Ông Donald Trump tên đầy đủ là Donald John Trump, sinh ngày 14/6/1946 tại thành phố New York, Mỹ, là người con thứ 4 của nhà kinh doanh bất động sản Fred Trump và Mary MacLeod Trump. Không chỉ được biết đến là một nhà kinh doanh, chủ sở hữu bất động sản nổi tiếng tại Mỹ và toàn thế giới, ông Trump cũng từng có nhiều hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Trong những năm 2000 và 2012, tỷ phú Donald Trump từng bày tỏ ý định tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Ngày 16/6/2015, ông Trump chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ bằng câu nói: "Tôi chính thức chạy đua vào chức Tổng thống Mỹ và chúng ta sẽ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ngày 19/7/2016, ông Trump chính thức được Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa bầu làm ứng cử viên của đảng này tranh cử Tổng thống Mỹ. Cùng với khẩu hiệu trên, chiến dịch tranh cử cho đảng Cộng hòa do ông Trump dẫn đầu đã thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông nhiều hơn tất cả các ứng viên khác của đảng này gộp lại.

Trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng đồng nghĩa với việc ông Trump phải giải quyết các vấn đề mới và đang còn dang dở trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại, từ vấn đề nhập cư, kiểm soát súng đạn, phân biệt khoảng cách giàu nghèo, cải cách y tế… cho tới các vấn đề quốc tế nổi cộm như chiến sự ở Syria, Iraq, chương trình hạt nhân Triều Tiên hay quan hệ với các nước lớn gồm Nga và Trung Quốc... Liệu nước Mỹ sẽ có những đổi thay gì dưới vai trò lãnh đạo của một Tổng thống đầu tiên xuất phát từ tầng lớp doanh nhân? Lời giải đáp cho câu hỏi này vẫn còn ở phía trước.

Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos tiến hành trong ngày bầu cử cho thấy, có tới 2/3 cử tri Mỹ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp kiểm soát súng đạn ở mức độ “vừa phải hoặc mạnh mẽ”. Con số này tăng đáng kể so với 59% cử tri đưa ra câu trả lời tương tự bên lề cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Cuộc thăm dò cũng cho thấy quan điểm của người dân Mỹ về vấn đề nạo phá thai – một chủ đề vốn đang gây nhiều chia rẽ trong nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, kết quả lại không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2012 khi 39% cử tri Mỹ cho rằng việc nạo phá thai là phạm pháp.

Liên quan tới hai vấn đề này, ông Trump đã công khai phản đối việc siết chặt giới hạn về quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ - điều có phần đi ngược lại mong muốn của các cử tri Mỹ. Song Tổng thống đắc cử của nước Mỹ lại chia sẻ quan điểm với người dân trong vấn đề thứ 2 khi khẳng định “nạo phá thai là một hành động cần phải bị trừng phạt”. Chính vì thế, nhiệm vụ sắp tới của ông Trump là phải tìm cách dung hòa về đường lối chính sách để có thể đáp ứng được lòng mong mỏi của đại đa số cử tri – những người có tiếng nói quyết định và đã mang lại chiến thắng cuối cùng cho ông trong đường đua vào Nhà Trắng.

Trả lời phỏng vấn báo chí từ Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius không cho biết ông bỏ phiếu cho ứng cử viên nào với tư cách Đại sứ mà chỉ bỏ phiếu với tư cách là một công dân Mỹ. Đại sứ Osius cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục nhiệm kỳ đến tháng 1/2017 trước khi chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Tổng thống mới. Trong thời gian còn lại, ông Obama và chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực. Đại sứ Osius khẳng định, tương lai của nước Mỹ gắn liền với châu Á và cho dù ông Trump hay bà Clinton trở thành Tổng thống Mỹ thì điều đó cũng không thay đổi./.

Theo Dangcongsan