu lớn lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm trong vài năm tới.

Được biết, 2 năm nay chị còn cung cấp mỗi năm khoảng 2.000 cây lê giống cho bà con trong khu vực. Theo chị Mây, trước đây chị vận động bà con quanh vùng cùng trồng giống lê da xanh nay nhưng chẳng ai trồng theo, mấy năm nay nhìn thấy thành quả của gia đình mình bà con đều tin tưởng trồng theo.

Nhìn hàng ngàn cây lê giống chị Mây dâm sẵn trong vườn, tôi thầm nghĩ cứ đà này chỉ dăm năm nữa thôi, Phiêng Khoài và mấy xã biên giới của huyện Yên Châu sẽ trở thành vùng lê có tiếng, huyện Yên Châu và tỉnh Sơn La lại có thêm một nông sản chủ lực, mang lại cuộc sống ấm no đủ đầy cho hàng ngàn hộ đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở vùng cao biên giới./. 

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam