Nhận diện đối tượng chống phá và những nguyên tắc cơ bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Lý luận trẻ | 15:25:00 01/08/2023

TNV - Để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch có hiệu quả, ngoài việc nhận diện đúng, trúng các quan điểm sai trái, thù địch thì việc nhận diện các đối tượng chống phá góp phần quan trọng để có thể đưa ra các giải pháp cụ thể đấu tranh với từng nhóm đối tượng. Cũng vậy, cho dù với đối tượng nào thì trong đấu tranh, phản bác cũng không được xa rời những nguyên tắc cơ bản.

Hiện nay, có thể nhận thấy các đối tượng chống phá, xuyên tạc thường thuộc các nhóm sau:

Một là, những đối tượng phản động. Nhóm này thường là lực lượng tàn dư của chế độ Sài Gòn trước đây đang sinh sống, lưu vong ở nước ngoài kết hợp với số đối tượng chống đối, bất mãn ở trong nước. Nhóm này có số lượng đông đảo nhất, manh động nhất và chống phá trực diện, quyết liệt hơn cả nhằm thực hiện âm mưu phá hoại công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, khi thế và lực của Việt Nam ngày càng mạnh, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế tăng cao thì nhóm này cũng mất dần những cơ sở hậu thuẫn và một số tổ chức của các nhóm cũng dần tan ra hoặc không quy tụ được lực lượng. Tuy nhiên, hiện nay nhóm này lại có chiêu bài là móc nối với các đối tượng bất mãn trong nước để nhằm xuyên tạc và chống phá từ bên trong.

Hai là, những nhóm phản gián. Nhóm này là những người thuộc các lực lượng được cài cắm từ các nước, các tổ chức quốc tế vốn không thiện cảm với Việt Nam và nuôi ý đồ chống phá công cuộc xâ dựng và bải vệ Tổ quốc Việt Nam. Đối với các đối tượng này cần phải có sự quan tâm đặc biệt từ các lực lượng an ninh, an ninh quân đội. Trong bối cảnh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay, cần đặc biệt lưu s chuyển biến tư tưởng cũng như các hành vi, phát ngôn của những người có khả năng bị mua chuộc, lôi kéo.

Ba là, nhóm phản đối. Nhóm này có thể có nhiều đối tượng khác nhau. Họ có thể là những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Họ cũng có thể là những cán bộ, đảng viên bất mãn, cơ hội suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong thực tế cần phải thật sự tỉnh táo trong vấn đề này bởi có những việc cán bộ, đảng viên “phản đối” nhưng họ lại đúng, vì chính sách nào đó đã được thực hiện sai lầm.

Bốn là, những người thuộc nhóm phản bội. Đây là những người thường có công lao, có quá trình cống hiến song đến một giai đoạn nào đó bản thân họ “trở cờ” trở thành những người phản bội lại lý tưởng. Thông thường những người thuộc nhóm này thường có những trả lời trên các kênh truyền thông có mục đích chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Họ cũng thường có những bài viết đăng trên các trang mạng chống đối hoặc đăng trên các trang facebook,…

Có thể thấy các quan điểm sai trái, thù địch, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng vô cùng đa dạng, phong phú, tinh vi, phức tạp trên tất cả mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Tất cả các bài viết, ý kiến xuyên tạc này dù với nội dung gì, viết với phong cách này, nhắm vào đối tượng nào thì đều có mục đích là tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, chống phá sự nghiệp và thành quả xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước Việt Nam.

Nhận diện các đối tượng chống phá, nhận diện các quan điểm, nội dung chống phá là cần thiết để tiến hành đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện có chất lượng, hiệu quả, thuyết phục cần kiên trì, bình tĩnh và phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản:

Một là, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[1].

Như vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước hết phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Nhà nước Việt Nam. Liên Xô những năm thực hiện cải tổ đã xa rời nguyên tắc này và hậu quả là Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ.

Hai là, cần phân loại và đánh giá đúng đâu là các quan điểm chống phá, sai trái, thù địch, đâu là những quan điểm thuộc 04 nội dung nêu trên (phản động, phản gián, phản đối, phản bội) và đâu là phản biện, vốn là một phương thức góp ý kiến chân thành của những người tâm huyết và có trách nhiệm. Cũng cần phân biệt những người thuộc nhóm “phản đối” thì nguyên nhân do đâu, do họ nhận thức chưa đầy đủ hay do các chính sách thực thi không đúng để có phương pháp điều chỉnh hoặc đấu tranh phù hợp. Điều dễ nhận biết nhất là những quan điểm chống đối, phản động, thù địch thường có xu hướng phủ định sạch trơn hoặc nguỵ biện một cách tinh vi. Những quan điểm phản biện với dụng ý góp ý kiến có thể gay gắt song thường được viết dưới dạng khúc chiết, chân thành và có nhiều viện dẫn, phân tích khoa học, thấu đáo. Những quan điểm, bài viết do nhận thức chưa đầy đủ thường hời hợt, không sâu sắc, chắp vá,...

Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả cần phân biệt rõ các quan điểm thuộc dạng nào. Đối với các quan điểm phản động, chống phá, thù địch thì nhất thiết phải đấu tranh trực diện, không khoan nhượng, bác bỏ. Đối với các phản biện, góp ý chân thành nhưng có vẻ gay gắt cần tổ chức thảo luận, trao đổi, đối thoại, viêts bài phản biện bằng những lập luận khoa học, thực tiễn, lịch sử để thuyết phục. Cần tránh tối đa việc đẩy những người có quan điểm hơi khác quan điểm chính thống nhưng chưa thuộc dạng chống phá sang phía đối địch. Đối với các quan điểm do nhận thức chưa rõ cần trao đổi, thuyết phục, cung cấp chứng lý để giúp đối tượng nâng cao nhận thức.

Ba là, quán triệt nguyên tắc dân chủ trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch.Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” nêu rõ “Đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau”[2]. Tư tưởng là suy nghĩ của cá nhân, vì vậy nếu có suy nghĩ đúng thì cũng sẽ có những suy nghĩ sai, vấn đề cơ bản là phải làm công tác tư tưởng để cho những suy nghĩ đúng trở thành dòng suy nghĩ chủ đạo của xã hội. Muốn vậy, chắc chắn không thể dùng áp đặt về tư tưởng mà phải thông qua trao đổi, đối thoại, phản biện một cách dân chủ, công khai.

Vì vậy, cần mở các diễn đàn trao đổi, lắng nghe các ý kiến phản biện tâm huyết, có tinh thần xây dựng. Phân biệt rõ đâu là những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, đâu là những luận điệu xuyên tạc, chống phá, tránh việc chụp mũ, quy chụp trong nghiên cứu lý luận và trao đổi học thuật về lý luận.


(*) Bài viết là một phần của đề tài cơ sở ““Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay”.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.33.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Số 37-NQ/TW, ngày 09 tháng 10 năm 2014 của Bộ Chính trị“Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.

Vũ Trung Kiên - Phạm Thị Quý(*)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam