Thực trạng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với HĐND, UBND địa phương

Thời sự, Chính trị | 21:45:50 10/11/2017

TNV - Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ, đổi mới PTLĐ của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới thì khâu mấu chốt là đổi mới PTLĐ của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND là một bộ phận rất quan trọng. Nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng của các địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới và sự phát triển của đất nước. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc đổi mới PTLĐ của các cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương, đây là vấn đề rất cần thiết, cấp bách hiện nay.

Để đề ra giải pháp tiếp tục đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HĐND, UBND địa phương cần xuất phát từ thực trạng dưới đây:

Một số ưu điểm đạt được

Về đổi mới việc ra nghị quyết của cấp ủy địa  phương

Đổi mới việc chuẩn bị ra nghị quyết: Trên cơ sở đường lối, chủ trương và các Nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết các hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của cấp trên, các cấp ủy đã quán triệt sâu sắc, chuẩn bị dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ địa phương. Đại hội đại biểu đảng bộ địa phương các nhiệm kỳ đã xác định mục tiêu, phương hướng và những nhóm giải pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sau đại hội đảng bộ địa phương, các cấp ủy đã tiến hành xây dựng và ra quyết định ban hành quy chế làm việc của cấp uỷ, xây dựng chương trình công tác toàn khóa các nhiệm kỳ.

Nhìn chung, việc chuẩn bị ra nghị quyết, được thực hiện nghiêm túc, chu đáo với tinh thần trách nhiệm. Những tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng dự thảo nghị quyết của cấp ủy như: văn kiện Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan; những thông tin, số liệu về tình hình thực tiễn; các nguồn lực có thể sử dụng, khai thác về cán bộ, tổ chức bộ máy, kinh phí thực hiện; chương trình công tác toàn khóa và hàng năm của cấp ủy... được cung cấp đầy đủ và được xử lý đạt kết quả.

Ban xây dựng dự thảo nghị quyết xin ý kiến thường trực, ban thường vụ cấp ủy địa phương và các cấp ủy viên tiếp tục hoàn thiện nghị quyết: Ở nhiều nơi Ban xây dựng dự thảo nghị quyết, hoặc cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết đã kịp thời gửi bản dự thảo nghị quyết cho văn phòng cấp ủy xem xét và xin ý kiến các đồng chí thường trực, các ủy viên ban thường vụ và các cấp ủy viên. Văn phòng cấp ủy đã thực hiện tốt công việc này và tiến hành tổng hợp ý kiến và tham gia hoàn chỉnh dự thảo và trực tiếp trình thường trực cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy để xin ý kiến theo quy định của quy chế làm việc của cấp ủy.

Sau khi nhận được báo cáo dự thảo nghị quyết của cấp ủy thường trực cấp ủy xem xét và cho ý kiến cụ thể. Nếu văn bản dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, thể thức văn bản, thường trực cấp ủy tiếp tục yêu cầu văn phòng cấp ủy truyền đạt ý kiến và yêu cầu các đơn vị chủ trì chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo. Nhìn chung trong hai nhiệm kỳ qua các cấp ủy địa phương đều thực hiện tốt công việc này. Phần lớn các bản dự thảo nghị quyết được các cấp ủy đánh giá đã đảm bảo chất lượng, đúng hình thức văn bản, ngắn, gọn, rõ chủ đề và những nội dung chủ yếu, kèm theo kế hoạch quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết.

 Ra nghị quyết của cấp uỷ: Nhìn lại quá trình ra nghị quyết của các cấp ủy địa phương trong hai nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định: các cấp ủy đã đổi mới một bước khá lớn công việc này, thể hiện ở:

Căn cứ vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy và tình hình cụ thể của địa phương, ban thường vụ và thường trực cấp ủy lựa chọn những vấn đề cần thiết để chỉ đạo xây dựng và ra nghị quyết của cấp uỷ, hoặc của ban thường vụ cấp uỷ.

Việc tiến hành hội nghị ra nghị quyết của cấp ủy được nhiều cấp ủy đặc biệt quan tâm và được chuẩn bị chu đáo.  Trong hai nhiệm kỳ qua các hội nghị cấp ủy về ra nghị quyết được chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình thức tổ chức và điều kiện làm việc, có chương trình làm việc cụ thể, nghị quyết ban hành có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Đổi mới việc tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy địa phương

 Về học tập, quán triệt nghị quyết: Trong những năm qua, các cấp ủy địa phương đã đổi mới mới một bước việc học tập, quán triệt nghị quyết. Ban thường vụ cấp ủy các cấp ở địa phương coi trọng chỉ đạo sự phối hợp giữa văn phòng với ban tuyên giáo cấp ủy xây dựng kế hoạch hướng dẫn việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết.

Các cấp ủy lãnh đạo HĐND, UBND địa phương tổ chức thực hiện nghị quyết: Từ nhiệm vụ chính trị và các chủ trương giải pháp lớn được Đại hội xác định, các cấp ủy đã lãnh đạo HĐND địa phương xây dựng dự thảo nghị quyết về cụ thể hoá nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương trong nhiệm kỳ thành các mục tiêu, chương trình, đề án trên từng lĩnh vực đời sống của xã hội và các giải pháp tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đã quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy với HĐND, UBND địa phương nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của HĐND địa phương trong quá trình UBND địa phương tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành của UBND đối với mọi hoạt động trên địa bàn.

Phần lớn cấp ủy đã tập trung lãnh đạo HĐND địa phương, coi đó là một trọng tâm công tác của mình; lãnh đạo UBND địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể của từng giai đoạn để tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của HĐND, nhất là các nghị quyết về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do đại hội đảng bộ địa phương xác định. Việc sơ kết, tổng kết hoạt động của HĐND, UBND địa phương về tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy và của cấp trên được phần lớn các cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ và duy trì thành nền nếp.

 Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo HĐND, UBND địa phương: Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo HĐND, UBND địa phương đã có chuyển biến. Nhiều cấp ủy coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực; làm việc có trọng tâm, trọng điểm.

Đổi mới công tác tổ chức và cán bộ HĐND, UBND địa phương

Đổi mới công tác tổ chức: Trên cơ sở các chủ trương, quan điểm của Đảng, cấp ủy đã xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng HĐND, UBND địa phương với ba nội dung chủ yếu: rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cấp ủy đã coi nhiệm vụ này là một nhiệm vụ trọng tâm, một nhân tố rất quan trọng, đảm bảo đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương đạt kết quả.

Đổi mới công tác cán bộ: Các quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ được thực hiện nghiêm chỉnh hơn, sát với địa phương hơn, nhất là nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong HTCT.

Đổi mới công tác cán bộ được thực hiện ở tất cả các khâu: trong tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ của cấp ủy và HĐND, UBND địa phương; quy hoạch cán bộ chủ chốt các cơ quan HĐND, UBND địa phương; chuẩn bị nhân sự đại hội và giới thiệu người vào các chức danh cán bộ chủ chốt; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ; trong quản lý, sắp xếp, sử dụng cán bộ; trong thực hiện chính sách cán bộ.

Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tính tiên phong, sự gương mẫu của Đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND địa phương và vai trò của Mặt trận, đoàn thể

Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tính tiên phong, sự gương mẫu của Đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND địa phương: đây là một nội dung trọng tâm của đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương. Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công việc này, với những nội dung chủ yếu như: phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng viên trong khắc phục khó khăn, thực hiện nghị quyết của cấp uỷ; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan và của Đảng viên; nêu gương đạo đức, lối sống của mỗi cấp ủy viên, của các ủy viên ban thường vụ và đảng viên là người đứng đầu HĐND, UBND địa phương. Thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp ủy ở nhiều địa phương có các biện pháp, cách thức để chỉ đạo cuộc vận động đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia vào việc đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương: Các cấp ủy đã coi trọng cải tiến cách tổ chức để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân địa phương đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của cấp uỷ: quán triệt mục đích, yêu cầu, những nội dung chủ yếu của nghị quyết sắp ban hành cho cán bộ lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể, làm cơ sở cho việc tổ chức hội nghị để các đoàn viên, hội viên đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết. Nhiều cấp ủy đã đề nghị các đoàn thể có liên quan đến nội dung chủ yếu của nghị quyết, tham gia Ban xây dựng dự thảo nghị quyết với tư cách là cơ quan phối hợp.

Hướng dẫn về nghiệp vụ, thủ tục giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức cho cán bộ lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể. Tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, đoàn thể thực hiện có kết quả công việc này. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những cán bộ do dân bầu cử... và việc hiệp thương nhân sự bầu đại biểu HĐND địa phương...Khá nhiều vụ việc tiêu cực như có biểu hiện tham nhũng, ức hiếp dân, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ địa phương do Mặt trận và các đoàn thể phát hiện.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND địa phương

Các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình lãnh đạo của mình. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong HĐND, UBND địa phương, nhất là đối với những cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý đã thu được kết quả tích cực; góp phần quan trọng làm trong sạch các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong HĐND, UBND ở nhiều địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy ở nhiều địa phương trong thời gian qua có tác dụng to lớn, ngăn chặn tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, sách nhiễu dân của một bộ phận cán bộ HĐND, UBND địa phương.

Một số hạn chế cần khắc phục

 Về đổi mới việc ra nghị quyết của cấp ủy địa phương: trên thực tế cho thấy, còn có những nghị quyết viết dài, dàn trải, quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; chưa phân biệt rõ mục tiêu tổng quát với mục tiêu cụ thể. Nhiều vấn đề nêu trong nghị quyết còn chung chung, khó xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm cá nhân và tập thể cấp ủy nên việc tổ chức thực hiện khó tránh khỏi lúng túng, hiệu quả thấp. Có nghị quyết còn nặng về trình bày thành tích; một số chỉ tiêu đề ra còn chủ quan, biểu hiện của “bệnh thành tích”. Chất lượng nhiều nghị quyết của một số cấp ủy còn thấp. Sự phối hợp giữa cơ quan chưa chặt chẽ, thường xuyên. Ý thức trách nhiệm của một số cá nhân, tổ chức chưa cao khi được xin ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết của cấp ủy địa phương. Chất lượng một số hội nghị về thảo luận ra nghị quyết của một vài cấp ủy chưa cao…

Về công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt nghị quyết: Việc học tập, quán triệt nghị quyết nhìn chung còn chưa sâu sắc, có biểu hiện qua loa, làm lướt, chất lượng, hiệu quả thấp. Nhiều đảng viên trong HĐND, UBND địa phương không nắm được nội dung các nghị quyết của cấp ủy. Việc chỉ đạo của các ban tuyên giáo cấp ủy đối với phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của cấp ủy còn nghèo về nội dung, đơn điệu về hình thức, hiệu quả thấp.

 Về lãnh đạo HĐND, UBND địa phương tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ: có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, hạn chế nhất định việc tập trung nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong thực hiện những mục tiêu, giải pháp do nghị quyết đề ra. Việc lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND địa phương ở một số nơi về xây dựng, ban hành nghị quyết, cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy có lúc, có nơi còn chậm.

Về đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp uỷ trong lãnh đạo HĐND, UBND địa phương: phong cách, lề lối làm việc theo kiểu thủ công chuộng hình thức và có biểu hiện của bệnh thành tích còn tồn tại ở không ít cấp uỷ viên. Một số cấp uỷ địa phương còn chưa thực hiện nghiêm chỉnh chương trình, kế hoạch đã đề ra. Một số cấp uỷ viên còn chưa tận dụng thời gian đi cơ sở...

Về đổi mới công tác tổ chức, cán bộ HĐND, UBND địa phương: Việc quán triệt, triển khai Nghị quyết về chiến lược cán bộ chưa đồng đều, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn chậm và lúng túng. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục.

Về phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tham gia đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương: nhiều cấp ủy còn chưa mạnh mẽ, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác dân vận của HĐND, UBND địa phương.

 Về phát huy vai trò của các tổ chức đảng và tính tiên phong, gương mẫu của Đảng viên làm việc trong HĐND, UBND địa phương: còn nhiều hạn chế, nhiều tổ chức đảng trong HĐND, UBND địa phương chưa nhận thức sâu sắc vai trò của mình, là người trực tiếp lãnh đạo mọi hoạt động của HĐND, UBND địa phương và là một nhân tố rất quan trọng tạo nên thành tựu đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương.

Về đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND địa phương: Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND địa phương vẫn là khâu yếu, nhất là việc kiểm tra, giám sát các cấp ủy viên cùng cấp hoạt động trong HĐND, UBND địa phương.

Một số nguyên nhân chủ yếu

Một là, PTLĐ của các cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương của thời kỳ thực hiện cơ chế quản lý hành chính, tập trung, bao cấp còn tiếp tục ảnh hưởng; việc đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương trong điều kiện hiện nay là vấn đề mới mẻ và rất khó.

Hai là, một số cấp ủy địa phương có lúc chưa nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương; nhiều cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên, cán bộ HĐND, UBND địa phương chưa nhận thức và xác định trách nhiệm đúng đắn và chưa tích cực chủ động tham gia vào đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương.

Ba là, tổ chức bộ máy, cán bộ và chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu của cấp ủy và của HĐND, UBND địa phương ở nhiều nơi chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương.

Bốn là, ở nhiều nơi cấp ủy và nhiều cấp ủy cơ sở đảng chưa động viên và phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia vào quá trình đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương bằng những giải pháp đem lại hiệu quả cao.

Năm là, khá nhiều cấp ủy địa phương chưa thực sự coi trọng và duy trì thành nền nếp việc sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về đổi mới PTLĐ của cấp ủy đối với HĐND, UBND địa phương.

Sáu là, những mặt hạn chế, tiêu cực của truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương còn ảnh hưởng nhất định, hạn chế thành tựu đổi mới PTLĐ của các cấp ủy địa phương đối với HĐND, UBND địa phương.

ThS Nguyễn Thị Mai Anh

Viện Xây dựng Đảng- Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam