Xuất khẩu các sản phẩm gỗ có thể đạt mức hai con số

Thời sự, Kinh tế | 14:22:00 22/02/2019

Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam” chiều ngày 21-2 tại Hà Nội.

Năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục được duy trì ở mức hai con số và có thể đạt 10,5 tỷ USD như ngành nông nghiệp đã đặt ra. Đây là nhận định của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tại Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam” chiều ngày 21-2 tại Hà Nội.

Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam” tổ chức 21-2, tại Hà Nội.

Ông Quyền cho biết: Năm 2018 là năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ đạt hơn 8,9 tỷ USD (không tính các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ), tăng 14,5% so với năm 2017. Năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục được duy trì ở mức hai con số và có thể đạt 10,5 tỷ USD như ngành nông nghiệp đã đặt ra.

Đáng chú ý là nguyên liệu cho chế biến gỗ trong nước đã chiếm 75%, chỉ nhập khẩu nguyên liệu 25%. Các doanh nghiệp trong nước đã chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đã phát triển trên cả ba miền một cách toàn diện và đồng đều.

Mặc dù đang tăng trưởng mạnh, nhưng ngành chế biến gỗ vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của ngành. Các yếu tố tạo nên sự chưa bền vững của ngành thể hiện trên các khía cạnh về chủng loại mặt hàng xuất khẩu và nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào trong sản phẩm xuất khẩu.

3 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong bối cảnh ngành đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, điều đó cho thấy các động lực trong nước vẫn chưa đủ mạnh để giữ lại nguồn nguyên liệu này phục vụ chế biến sâu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp (DN) vẫn đang tiếp tục xuất khẩu một số loại gỗ xẻ là gỗ rừng nhiệt đới được nhập khẩu từ các quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém...

Đưa ra những giải pháp trong thời gian tới, ông Quyền nói: Về chiến lược dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào việc gia tăng lượng, mà cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng.

Điều này đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu khác nhau của chuỗi cung, đặc biệt trong các khâu như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

T.H

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam