Yên Bái: Đẩy mạnh “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân

Thời sự, Xã hội | 09:23:00 08/09/2020

TNV - Chương trình hành động số 190-CTr/TU của Tỉnh ủy, giao Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái thực hiện tiêu chuẩn hóa 70 sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019 – 2020 thay cho chỉ tiêu trước đó là 20 sản phẩm, nhằm đẩy mạnh “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh.

Đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu;tạo nên động lực mới

Theo Báo cáo từ Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 7 tháng đầu năm 2020 Văn phòng Điều phối Chương trình đã tham mưu văn bản Đề nghị Uỷ ban nhân các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành đoàn thể có liên quan triển khai đăng ký sản phẩm (OCOP), dự kiến khung thời gian đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2020 và tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 đối với các huyện, thị xã, thành phố.

 Hội thảo đánh giá, lập kế hoạch, khảo sát và thúc đẩy Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái tổ
chức tháng 6/2020. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của 14 chủ thể tiềm năng
phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: P. Thúy

Đồng thời, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan ban hành hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán cho các sản phẩm đã được chứng nhận sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2020; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1475/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 01/7/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, thực hiện Chương trình hành động số 190-CTr/TU của Tỉnh ủy, giao Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái thực hiện tiêu chuẩn hóa 70 sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019 – 2020 thay cho chỉ tiêu trước đó là 20 sản phẩm, nhằm đẩy mạnh “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh.

Hưởng ứng Chương trình hành động số 190-CTr/TU, các khối đoàn thể (Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Tỉnh đoàn) cùng với Uỷ ban nhân các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020 là 86 sản phẩm. Nhưng, đến thời điểm hiện tại qua rà soát nhanh các huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể số sản phẩm đăng ký hiện tại là 91 sản phẩm, tăng so với số lượng đăng ký ban đầu; qua đó, khẳng định tinh thần tích cực của các khối đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đánh giá về những khó khăn trong thực hiện Chương trình, Báo cáo nêu rõ: Do đây là một Chương trình mới, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, nhận thức của nhiều cán bộ ở các cấp, các cơ quan, ban ngành, địa phương nhìn chung vẫn còn hạn chế về Chương trình (OCOP). Một số chính sách khi triển khai thực hiện còn bộc lộ bất cập như: Hỗ trợ chính sách áp tại Thông tư số 08/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung hỗ trợ về phát triển sản phẩm còn hạn chế, cụ thể như “Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ in tem, giấy chứng nhận”, trong khi đó nhu cầu các chủ thể cần được hỗ trợ nội dung khác như: Bao bì, túi đựng sản phẩm,  chứng nhận an toàn thực phẩm, dây truyền công nghệ... thì không có trong quy định tại thông tư 08/2019/TT-BTC.

Tháng 5/2020, huyện Lục Yên tổ chức hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP đợt 1 đối với 3 sản phẩm:
dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng và lạc ri vỏ đỏ của HTX Thái Sơn. Ảnh: P. Thúy

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận chủ thể tham gia Chương trình còn chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ chu trình, nội dung và cách thức tham gia Chương trình OCOP, chưa nhận diện đầy đủ lợi ích khi tham gia chương trình OCOP. Một số doanh nghiệp ngại tham gia vì phải hoàn thiện nhiều thủ tục như các mẫu xét nghiệm, các chứng nhận chất lượng sản phẩm, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường v.v.

Mặt khác, việc xây dựng hoàn thiện một bộ hồ sơ sản phẩm OCOP mất nhiều thời gian, đòi hỏi các tài liệu minh chứng bổ sung như: Giấy đủ điều kiện sản xuất; công bố chất lượng sản phẩm (phải có phiếu kiểm nghiệm sản phẩm), mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, kế hoạch bảo vệ môi trường... cần thời gian hoàn chỉnh theo Bộ tiêu chí đánh giá tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai chương trình OCOP, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng của chủ thể kinh tế nên Chương trình OCOP ở tỉnh Yên bái đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.  Lũy kế đến hết tháng 7 năm 2020, toàn tỉnh có 18 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên.   

Trong đó, thành phố Yên Bái dẫn đầu với 06 sản phẩm (Miến Đao Giới Phiên, Dưa Lê Âu Lâu, Chanh Tứ thời Văn Phú, Dưa chuột Văn Phú, Rau cải ngọt Tuy Lộc, Mật Ong Đa hoa tự nhiên); kế tiếp là huyện Trấn Yên 04 sản phẩm (Trà Bát tiên, Quế điếu thuốc, Nước nguồn tinh khiết từ thiên nhiên Ban Na, Miến Đao xã Quy Mông), huyện Lục Yên 03 sản phẩm (Dầu lạc đỏThái Sơn, Dầu Lạc Trắng, Lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn);

Các huyện Văn Yên 02 sản phẩm (Nước lau sàn, Nước rửa chén), huyện Văn Chấn có 01 sản phẩm (Tuyết Sơn Trà), huyện Yên Bình 01 sản phẩm (Bưởi Đại Minh), Thị xã Nghĩa Lộ 01 sản phẩm (Gạo Séng cù).

Đặc biệt, các địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, có lợi thế, xác định được chủ thể kinh tế tham gia Chương trình (OCOP) nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 theo Chương trình hành động số 190-CTr/TU. 

Các địa phương cần xác định lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Triển khai phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2020, được biết tháng 8/2020, Văn phòng điều phối NTM tỉnh phối hợp với các đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP, đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ cấp huyện. Tiếp nhận hồ sơ cấp tỉnh; kiểm tra, đánh giá hồ sơ và tham mưu triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2/2020 từ 18 – 20 sản phẩm.

Sản phẩm OCOP Tinh dầu Đại Phú An của huyện Văn Yên. Ảnh: C. Nhung       

Được biết, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo Chương trình hành động số 190-CTr/TU, Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh dự kiến tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cụ thể như sau: Đợt 02 trước 20/9/2020; Đợt 03 trước 30/10/2020; Đợt 04 trước 10/12/2020.

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho 12 chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020 thuê chuyên gia tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ sản phẩm (đã gửi công văn số 47/CV-VPĐP ngày 04/8/2020 cho các huyện, thị xã, thành phố đăng ký thuê chuyên gia); tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn  2019-2020, định hướng đến năm 2030” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia chương trình OCOP. Bởi Chương trình OCOP là chương trình kinh tế của cộng đồng, là giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Muốn vậy, phải đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương. Thực hiện xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình từ tỉnh đến xã. Vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại,... để hỗ trợ các sản phẩm OCOP.

Về phía chính quyền các địa phương cần xác định việc xây dựng sản phẩm OCOP là một lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cần bám sát các chính sách đã được ban hành, đặc biệt cần tập trung vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, tiềm năng của tỉnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Cùng với đó, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn cấp huyện, cấp xã hiểu rõ bản chất của chương trình OCOP; phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình; đặc biệt quan tâm đến chủ trương phát triển các chủ thể kinh tế, làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.

80 đại biểu đến từ các xã, thị trấn, các HTX, tổ hợp tác trong huyện Lục Yên tham gia t
ập huấn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”  tháng 11/2019. Ảnh: P. Thúy

Kết hợp việc tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh trên địa bàn toàn quốc với chú trọng hợp tác, liên kết trao đổi thông tin giữa hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại với các chủ thể sản xuất để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; tăng cường kết nối giữa các chủ thể sản xuất với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Dự kiến các tháng cuối năm tham gia từ 3-5 hội chợ triển lãm ngoài tỉnh./.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam