Vân Đồn: Đón Huân chương Độc lập Hạng Ba và phấn đấu trở thành đô thị biển đảo xanh, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, giao thương quốc tế

Thời sự, Xã hội | 02:04:18 26/12/2018

TNV - Sáng ngày 26/12/2018, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (26/12/1948 – 26/12/2018), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Vân Đồn, vui mừng làm Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba do Đảng và Nhà nước tặng thưởng.  Đây là mốc son ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân huyện Vân Đồn, trong suốt 70 năm qua; là niềm vui, niềm tự hào to lớn khích lệ cán bộ, đảng viên, quân và dân huyện Vân Đồn tiếp tục vững bước đi lên.

Vân Đồn gắn với chiến công hiển hách chống ngoại xâm của dân tộc

Huyện đảo Vân Đồn nằm ở phía Đông bắc Tổ quốc; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ thế kỷ thứ XII, vào năm 1149, dưới thời Vua Lý Anh Tông, Thương cảng Vân Đồn - Thương cảng đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Năm 1288, trên dòng sông Mang lịch sử, dưới sự chỉ huy của Tướng quân Trần Khánh Dư, quân và dân ta đã đánh tan đoàn thuyền lương của quân xâm lược Nguyên - Mông, làm nên chiến công hiển hách ghi vào trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

Không khí chuẩn bị đón mừng Huân chương Độc lập Hạng Ba và kỷ niệm 70 năm thành lập huyện Vân Đồn. Ảnh: Đ. Tuấn.

Sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc huyện Vân Đồn cùng cả nước đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi bọn thực dân cướp nước, giành chính quyền về tay nhân dân.

 Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man nhưng nhân dân không hề nao núng. Nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ, không sợ gian khổ, hy sinh, ủng hộ kháng chiến, xây dựng cơ sở, căn cứ địa cách mạng, bám đất, bám làng đấu tranh giành thắng lợi.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, huyện Vân Đồn đã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, vừa là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, vừa phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ. Quân và dân trong huyện đã bắn rơi 37 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ (trong đó có chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh), góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Trong các cuộc kháng chiến, hàng trăm con em và người dân Vân Đồn hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương, trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Vân Đồn hôm nay và mãi mãi mai sau như: Dích tích trận địa pháo trên đảo Ngọc Vừng, Di tích căn cứ địa cách mạng Khe Mai.

Lễ hội truyền thống Vân Đồn tái hiện chiến công của võ tướng Trần Khánh Dư trên dòng sông Mang lịch sử. Ảnh: P. Quỳnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, phát huy tốt nội lực và đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất b́ình quân giai đoạn 2015 -2018 đạt trên 17%/năm, thu ngân sách năm 2018 đạt 708,6 tỷ gấp 13,4 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp- xây dựng, giảm tỷ trọng về nông nghiệp.

Vân Đồn - nơi hấp dẫn các nhà đầu tư lớn tìm đến

Trong phát triển kinh tế huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Với trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, năm 1986 điện lưới quốc gia đã vượt biển ra với nhân dân các xã trung tâm của huyện; năm 2005, cầu Vân Đồn được hoàn thành đưa vào sử dụng nối huyện đảo với đất liền.

Xã Vạn Yên đã trở thành vùng chuyên canh giống cam bản địa nổi tiếng mang nhãn hiệu “Cam Vân Đồn”. Với diện tích hơn 180ha, sản lượng trên 200 tấn mỗi năm, Cam Vân Đồn – Vạn Yên chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong huyện và một số địa phương lân cận. Ảnh: P. Quỳnh.

Tiếp đó hệ thống giao thông, cảng biển được đầu tư xây dựng, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt đến các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Các công trình trọng điểm, động lực được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ như: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh lộ 334, đường xuyên đảo Quan Lạn –Minh Châu, đường đấu nối khu chức năng Khu kinh tế Vân Đồn, đường từ xã Vạn Yên đến khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu, đường trục chính trung tâm đô thị Cái Rồng, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; các công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch được quan tâm đầu tư. Đặc biệt là công trình đưa điện lưới ra các xã đảo của huyện và huyện Cô Tô. Đây là công trình đi đầu trong cả nước đưa điện lưới Quốc gia vượt biển ra đảo bằng công nghệ chôn cáp ngầm dưới biển.

 

Ruốc hải sản (mực, trai, hàu…) và nước mắm Cái Rồng là những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao mang đặc trưng của huyện đảo Vân Đồn. Ảnh: P. Quỳnh.

Do làm tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và vị trí địa chiến lược, Vân Đồn đã trở thành nơi đầu tư hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn tìm đến đầu tư như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với quy mô cấp 4E do tập đoàn Sungrup đầu tư; khu công viên phức hợp giải trí cao cấp có hạng mục Casino, dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea, dự án con đường Di sản, dự án FURAMA Vân Hải nghiên cứu đầu tư tại đảo Quan Lạn; Tập đoàn FLC nghiên cứu toàn bộ đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh... Đây là thời cơ, vận hội lớn đối với huyện Vân Đồn trên con đường xây dựng, hội nhập và phát triển.

Vân Đồn hướng tới mục tiêu trở thành đô thị biển đảo xanh, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và giao thương quốc tế

Nhờ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông lâm ngư nghiệp gắn với thị trường, phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện, làm cho diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia xây dựng Nông thôn mới. Đến năm 2018, toàn huyện có 6/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 12,5% năm 2010 còn 2,24% năm 2018; sự nghiệp giáo dục đạt nhiều kết quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, 100% trường học được xây dựng khang trang, trong đó, trường học đạt chuẩn quốc gia trên 82%; học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh ngày một tăng; sự nghiệp y tế đã được quan tâm, 12/12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, đạt 43 giường bệnh, 12 bác sỹ trên 1 vạn dân; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; các lễ hội, di tích, danh lam, thắng cảnh được bảo tồn và phát huy giá trị, được đông đảo bà con du khách tìm về như: Di tích đình – chùa – miếu - nghè Quan Lạn, chùa Cái Bầu, Lễ hội truyền thống Vân Đồn tái hiện chiến công của võ tướng Trần Khánh Dư trên dòng sông Mang lịch sử, Di tích đền Cặp Tiên.

Chùa Cái Bầu linh thiêng và nguy nga nằm ven vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Ảnh: P. Quỳnh.

 Tại buổi lễ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vân Đồn, Bí thư Huyện ủy Tô Xuân Thao khẳng định: Phát huy những thành tựu qua 70 năm xây dựng và phát triển với “Vị thế mới, cơ hội mới”, trong thời gian tới, huyện Vân Đồn quyết tâm phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội để huyện phát triển nhanh, bền vững hướng tới mục tiêu xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và giao thương quốc tế./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam